Trong một động thái cho thấy tính nghiêm trọng của vấn đề, sau Iraq, Iran hôm qua (21/7) cũng tuyên bố sẽ không cho phép đại sứ mới của Thụy Điển vào nước này.
Phát biểu trên truyền hình, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian cho biết nhiệm kỳ của Đại sứ Thụy Điển tại nước này đã kết thúc và theo lệnh của Tổng thống Iran, Iran sẽ không chấp nhận đại sứ mới cho đến khi Thụy Điển có hành động nghiêm túc đối với tình trạng xúc phạm kinh Koran. Ông Amir-Abdollahian cũng đồng thời khẳng định Iran sẽ không cử đại sứ đến Thụy Điển.
Trước đó một ngày, chính phủ Iraq cũng đã có bước đi mạnh mẽ hơn khi yêu cầu Đại sứ Thụy Điển tại thủ đô Baghdad phải rời lãnh thổ Iraq, đồng thời triệu Đại biện lâm thời của nước này tại Thụy Điển về nước. Bên cạnh đó, chính phủ Iraq cũng đã đình chỉ giấy phép hoạt động của công ty Ericsson của Thụy Điển trên lãnh thổ quốc gia này.
Ngay sau quyết định của Iraq và Iran, người đứng đầu phong trào Hezbollah tại Lebanon Sayyed Hassan Nasrallah cũng đã kêu gọi các quốc gia Hồi giáo và Arab có động thái tương tự: "Tôi kêu gọi người dân Arab và Hồi giáo yêu cầu chính phủ của họ rút đại sứ khỏi Thụy Điển và trục xuất các đại sứ Thụy Điển khỏi các quốc gia Arab và Hồi giáo. Nếu họ tiếp tục để những hành vi này xảy ra, bước tiếp theo là cắt đứt quan hệ ngoại giao với Thụy Điển".
Về phía Liên đoàn Arab, Tổng Thư ký tổ chức này, ông Ahmed Aboul-Gheit hôm 21/7 cũng đã lên án việc liên tục xảy ra tình trạng một số phần tử cực đoan có hành vi báng bổ kinh Koran ở Thụy Điển. Theo Tổng Thư ký Liên đoàn Arab, hành động này được xem là một sự khiêu khích mạnh mẽ và không thể chấp nhận được đối với người Hồi giáo trên toàn thế giới.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Ai Cập cũng lên án những hành động kích động thù hận đối với hàng triệu người Hồi giáo. Ai Cập bày tỏ lo ngại về các hành vi báng bổ kinh Koran và bài Hồi giáo lặp đi lặp lại, cũng như sự gia tăng những ngôn từ kích động thù địch ở nhiều quốc gia, đồng thời cho biết thêm các hậu quả nghiêm trọng từ những sự việc này sẽ ảnh hưởng đến an ninh, ổn định và nhân quyền trong xã hội.
Trước đó, Bộ Ngoại giao các nước vùng Vịnh bao gồm Jordan, Bahrain và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cũng đã lên án mạnh mẽ vụ việc trên.
Cùng với các tuyên bố của nhà chức trách, nhiều cuộc biểu tình cũng đã diễn ra tại nước sở tại bên ngoài Đại sứ quán Thụy Điển ở Iran, Lebanon, Iraq nhằm lên án vụ báng bổ kinh Koran.
Các vụ việc được cho là xúc phạm kinh Koran xảy ra liên tiếp tại Thụy Điển thời gian qua đã khiến nhiều chính phủ và người dân các nước theo đạo Hồi tức giận. Mới đây nhất, ngày 20/7, một người tị nạn Iraq đã giẫm lên cuốn kinh Koran trong một cuộc biểu tình ở thủ đô Stockholm của Thụy Điển. Cũng chính người này đã đốt một bản sao của kinh Koran vào tháng 6 gây ra sự phẫn nộ của cộng đồng Hồi giáo trên toàn thế giới.