Việc tìm mua máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 dành cho tương lai của Ấn Độ hiện đang bước vào giai đoạn quyết định cuối cùng. Theo đó, New Delhi sẽ dành chi khoảng 35 tỷ USD trong vong 20 năm tới cho dự án quốc phòng lớn nhất từ trước đến nay.
Các nguồn tin của Ấn Độ cho biết nước này và Nga đang tiến tới hoàn tất thủ tục để đặt bút ký hợp đồng cuối cùng và đầy đủ hay còn gọi là giai đoạn R&D (nghiên cứu và phát triển) cho chiến đấu cơ thế hệ 5 vào cuối năm nay hoặc đầu 2013. Tín hiệu này một lần nữa khẳng định Ấn Độ đã chắc chắn từ chối lời chào mua máy bay chiến đấu hỗn hợp (JSF) F-35 'Lightning-II' của Mỹ.
Ấn Độ và Nga đang hoàn tất thủ tục để ký hợp đồng R&D cho chiến đấu cơ thế hệ 5 vào cuối 2012 hoặc đầu 2013.
Trước khi hợp đồng R&D được ký kết, mà theo đó Ấn Độ mong muốn sở hữu hơn 200 chiến đấu cơ tàng hình từ 2022 trở đi, một nhóm gồm các kỹ sư cao cấp của Tập đoàn Hindustan Aeronautics (HAL) và chuyên gia Không quân Ấn Độ sẽ tới Nga trong thời gian nửa tháng để đảm bảo “tất cả các văn bản và công việc của hợp đồng thiết kế sơ bộ (PDC) trước đây” được hoàn tất.
Trong chuyến thăm tới Moscow tuần trước, Tư lệnh Không quân Ấn Độ Marshal N.A.K Browne đã một lần nữa duyệt lại màn trình trình diễn máy bay thế hệ 5 - Sukhoi T-50.
Tháng 12/2010, Ấn Độ ký hợp đồng PDC trị giá 295 triệu USD với Nga còn hợp đồng R&D tới đây được chốt ở mức 11 tỷ USD, Ấn Độ và Nga mỗi nước chịu 5,5 tỷ.
“Cho tới nay, ba nguyên mẫu T-50 của Nga đã bay tổng cộng khoảng 180 phi vụ. Căn cứ Ozar của HAL ở Nashik (bang Maharashtra, Ấn Độ) sẽ tiếp nhận thêm 3 nguyên mẫu nữa vào các năm 2014, 2017 và 2019. Chúng sẽ được bay bởi các phi công Không quân Ấn Độ”, một nguồn tin cho biết.
“Nga đã trao bản hợp đồng R&D sơ bộ cho chúng tôi. Trong đó sẽ gồm chi phí thiết kế, xây dựng cơ sở hạ tầng ở Ozar, phát triển nguyên mẫu và bay thử nghiệm. Do vậy, Ấn Độ sẽ cử các nhà khoa học và phi công bay thử nghiệm tới cả Nga và Ozar trong giai đoạn R&D đến năm 2019. HAL sau đó sẽ bắt đầu sản xuất các máy bay chiến đấu”, nguồn tin trên tiết lộ.
Bên cạnh đó, như một giải phát tạm thời quan trọng và phải đối diện với thực tế giảm số phi đội máy bay chiến đấu, Không quân Ấn Độ bày tỏ hy vọng dự án máy bay chiến đấu đa nhiệm tầm trung MMRCA trị giá 20 tỷ USD nhằm mua 126 chiến đấu cơ Rafale của Pháp cũng sẽ được ký trong năm tài khóa này.