AFP dẫn lời Bộ trưởng Truyền thông Algeria Mohamed Said cho biết cuộc đột kích trên không và trên bộ hôm qua đã giải phóng được "một lượng lớn con tin" nhưng truyền thông nước này cho hay hầu hết trong số 600 số người được giải cứu là các công nhân Algeria, trong khi một số người trong nhóm con tin nước ngoài vẫn bị bắt giữ.
Sau trận đột kích, chính phủ Algeria vẫn chưa có tuyên bố chính thức nào về số con tin được thả, bị giết hay vẫn bị phiến quân bắt giữ.
APS, hãng thông tấn Algeria vừa thông báo chiến dịch đột kích đã giải cứu được 650 con tin, trong đó có khoảng 70 người nước ngoài.
Hãng tin Reuters dẫn một nguồn Algeria cho hay có tổng cộng 60 con tin nước ngoài hiện bặt vô âm tín, không rõ họ đã trốn thoát hay còn bị giữ trong tay những kẻ bắt cóc, hay thậm chí lâm vào tình huống xấu hơn.
Giao tranh giữa quân đội Algeria và các phiến quân vẫn tiếp diễn trong từng khu vực của nhà máy khí đốt trong sa mạc Sahara. Các diễn biến trong vụ con tin này ảnh hưởng đến rất nhiều quốc gia, đặt nhiều chính phủ vào tình trạng phải đối phó với khủng hoảng.
Anh, Pháp, Mỹ, Nhật đã lên tiếng chỉ trích cuộc tấn công quân sự không báo trước này của chính phủ Algeria. Anh cho rằng "vụ đụng độ khủng bố" vẫn tiếp diễn, sau khi quan chức Algeria xác nhận rằng dù quân đội đã chiếm được khu nhà ở trong nhà máy khí đốt Amenas, nhà máy vẫn nằm trong tay phiến quân.
Thủ tướng Anh David Cameron hôm nay xác nhận vẫn chưa có con số chính xác trong giai đoạn này và cho rằng đáng lẽ ông phải được tham vấn trước khi chính phủ Algeria ra quyết định tấn công phiến quân.
Chính phủ Nhật đã gọi cuộc đột kích quân sự là một động thái "đáng tiếc". Bộ Ngoại giao Nhật Bản vừa triệu đại sứ Algeria tới để yêu cầu một lời giải thích, khi các chính phủ nước ngoài đều cho biết không nhận được cảnh báo trước về việc chính phủ Algeria quyết định chấm dứt vụ bắt giữ con tin bằng một chiến dịch quân sự.
Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết Washington "kêu gọi một cách mạnh mẽ" chính quyền đặt an toàn của con tin lên hàng đầu.
Phiến quân Hồi giáo hôm 16/1 bắt cóc hàng trăm con tin tại một nhà máy ở sâu trong sa mạc Sahara, được cho là nhằm trả thù lại cuộc can thiệp quân sự của Pháp vào Mali. Các quan chức Algeria cho hay binh sĩ vẫn vây quanh cơ sở khí đốt chính của nhà máy, nơi hiện vẫn chưa được bảo đảm an ninh.
Công ty xây dựng nhà máy của Nhật Bản, JGC, xác nhận ba nhân viên Nhật và một nhân viên Philippines đã an toàn, tuy nhiên số phận của 74 nhân viên khác, trong đó có 14 người Nhật, vẫn chưa được làm rõ. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã phải cắt ngắn chuyến thăm Indonesia để giải quyết cuộc khủng hoảng con tin này.
Hai con tin người Anh được cho là đã trốn thoát nhưng còn tới khoảng 20 người nữa vẫn bặt vô âm tín. London cho biết nước này lo ngại điều xấu nhất xảy ra, trong khi Thủ tướng Cameron đã phải hủy một bài phát biểu quan trọng tại châu Âu. Một người Anh trước đó đã được xác nhận tử vong trong giai đoạn đầu của vụ bắt giữ con tin.
Công ty Statoil của Na Uy, hiện điều hành mỏ khí đốt cùng công ty BP của Anh và Sonatrach của Algeria, cho biết không có thông tin gì về 8 nhân viên Na Uy, trong khi người thứ 9 đã trốn thoát an toàn và đang điều trị thương.
Tổng thống Pháp Francois Holland hôm nay lần đầu tiên xác nhận hai công dân nước này đã trở về an toàn, nhưng hai người khác được cho là nằm trong số những con tin vẫn mất hút. Theo New York Times , ông cho rằng "tình hình rất rối bời" và "đang tiến triển theo từng giờ".
Một người đàn ông từ Bắc Ireland đã chạy thoát và liên lạc được với gia đình. Theo anh trai của người này, Stephen McFaul đã chạy trốn khi đoàn xe của anh bị quân đội Algeria tấn công lúc đang di chuyển trong nhà máy.
Con tin này kể rằng bốn chiếc xe chở đầy con tin nước ngoài đã nổ tung, trong khi xe của anh bị va chạm, tạo cơ hội giúp anh chạy thoát. Stephen McFaul được cho là bị "gắn thuốc nổ quanh cổ".
Những kẻ bắt cóc cho hay 34 con tin thiệt mạng trong vụ tấn công, nhưng con số này không thể được kiểm chứng. Hãng thông tấn ANI dẫn lời chúng cho hay chúng sẽ "giết tất cả các con tin nếu lực lượng Algeria thâm nhập nhà máy thành công".
"Chúng tôi yêu cầu quân đội Algeria rút khỏi khu vực để tạo điều kiện cho việc đàm phán", kẻ được cho là cầm đầu vụ bắt cóc, Abu al-Baraa, nói trên kênh truyền hình Al-Jazeera. Tuy nhiên Algeria vẫn khăng khăng không thương lượng với "những kẻ khủng bố".
Vụ khủng hoảng con tin đã kéo người Algeria và các cường quốc phương tây dính vào cuộc can thiệp quân sự của Pháp tại Mali. Quân đội Mali đã tái miền trung, trước đó từng rơi vào tay phe Hồi giáo tiến xuống từ phía bắc, khiến Pháp phải can thiệp quân sự.
Liên Hợp Quốc cho hay cuộc can thiệp trên không và trên bộ của Pháp ở Mali là cách duy nhất ngăn những người Hồi giáo tạo ra một "nơi trú ẩn an toàn cho khủng bố ở trung tâm châu Phi". Thêm nhiều binh lính Pháp hôm qua đổ về Mali, đẩy quân số lên 1.400. Khi tăng quân đầy đủ theo dự kiến, lực lượng này có thể lên tới 2.500 binh sĩ. Quân đội của một số nước châu Phi cũng góp mặt trong chiến dịch để hỗ trợ Pháp.
Đòi thương lượng đổi người
Trong một động thái mới nhất, nhóm phiến quân liên quan đến tổ chức khủng bố al-Qaeda đang chiếm nhà máy khí đốt ở Algeria vừa yêu cầu thả hai tù nhân khủng bố bị giam trong nhà tù ở Mỹ, để đổi lấy các con tin Mỹ, hãng thông tấn Mauritania ANI hôm nay cho hay.
Những tên bắt cóc cho biết chúng muốn việc thả tự do cho Sheikh Omar Abdel-Rahman, người Ai Cập, và Aafia Siddiqui, người Pakistan và dự kiến sắp công bố một đoạn video ra yêu sách.
Abdel-Rahman, 74 tuổi, được biết đến với biệt danh "Sheikh mù", hiện đang chịu án tù chung thân ở Bắc Calorina, vì đã vạch ra kế hoạch cho vụ khủng bố Trung tâm Thương mại Thế giới ở thành phố New York năm 1993. Còn Siddiqui, nhà khoa học 40 tuổi, bị kết án 86 năm tù vào năm 2010 vì tội đột kích với mục tiêu giết người khi bắn hai lính Mỹ ở Afghanistan.