Thế giới được gì từ thương chiến dai dẳng giữa Mỹ và Trung Quốc?

Kông Anh/VTC News |

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung không chỉ gây ra những tác động tiêu cực mà còn mang lại nhiều cơ hội cho phần còn lại của thế giới.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bắt đầu từ năm 2018, dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump. Theo Politico, cuộc chiến này bắt nguồn từ lo ngại về vấn đề chuyển giao tài sản trí tuệ có giá trị của Mỹ với Trung Quốc thông qua hoạt động thương mại. Tuy nhiên, khi cuộc chiến thương mại kéo dài, mục đích này đã dần phai mờ.

Dưới thời ông Trump, Mỹ đã áp thuế lên lên tổng giá trị 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Đáp trả lại động thái này, Bắc Kinh cũng đặt ra mức thuế cho tổng sản phẩm trị giá 100 tỷ USD từ Washington. Phần lớn mức thuế này vẫn được duy trì dưới thời Tổng thống đương nhiệm Joe Biden.

Cựu Tổng thống Trump khẳng định các quyết định về thương mại của ông nhằm đảm bảo an ninh quốc gia cho nước Mỹ. Luận điểm này cũng được người kế nhiệm ông sử dụng. Từ khi nhậm chức, Tổng thống Biden đã áp đặt thêm các hình thức kiểm soát xuất khẩu nghiêm ngặt để ngăn quân đội Trung Quốc tiếp cận sản phẩm công nghệ nhạy cảm của Mỹ.

Bất chấp những lo ngại về nguy cơ “tách rời” giữa Mỹ và Trung Quốc, tổng giá trị hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ vẫn tăng lên 538,8 tỷ USD vào năm 2022, thấp hơn một ít so với mức nhập khẩu kỷ lục năm 2018. Ngược lại, Mỹ cũng xuất khẩu tổng giá trị hàng hóa cao kỷ lục, đạt mốc 153,8 tỷ USD, sang Trung Quốc trong năm 2022.

Thế giới được gì từ thương chiến dai dẳng giữa Mỹ và Trung Quốc? - Ảnh 1.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã tác động mạnh tới nền kinh tế thế giới. (Ảnh: Getty)

Theo các chuyên gia, đây vẫn là những số liệu đáng xem xét, đặc biệt trong chiến dịch thuế quan kéo dài nhiều năm của Mỹ đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc và những nỗ lực mới nhằm ngăn chặn dòng chảy công nghệ từ Washington đến Bắc Kinh. Đồng thời, điều này cho thấy Mỹ và Trung Quốc vẫn còn sự phụ thuộc lẫn nhau, ít nhất là về mặt thương mại, bất chấp những nỗ lực nhằm “tách rời” nền kinh tế của hai nước một cách hiệu quả.

Sự cạnh tranh này tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng cũng sẽ mang lại cơ hội cho những nền kinh tế và những lĩnh vực khác trên thế giới.

Đa dạng hóa sự lựa chọn

Báo cáo năm 2022 của tập đoàn tư vấn Boston dự đoán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ giảm 63 tỷ USD, tương đương khoảng 10%, tính đến năm 2031. Các công ty trên thế giới hiện đang tìm cách hạn chế nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng từ cuộc chiến thương mại này bằng cách chuyển nhà máy sản xuất sang những nơi ít rủi ro địa chính trị hơn như Mexico, Ấn Độ và các nước ở Đông Nam Á.

Nikolaus Lang, Giám đốc điều hành và đối tác cấp cao của Boston Consulting Group, cho biết, thay vì từ bỏ hoàn toàn Trung Quốc, nhiều công ty và quốc gia trên thế giới đang triển khai “chiến lược Trung Quốc cộng một” để đa dạng hóa các lựa chọn của mình.

Ở các khu vực khác, thương mại giữa Mỹ và các quốc gia cũng đạt mức cao kỷ lục vào năm 2022.

Ed Gresser, cựu trợ lý của đại diện Thương mại Mỹ về Chính sách Thương mại và Kinh tế, cho biết: “Đã có một số thay đổi về nguồn cung ứng - ít hơn từ Trung Quốc và nhiều hơn từ một số nơi khác”.

Thế giới được gì từ thương chiến dai dẳng giữa Mỹ và Trung Quốc? - Ảnh 2.

Ô tô của Toyota được chuyển đến tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc vào tháng 4/2022. (Ảnh: Reuters)

Trong năm 2022, Mỹ cũng nhập khẩu hàng hóa có tổng giá trị cao kỷ lục 553,3 tỷ USD từ Liên minh châu Âu (EU). Dù vậy, EU đã phàn nàn về các khoản trợ cấp công nghệ và năng lượng sạch mới của Mỹ. Trong đó, EU lo ngại các khoản trợ cấp này sẽ ảnh hưởng đến doanh số bán hàng sang Mỹ và thú hút đầu tư ra khỏi châu Âu.

Ông Nikolaus Lang dự đoán điều đó có thể xảy ra trong tương lai, nhưng vẫn còn quá sớm để nhận định về các tác động từ chính sách mới của Mỹ đối với dữ liệu thương mại.

Mặt khác, Trung Quốc cũng tăng cường thương mại và thắt chặt mối quan hệ về kinh tế và thương mại với các khu vực khác. Trong đó, các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản được hưởng lợi từ cạnh tranh Mỹ - Trung khi Trung Quốc giảm thuế đối với ô tô nhập khẩu từ các quốc gia khác ngoài Mỹ. Điều này đã phần nào tạo cơ hội cho các nền kinh tế khác trên thế giới, giúp họ tăng cường hoạt động thương mại.

Thúc đẩy đổi mới và phát triển công nghệ

Trung Quốc và Mỹ là 2 nên kinh tế lớn nhất thế giới, tổng sản phẩm quốc nội của 2 nước này cao gấp 4 lần tổng sản phẩm quốc nội của 2 quốc gia xếp vị trí thứ 3 và thứ 4 là Nhật Bản và Đức cộng lại.

Quy mô nền kinh tế này cho phép Trung Quốc và Mỹ duy trì nguồn đầu tư vượt trội vào các lĩnh vực quan trọng bao gồm nghiên cứu, giáo dục, đổi mới và thành lập doanh nghiệp mới. Theo đó, vị trí dẫn đầu của cả Mỹ và Trung Quốc trong nền kinh tế thế giới dự kiến sẽ còn tăng lên trong thời gian tới.

Nghiên cứu đầu năm 2023 của Viện Chính sách Chiến lược Australia đã xem xét nguồn đầu tư của Mỹ và Trung Quốc vào khoảng 44 ngành nghề quan trọng, bao gồm vật liệu, khai thác, chế biến khoáng sản, blockchain, phân tích dữ liệu, dịch vụ điện toán hiệu năng cao, hydro xanh, pin điện, năng lượng hạt nhân, sinh học tổng hợp và điện toán lượng tử. Trong đó, Trung Quốc hiện dẫn đầu khoảng 37 ngành và Mỹ dẫn đầu 7 ngành. Không quốc gia nào khác ngoài Mỹ và Trung Quốc đóng vai trò dẫn đầu trong bất kỳ lĩnh vực nào được nghiên cứu nói trên.

Bước nhảy vọt trong sự phát triển của Trung Quốc 40 năm qua nhận được sự quan tâm của giới phân tích. Trong đó, động lực cho sự tiến bộ này được xác định là do sự cạnh tranh khốc liệt giữa chính quyền cấp tỉnh, doanh nghiệp và ngay cả sinh viên.

Khi căng thẳng giữa Mỹ - Trung ngày càng leo thang, nhiều nhà quan sát lo ngại sự cạnh tranh này có nguy cơ chia thế giới thành hai. Dù vậy, trên thực tế chỉ có một vài quốc gia phụ thuộc sâu sắc vào Trung Quốc hoặc Mỹ và phần lớn các quốc gia đã từ chối chọn phe, thay vào đó tối đa hóa lợi ích lan tỏa từ cả hai.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của hầu hết các nước trên thế giới. Do đó, Mỹ khó có thể hạn chế tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trong nền kinh tế, ngoại trừ một số lĩnh vực rất nhạy cảm.

Nhiều ảnh hưởng tiêu cực đã được ghi nhận trong cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung, chẳng hạn như nguy cơ xung đột hạt nhân trực tiếp, cuộc đua gia tăng chi tiêu quốc phòng và cản trở dòng chảy tự do của hàng hóa, dịch vụ - vốn và nhân lực giữa các thị trường.

Tuy nhiên, với việc cả Mỹ và Trung Quốc tiếp tục chạy đua để duy trì tầm ảnh hưởng, cũng có những động lực tích cực được lan tỏa đến thế giới, bao gồm đổi mới và sự phát triển nhanh chóng của công nghệ. Những đột phá tiềm năng trong công nghệ sạch, phản ứng tổng hợp hạt nhân, điện toán lượng tử và y sinh có thể thay đổi thế giới. Là 2 quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực đổi mới, Mỹ và Trung Quốc đều có thể nhận được những phần thưởng lớn trong cuộc đua của họ, và cả thế giới cũng vậy.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại