Giải mã nghi thức tự mổ bụng của các Samurai

Nền văn hóa Nhật Bản có rất nhiều những truyền thống đặc trưng, riêng biệt mà samurai cùng với nghi thức seppuku – tự mổ bụng là một minh chứng rõ nét.

Seppuku không chỉ đơn thuần là việc tự sát của các võ sĩ đạo mà nó còn là nghi thức thể hiện chí khí đạo đức nhằm bảo vệ danh dự, khí tiết của mỗi một samurai. Cũng chính bởi vậy mà việc tự mổ bụng được thực hiện như một buổi lễ trang trọng với những nghi thức cầu kỳ và phức tạp nhất …

Seppuku là một nghi thức xưa của người Nhật. Theo nghi thức này, một samurai sẽ tự mổ bụng tuẫn tiết khi bị thất thủ hoặc khi chủ bị chết để tránh bị rơi vào tay quân thù và bị làm nhục. Việc tự mổ bụng khi chủ bị chết tiếng Nhật gọi là oibara. Samurai còn có thể được các lãnh chúa đại danh (daimyo) ra lệnh phải tự mổ bụng.

Sau này, các samurai bị ô nhục được phép tự mổ bụng thay vì bị hành quyết theo cách thông thường. Do mục đích chính của nghi lễ này là bảo vệ danh dự của samurai, những ai không thuộc về giới samurai sẽ không bao giờ thực hiện hay bị ra lệnh thực hiện nghi lễ này. Những samurai nữ chỉ thực hiện tự mổ bụng với sự cho phép.

Việc tự mổ bụng được thực hiện theo trình tự nghi thức chặt chẽ. Một samurai khi được ban cho hình phạt Seppuku (Harakiri) được tắm rửa thật sạch sẽ, mặc một áo dài màu trắng, ăn thức ăn khoái khẩu và khi xong thì dụng cụ thực hiện nghi thức mổ bụng được đặt trên một cái đĩa của ông. Người samurai thực hiện nghi thức seppuku thường ngồi trên những tấm vải đặc biệt (dành riêng cho người thực hiện seppuku). Người samurai này sẽ chuẩn bị cho cái chết của mình bằng cách viết một bài thơ từ thế cú.


	Hình minh họa.

Hình minh họa.

Người được ngồi bên cạnh ông ta là “Kaishahunin” - người làm công việc chém đầu người samurai chuẩn bị  tiến hành nghi lễ sepuku. Người Kaishahunin chỉ làm nhiệm vụ chém đầu sau khi người kia đã thực hiện xong nghi lễ seppuku. Người làm công việc chém đầu Samurai không phải luôn luôn nhưng thường là một người bạn. Nếu một người samurai bại trận được một ai đó tôn sùng, người đó sẽ tình nguyện trở thành Kaishakunin cho người Samurai với mong muốn được thể hiện niềm kính trọng của mình.

Đầu tiên, người samuarai sẽ cởi áo kimono. Sau đó ông sẽ cẩn thận lấy dây đai áo buộc xuống dưới hai đầu gối để giữ cho mình khi mổ bụng vẫn giữ được tư thế ngã sấp, tạo một tư thế long trọng, và rất xứng với lễ tiết của một samurai. Sau đó người samuarai chậm rãi lấy một thanh kiếm ngắn gọi là wakizashi đã để trước mặt hoặc một con dao từ từ đâm vào bụng mình. Đối với những người samurai không đủ chân chính, họ chỉ đâm một đường từ trái sang phải đã đủ để xong nghi thức seppuku.

Người kaishakunin sẽ thực hiện daki-kubi, đó là một nhát chém gần như đứt hẳn đầu của người Samurai (vẫn còn một dải thịt mỏng gắn đầu với thân thể). Do đây là một kỹ thuật đòi hỏi sự chính xác cao, nên người làm việc này thường là một kiếm sĩ lão luyện.

Tác giả Yamamoto Tsunetomo đã từng viết về công việc của một Kaishahunin: “Một thời gian dài trong lịch sử, việc một Samurai được yêu cầu trở thành kaishaku là một điềm báo không tốt đẹp. Nguyên nhân là họ chẳng có được một sự kính trọng nào từ việc này. Còn nếu như chẳng may có lỗi nào đó trong việc này thì hậu quả sẽ là sự thất sủng của chủ tướng. Trong thực tế, khi cái đầu rơi xuống, sẽ tốt nhất khi để lại một chút da thịt mỏng sao cho cái đầu vẫn nằm trên cổ. Tuy nhiện, hiện tại, thường nó sẽ được cắt lìa hẳn”.

Thường nhát chém hoàn hảo theo đúng nghi thức sẽ được thực hiện ngay sau khi thanh dao vừa ngập vào ổ bụng của người Samurai. Sau đó, người kaishakunin sẽ bước xuống bục để hành lễ, lấy một mẩu giấy trịnh trọng lau vết máu trên kiếm. Còn thanh kiếm thì được giữ lại như vật kiểm chứng của nghi lễ seppuku thiêng liêng. Một số Samurai lựa chọn cách chết đau đớn hơn trong nghi lễ này gọi là jūmonji-giri, nghĩa là "Cắt hình chữ thập", khi đó, trong nghi lễ sẽ không có Kaishakunin để kết thúc nhanh chóng nỗi đau của người Samurai. Trong cách tự tử này, sau vết cắt đầu tiên, Samurai sẽ cắt vết thứ 2, đau đớn hơn nhiều, cắt dọc theo dạ dày. Một Samurai chấp nhận trở thành jumonji-giri sẽ phải chịu đựng một cái chết trong sự yên lặng bằng việc bị mất máu dần dần, đôi bàn tay ông ta sẽ che lấy khuôn mặt và ra đi một cách từ từ.

Trong khi Seppuku trong tự nguyện được nhiều người biết đến và ngưỡng mộ như một hành động của danh dự, nhưng thực tế, dạng Seppuku phổ biến nhất là Seppuku cưỡng bức, sử dụng như một hình phạt luật pháp dành cho những Samurai bị ô nhục, đặc biệt là đối với những ai đã gây ra những vụ việc nghiêm trọng như giết người vô cớ, trộm cắp, tham nhũng, hoặc mưu phản.

Người Samurai sẽ gần như bị buộc tội và sẽ phải thực hiện Seppuku như 1 hình phạt, thường anh sẽ phải làm việc này vào lúc bình minh hoặc hoàng hôn. nếu người bị kết tội không thực hiện hình phạt, thì cuộc hành quyết sẽ được thực hiện bằng hình thức chém đầu là chuyện không phải chưa từng xảy ra. Khi đó, thanh wakizashi sẽ được thay bằng 1 chiếc quạt. Một cuộc hành quyết như vậy vẫn mang hình thức là một cuộc Seppuku. Không giống như Seppuku tự nguyện, gia đình của Samurai phải thực hiện Seppuku như một bản án sẽ phải chịu sự liên lụy. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của vụ việc mà một nửa hoặc toàn bộ gia sản sẽ bị tịch thu, gia đình người đó sẽ rơi vào tình trạng kiệt quệ.

Seppuku hiện đại và “samurai chân chính cuối cùng”

Seppuku được thực hiện như hình phạt luật pháp đã được bãi bỏ từ năm 1873, ngay sau cuộc Minh Trị Duy Tân, nhưng Seppuku tự nguyện thì chưa chấm dứt hẳn. Vẫn còn rất nhiều người sau đó được biết đến là đã thực hiện Seppuku. Chẳng hạn như Saigō Takamori - "người samurai chân chính cuối cùng" - đã thực hiện seppuku sau khi thất bại trong cuộc chiến tranh Tây Nam. Saigo Takamorisinh ngày 23 tháng 1 năm 1828 là một trong những samurai giàu ảnh hưởng nhất trong lịch sử Nhật Bản, sống vào cuối thời kỳ Edo và đầu thời kỳ Minh Trị. Saigo khởi nghiệp là một võ sĩ samurai cấp thấp.

Ông được thuê đến Edo  năm 1854 để trợ giúp daimyo phiên bang Satsuma là Shimazu Nariakira trong việc hòa giải và thắt chặt mối quan hệ giữa Mạc phủ Tokugawa với triều đình. Tuy vậy, hoạt động của Saigō Takamori ở Edo đột ngột kết thúc với cuộc Thanh trừng Ansei của Tairo Ii Naosuke chống lại các hoạt động chống chính quyền Mạc phủ, và cái chết bất ngờ của Shimazu Nariakira. Saigō chạy trốn về Kagoshima, chỉ để bị bắt và bị đày đi đảo Amami Ōshima. Ông sớm được gọi lại năm 1861, và được cử đến kinh đô Kyoto để giải quyết các lợi ích của phiên mình với triều đình.

Khi nhận nhiệm vụ chỉ huy quân đội Satsuma đóng tại Kyoto, Saigo nhanh chóng kết thân với các samurai từ phiên Aizu chống lại lực lượng của phiên bang Choshu  đối nghịch, chống lại việc phiên bang này chiếm giữ Hoàng cung Kyoto trong Sự kiện Hamaguri Gomon. Tháng 8 năm 1864, Saigo là một trong các chỉ huy quân sự trong cuộc chinh phạt trừng trị phiên bang Choshu vì sự kiện này do Mạc phủ tổ chức, nhưng ông bí mật đàm phán với lãnh đạo phiên bang Choshu, sau này dẫn đến hình thành Liên minh Satcho.

Khi Mạc phủ Tokugawa gửi một đạo quân chinh phạt Choshu lần thứ hai vào tháng 8 năm 1864, phiên bang Satsuma vẫn giữ thái độ trung lập. Tháng 11 năm 1867, Tokugawa Yoshinobu từ ngôi Sei-i Daishōgun, trao chả quyền lực cho Thiên hoàng Minh Trị, sách sử gọi là cuộc khôi phục uy quyền của Nhật hoàng. Tuy vậy, Saigō Takamori là một trong những người phản đối kịch liệt nhất giải pháp đàm phán, đòi nhà Tokugawa phải bị tước đoạt hết đất đai và địa vị đặc biệt. Thái độ không khoan nhượng của ông là một trong những lý do quan trọng của cuộc chiến tranh Boshin giữa quân đội Thiên hoàng và quân đội Mạc phủ sau này.

Trong chiến tranh Boshin, Saigo chỉ huy quân đội Thiên hoàng trong trận Toba-Fushimi, và dẫn quân đội Thiên hoàng tiến đến Edo, nơi ông chấp nhận sự đầu hàng của thành Edo từ Katsu Kaishu. Mặc dù Okubo Toshimichi và những người khác năng động và giàu ảnh hưởng hơn trong việc thành lập triều đình Minh Trị, Saigo vẫn giữ vai trò trọng yếu, và sự hợp tác của ông là rất cần thiết trong việc phế phiên, lập huyện và thành lập quân đội theo nghĩa vụ.

Bất chấp tiểu sử khiêm nhường của ông, năm 1871, ông được giao nhiệm vụ lãnh đạo triều đình trong lúc Iwakura Tomomi cùng một phái bộ sứ thần sang các nước phương Tây (1871 - 1872). Saigo Takamori ban đầu là người chống đối việc hiện đại hóa Nhật Bản và mở cửa giao thương với phương Tây. Ông nổi tiếng với việc chống lại xây dựng hệ thống đường ray xe lửa, nhấn mạnh rằng tiền bạc nên chi vào việc hiện đại hóa quân đội.

Tuy vậy, Saigo đã nhấn mạnh rằng Nhật Bản nên khai chiến với nhà Triều Tiên trong cuộc tranh luận Seikanron năm 1873 do Triều Tiên từ chối công nhận tính hợp pháp của Thiên hoàng Minh Trị là người đứng đầu Đế quốc Nhật Bản, và sự đối xử măng tính lăng mạ đưa ra với công sứ Nhật Bản khi cố thiết lập quan hệ thương mại và ngoại giao. Một mặt, ông đề nghị được đi thăm Triều Tiên với tư cách cá nhân và tạo ra một cái cớ gây chiến bằng cách cư xử với thái độ sỉ nhục đến mức mà người Triều Tiên buộc phải giết ông. Tuy vậy, các lãnh đạo khác của Nhật Bản mạnh mẽ chống lại kế hoạch này, một phần vì tình hình ngân sách, và một phần vì nhận thấy sự yếu kém của nước Nhật nếu so với các nước phương Tây nhờ những gì họ đã chứng kiến trong thời kỳ phái đoàn Iwakura. Saigo từ bỏ mọi vị trí trong chính quyền của mình và trở về quê nhà Kagoshima.

Không lâu sau đó, một học viện quân sự tư nhân được thành lập ở Kagoshima cho các võ sĩ samurai trung thành cũng đã từ bỏ vị trí của mình để đi theo ông từ kinh đô Tokyo. Những võ sĩ bất mãn này dần thống trị chính quyền Kagoshima, và do lo sợ một cuộc nổi loạn, triều đình cử một tàu chiến đến Kagoshima để dỡ vũ khí từ kho súng Kagoshima. Thật mỉa mai, chính hành động này đã khai mào cho các vụ giao chiến công khai, mặc dù sau việc bãi bỏ hệ thống trả lương gạo cho samurai năm 1877, sự căng thẳng đã lên rất cao. Mặc dù rất hốt hoảng vì cuộc nổi loạn này, Saigo bị thuyết phục miễn cưỡng lãnh đạo cuộc nổi dậy Satsuma chống lại triều đình trung ương.

Cuộc nổi dậy bị đè bẹp sau vài tháng bởi một đội quân đông đảo bao gồm 300.000 sĩ quan samurai và binh lính nghĩa vụ dưới sự chỉ huy của Kawamura Sumiyoshi. Lục quân Đế quốc Nhật Bản hiện đại hơn về mọi mặt của chiến tranh, sử dụng pháo (howitzer) và trinh sát bằng khí cầu. Quân nổi dậy Satsuma có khoảng 40.000 quân, giảm xuống còn chỉ khoảng 400 trong trận cuối cùng Shiroyama. Mặc dù họ chiến đấu để bảo vệ vị trí của samurai, họ cũng sử dụng của các phương pháp quân sự phương Tây, súng, pháo; tất cả các miêu tả về Saigo Takamori đều tả ông trong bộ quân phục kiểu phương Tây. Cuối chiến tranh, do hết vũ khí và đạn dược, ông buộc phải quay lại sử dụng các chiến thuật gần như truyền thống và sử dụng kiếm, cùng và tên.

Việc ông đã chết như thế nào vẫn còn chưa được giải đáp. Tài liệu từ những thuộc hạ của ông nói rằng ông đã đứng thẳng mà thực hiện seppuku (mổ bụng tự sát) sau khi bị thương, hay yêu cầu một người cận thần trợ giúp cho việc tự sát của mình.

Trong tranh luận, vài học giả đã cho rằng không phải là trường hợp này, và Saigo đáng lẽ đã bị shock vì vết thương của mình và mất khả năng nói. Vài người đồng đội sau khi thấy ông trong tình trạng này, có lẽ đã cắt đầu ông, giúp ông thực hiện cái chết của một võ sĩ mà họ biết là ông mong muốn.

Sau này, họ nói rằng ông mổ bụng tự sát để bảo vệ vị thế của ông như một samurai chân chính. Không rõ là điều gì đã xảy đến với cái đầu của Saigo sau khi ông chết. Vài truyền thuyết nói rằng người hầu của Saigo đã giấu đầu của ông, và sau này bị quân lính của triều đình tìm thấy. Trong trường hợp này, chiếc đầu đã được quân đội chính phủ tìm lại và ráp với thân thể Saigo, được đặt cạnh xác hai cấp phó của mình là KIirino và Murata. Điều này được thuyền trưởng Mỹ Capen Hubbard chứng kiến. Bí ẩn về chiếc đầu không bao giờ được tìm ra.

Sau Saigo còn có một số nhân vật khác đã thực hiện nghi thức seppuku tự nguyện này. Đó là Đại tướng Lục quân Maresuke Nogi và vợ sau khi Thiên hoàng Minh Trị qua đời vào 1912. Vào năm 1970, nhà văn nổi tiếng Yukio Mishima cùng một người học trò đã thực hiện Seppuku công khai tại tổng hành dinh của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản sau 1 nỗ lực bất thành trong việc xúi giục lực lượng vũ trang tổ chức đảo chính.

Mishima đã thực hiện Seppuku ngay trong văn phòng của tướng Kanetoshi Mashita. Kaishakunin của ông, một thanh niên 25 tuổi tên là Masakatsu Morita, đã cố gắng cắt đầu ông theo như nghi thức nhưng không thành. Cuối cùng, người làm công việc này là Hiroyasu Koga. Morita sau đó đã cố gắng thực hiện Seppuku cho anh. Mặc dù vết cắt của anh chưa đủ sâu để có thể lập tức lấy mạng, nhưng cuối cùng anh vẫn được cắt đầu bởi Koga.

Năm 1999, Masaharu Nonaka, một công nhân 58 tuổi của công ty Bridgestone Japan, đã cắt ngang bụng ông bằng con dao sashimi (dao làm bếp) để phản đối quyết định buộc ông phải nghỉ việc của ban lãnh đạo. Ông đã chết sau đó tại bệnh viện. Vụ tự tử này, đã trở nên nổi tiếng và được biết đến dưới cái tên “risutora seppuku”, là hậu quả của thời kì khó khăn theo sau sự sụp đổ của một nền kinh tế bong bóng ở Nhật Bản.

Có thể nói rằng, nghi thức này là một nghi thức mang đặc trưng tính cách võ sĩ đạo của Nhật Bản. Mọi đặc điểm tính cách cũng như sự khắc nghiệt của đời sống một samurai đều được thể hiện rất rõ trong nghi thức tự rạch bụng mình tự sát này.

Chính nhờ nghi thức danh dự này, các samurai Nhật Bản đã rèn luyện được tinh thần trung thành, dũng cảm, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng của mình đồng thời khiến những người bên ngoài nhìn vào không khỏi ngưỡng mộ sự quả cảm của các samurai. Ngoài ra, tính cách ấy cũng đã tạo nên một Nhật Bản là cường quốc nhưu ngày nay. Đối với người Nhật, nghi thức này luôn là một nghi thức cao quý, một nghi thức dành cho những người đàn ông chân chính.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại