Một người Thụy Điển gốc Iraq, hôm qua (28/6) đã bất ngờ đốt cuốn kinh Koran – một văn bản linh thiêng đối với người Hồi giáo ngay bên ngoài một nhà thờ Hồi giáo tại thủ đô Stockholm của Thụy Điển. Vụ việc ngay sau đó đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt của Thổ Nhĩ Kỳ.
Cờ Thụy Điển (trái) và cờ NATO. Ảnh: Reuters.
Trong một phát biểu trên trang Twitter cá nhân, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan đã lên án hành động này. Theo Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ, trong bối cảnh Lễ Eid al-Adha - một lễ hội tôn giáo lớn của người Hồi giáo vừa mới chính thức bắt đầu, việc nhà chức trách Thụy Điển cho phép những hành động chống Hồi giáo này diễn ra là không thể chấp nhận được.
Các vụ đốt kinh Koran, vốn là vấn đề nhạy cảm đối với người Hồi giáo nói chung và Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia có phần đông dân số là người Hồi giáo nói riêng. Cho đến nay, phía Thổ Nhĩ Kỳ vẫn trì hoãn chưa phê chuẩn đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển vì một số lý do, trong đó có các vụ việc được cho là nhạy cảm này.
Đây không phải là lần đầu tiên những vụ việc tương tự gây căng thẳng trong quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ- Thụy Điển. Vào đầu tháng 1 năm nay, sau vụ người biểu tình ở Thụy Điển đốt kinh Koran Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã hủy chuyến thăm Thụy Điển.
Nhà chức trách Thụy Điển hiện chưa bình luận gì sau vụ việc trên. Tuy nhiên, diễn biến mới này được cho sẽ làm phức tạp nỗ lực của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhằm kết nạp Thụy Điển ngay tại hội nghị thượng đỉnh của khối vào tháng 7 tới.
Trước thềm hội nghị thượng đỉnh của NATO, liên minh quân sự này đang chạy nước rút để kết nạp Thụy Điển, song vấp nhiều trở ngại từ phía Thổ Nhĩ Kỳ.
Bộ Ngoại giao Mỹ hôm qua đã bày tỏ lấy làm tiếc về hành động đốt kinh Koran của người Hồi giáo tại Thụy Điển song nhấn mạnh, Mỹ sẽ nỗ lực thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn kết nạp Thụy Điển gia nhập NATO.
Phát biểu trước báo giới, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel nhấn mạnh: “Chúng tôi tiếp tục khuyến khích Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn nghị định thư gia nhập của Thụy Điển để chúng tôi có thể chào đón quốc gia Bắc Âu này gia nhập liên minh càng sớm càng tốt. Chúng tôi tin rằng Thụy Điển đã hoàn thành các cam kết của mình theo thỏa thuận ghi nhớ ba bên đã được thống nhất với Phần Lan và Thổ Nhĩ Kỳ bên lề hội nghị thượng đỉnh Madrid năm ngoái. Chúng tôi tin rằng Thụy Điển là một đối tác quốc phòng mạnh mẽ, có khả năng chia sẻ các giá trị của NATO và sẽ củng cố liên minh cũng như đóng góp cho an ninh châu Âu. Và chúng tôi tiếp tục tin rằng Thụy Điển sẽ trở thành thành viên NATO càng sớm càng tốt”.
Trước đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết ông sẽ triệu tập một cuộc họp khẩn cấp trong những ngày tới nhằm cố gắng thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý để Thụy Điển gia nhập liên minh.
Đây được cho là nỗ lực cuối cùng nhằm giúp Thụy Điển trở thành thành viên NATO trước khi hội nghị thượng đỉnh của liên minh diễn ra vào tháng 7.