Trang web Uriminzokkir cảnh báo mục tiêu của cuộc tấn công lần này bao gồm đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc, nơi từng bị quân đôi Triều Tiên pháo kích năm 2010 khiến 4 người dân ở đây thiệt mạng.
Bình Nhưỡng liên tiếp đưa ra các mối đe dọa kể từ Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc thắt chặt lệnh trừng phạt nước này sau vụ thử vũ khí hạt nhân lần thứ 3 ngày 12/2.
Hôm 7/3 hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết trừng phạt Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân. Ngay sau đó, Triều Tiên liên tiếp đưa ra các tuyên bố răn đe khi đơn phương hủy bỏ hiệp định đình chiến liên Triều, đồng thời tuyên bố cắt đường dây nóng với Hàn Quốc.
Chưa hết, Triều Tiên liên tục khiêu khích khi cho biết sẽ thực hiện một cuộc tấn công phủ đầu bằng hạt nhân vào Mỹ.
Báo giới Triều Tiên không ngừng đăng tải những thông tin nhằm công kích phía Hàn Quốc.
Website Uriminzokkir viết: "Bất kỳ một tia lửa vô tình nào của các bên cũng sẽ biến cuộc chiến tranh trò chơi thành một cuộc chiến tranh thật".
"Và khi đó, hậu quả của nó khó mà tưởng tượng được, đặc biệt đối với những người dân sinh sống ở đảo dọc biên giới và 5 đảo khác ở phía Tây Hàn Quốc".
Các mối đe dọa được đưa ra sau khi thủ tướng Hàn Quốc Chung Hong-won đến thăm đảo Yeonpyeong hôm 14/3.
Tuần trước, Mỹ và Hàn Quốc cũng tiến hành cuộc tập trận chung bất chấp những đe dọa từ Triều Tiên.
Các đảo phía Nam của Hàn Quốc được cho là dễ bị tấn công vì nó nằm cách đường biên giới biển Triều Tiên - Hàn Quốc khoảng 10km về phía Nam.
Chính sách đối ngoại của Triều Tiên trong nhiều thập niên bị chi phối bởi các mối đe dọa tấn công quân sự và trao đổi về chương trình hạt nhân của nước này.
Mặc dù Bình Nhưỡng đã tuyên bố từ bỏ chương trình hạt nhân để đổi lấy viện trợ. Tuy nhiên, họ vẫn chế tạo tên lửa hạt nhân và làm giàu nguyên liệu hạt nhân.
Tên lửa hiện đại nhất của Triều Tiên có khả năng vươn xa tới Alaska của Mỹ.
Trong khi đó, hãng tin BBC cho biết, Mỹ sẽ trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa ở bở biển phía Tây nhằm chống lại các mối đe dọa từ Triều Tiên.
Mỹ sẽ trang bị thêm 14 tên lửa đánh chặn ở Alaska đến năm 2017, ngoài 30 tên lửa đánh chặn đã được triển khai ở dọc bờ biển này, BBC dẫn lời tân Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Chuck Hagel.