Con người không những đứng trên đỉnh chuỗi thức ăn, mà chúng ta còn có thể tuỳ nghi biến đổi môi trường sao cho phù hợp với nhu cầu. Tuy nhiên, biến đổi môi trường đồng nghĩa với việc làm ảnh hưởng đến các loài động vật đang sinh sống tại đó, điều này có lẽ ai cũng hiểu.
Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu con người không xuất hiện? Thế giới sẽ trông như thế nào? Câu hỏi tưởng như khó trả lời này hóa ra đã được giải đáp qua một nghiên cứu mới đây, do các chuyên gia từ Đan Mạch thực hiện.
Cụ thể, nhóm nghiên cứu thuộc ĐH Aarhus (Đan Mạch) đã tạo ra một tấm bản đồ mô tả độ phân bổ của các loài thú cỡ lớn, xem chúng thay đổi thế nào nếu con người không xuất hiện. Kết quả được mô tả qua 2 tấm bản đồ sau:
Trái đất khi có con người (trái) và không có con người (phải)
Ở tấm bản đồ bên trái, có thể thấy châu Phi dường như là nơi duy nhất có các loài thú cỡ lớn tồn tại. Tuy nhiên, lý do không phải vì được thiên nhiên ưu ái hơn, mà là do chúng không bị loài người săn đuổi quá mạnh.
Và khi không có loài người (bản đồ phải), sự phân bổ của các loài đã lớn hơn rất nhiều. Đặc biệt là châu Mỹ, mật độ các loài thú lớn tại đây thậm chí sẽ còn lớn hơn cả châu Phi.
"Bắc Âu không phải là nơi duy nhất các loài thú phải chịu ảnh hưởng từ con người, mà đó là toàn thế giới" - trích lời Jens-Christian Svenning, đồng tác giả nghiên cứu.
"Và ở gần như mọi nơi trên thế giới, số lượng và độ phân bổ các loài đã bị sụt giảm khủng khiếp so với những gì chúng có thể đạt được nếu con người không can thiệp."
Tấm bản đồ này không phải được vẽ bừa. Các chuyên gia đã dựng lên mô hình, dựa trên số liệu về hệ sinh thái, địa lý, và điều kiện tự nhiên hiện tại. Qua đó, họ dự đoán thế giới sẽ trở nên như thế nào nếu như bỏ đi yếu tố là con người trong đó.
Và kết quả cho thấy một châu Mỹ với bộ mặt rất khác. Đồng cỏ trải rộng, hàng đàn ngựa chạy thả phanh, kèm theo những sinh vật săn mồi thượng hạng là hổ răng kiếm và gấu mặt ngắn.
"Hầu hết các khu bảo tồn hoang dã hiện được đặt ở châu Phi. Nhưng nếu để mọi chuyện thuận theo tự nhiên, thì thiên nhiên hoang dã sẽ phân bổ rất mạnh tại châu Mỹ." - Soren Faurby, tác giả nghiên cứu cho biết.
"Việc các khu thiên nhiên hoang dã nằm ở châu Phi không phải là vì lục địa này có nhiều loài vật. Nó chỉ phản ánh một điều rằng các hoạt động của con người chưa đủ để khiến chúng biến mất mà thôi."
Tuy nhiên, nghiên cứu cũng phải dựa trên một số giả định gây tranh cãi, chẳng hạn tác động của sự kiện biến đổi khí hậu cuối kỷ Pleistocene là không đủ để gây thiệt hại quá lớn, và lỗi khiến các loài vật diệt vong toàn bộ đều là vì con người. Điều này tất nhiên là không thể chính xác được.