Chúng ta đều biết rằng Trái đất quay xung quanh Mặt trời theo một quỹ đạo gần giống hình elip. Tuy nhiên có thể bạn chưa từng nghe rằng quỹ đạo này không hề bất biến mà liên tục giãn nở đều đặn?
Mới đây, một nghiên cứu về chuyển động của Trái đất chỉ ra rằng cứ mỗi 202.500 năm, quỹ đạo xoay quanh Mặt trời lại thay đổi từ dạng gần như tròn thành một hình elip. Nhưng sau 202.500 năm tiếp sau đó, nó lại quay về hình dạng ban đầu - tức là gần tròn.
Chu kì kéo dài 405.000 năm này diễn ra đều đặn từ hàng trăm triệu năm trước cho đến nay.
Ở thời điểm hiện tại, Trái đất của chúng ta đang ở một quỹ đạo có dạng gần như tròn một cách hoàn hảo xung quanh Mặt trời, và chẳng bao lâu nữa chúng sẽ lại biến thành một hình elip.
Tại sao lại có hiện tượng này?
Tất cả là do lực tương tác hấp dẫn xảy ra giữa Trái đất và các hành tinh trong Thái dương hệ, đặc biệt là với sao Mộc và sao Kim.
Sự tương tác giữa các hành tinh - đặc biệt là với sao Mộc và sao Kim đã gây ảnh hưởng rất lớn đến quỹ đạo Trái đất
Nguyên nhân hai hành tinh này có tác động đặc biệt đến quỹ đạo của Trái đất là bởi sao Mộc có kích cỡ quá lớn, còn sao Kim thì lại quá gần chúng ta. Lực hấp dẫn từ chúng làm co giãn quỹ đạo, và gây nên những ảnh hưởng lên khí hậu toàn cầu từ ít nhất 215 triệu năm trước.
Phát hiện này có ý nghĩa gì?
Việc tìm hiểu về sự thay đổi quỹ đạo đã đặt ra nền tảng cho các nhà khoa học nghiên cứu sâu hơn về những sự kiện địa chất trong quá khứ.
Thực tế chỉ ra rằng, các chu kì khí hậu diễn ra trên Trái đất có mối liên hệ mật thiết đến việc quỹ đạo của hành tinh quanh Mặt trời. Đơn giản là vì mọi thay đổi trong quỹ đạo cũng gây ảnh hưởng đến lượng ánh sáng tiếp nhận được từ Mặt trời.
Với chu kì 405.000 năm mới được các nhà khoa học tìm ra, giờ đây con người có thể liên kết đến những thay đổi trong khí hậu, môi trường, thời kì khủng long, động vật có vú và hóa thạch một cách khá chính xác.