Sẽ không quá khi gọi Seijin Roh - thợ may hòa nhã người Hàn Quốc là một trong những công nhân đang sống trong cảnh bấp bênh nhất thế giới.
Vào mỗi sáng thứ hai đầu tuần trong suốt 4 năm qua, bà Roh, 55 tuổi, phải dậy từ 4 giờ sáng để chuẩn bị đồ đạc sang sống và làm việc trên phần lãnh thổ Triều Tiên. Bà là một trong hàng ngàn công nhân làm việc tại Khu công nghiệp chung Kaesong giữa Triều Tiên và Hàn Quốc.
Giống như những công nhân khác, bà Roh ở lại Triều Tiên trong suốt một tuần làm việc. Họ sống trong những khu nhà dành cho công nhân được xây dựng ở Kaesong. Do Triều Tiên nghiêm cấm người nước ngoài mang điện thoại di động vào lãnh thổ nên phương tiện duy nhất để những người như bà Roh liên lạc với gia đình là điện thoại công cộng.
Trong bối cảnh Triều Tiên tuyên bố quay lại “cách hành xử thời chiến”, những công nhân như bà Roh trở lại làm việc trên lãnh thổ quốc gia láng giềng với nguy cơ bị mắc kẹt bất kể lúc nào. Trong số hơn 800 công nhân đăng ký trở lại Triều Tiên tuần này, chỉ có 352 người có mặt.
Không chỉ những công nhân như bà Roh có mặt trên đoàn xe tới Kaesong, không ít ông chủ các khu nhà xưởng cũng buộc phải sang Triều Tiên để làm việc. Oh Yongja, 52 tuổi, quản lý một nhà máy ở Kaesong cho biết: “Thật khó để phủ nhận khả năng bị bắt giữ. Tuy nhiên, vẫn chưa có bất thường nào xảy ra nên tôi không cảm thấy lo lắng”.
Trong khi đó, ông Minsu Kim, một người phụ trách hậu cần tại Kaesong cho biết: “Gia đình tôi vẫn quan ngại về an toàn của tôi. Tuy nhiên, miễn là chúng tôi không khiêu khích Triều Tiên, chúng tôi vẫn sẽ yên ổn. Dù sao, họ cũng không dám vô cớ tấn công chúng tôi. Họ biết, nếu đánh chúng tôi một cái, họ sẽ nhận lại nhiều hơn thế”.
Các công nhân trên đoàn xe buýt sang Triều Tiên đều không muốn nghĩ tới kịch bản xấu nhất có thể xảy ra. Họ cho rằng: “Trường hợp tồi tệ nhất chúng tôi có thể phải đối mặt là khu công nghiệp bị đóng cửa và chúng tôi được trở về nhà. Nếu không may bị bắt giữ, chúng tôi cũng sẽ không bị đối xử quá thù địch”.
Trên thực tế, khu công nghiệp chung Kaesong là mối giao hảo bền vững nhất giữa 2 miền Nam – Bắc. Được thành lập vào năm 2005, Kaesong là nơi 123 công ty của Hàn Quốc tới xây dựng nhà xưởng và chiêu mộ công nhân . Chúng thu hút tới 53.000 lao động Triều Tiên và là nguồn thu ngoại tệ lớn của chính quyền Bình Nhưỡng.
Kể từ khi được thành lập, Kaesong chưa bao giờ bị đóng cửa, cho dù ở những thời điểm căng thẳng nhất trên bán đảo Triều Tiên. Vụ thử hạt nhân năm 2009, vụ pháo kích trên đảo Yongpyeong năm 2010 hay tình trạng căng thẳng hiện nay vẫn chưa đủ sức khiến khu công nghiệp chung Yongpyeong phải ngừng hoạt động.