Thế giới đón năm mới ra sao?

Thanh Đức |

Mùa Giáng sinh này buồn nhất kể từ sau Thế chiến thứ II. Chưa hết, thế giới sắp bước vào năm mới 2022 cũng sẽ không thể rộn ràng – đó là nhận xét của truyền thông châu Âu.

Trong khi đó, Thị trưởng New York (Mỹ) Bill de Blasio cho biết lễ đón năm mới ở Quảng trường Thời đại sẽ bị thu hẹp do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Vào các năm trước đại dịch, có khoảng 58.000 người tập trung tại Quảng trường Thời đại để theo dõi nghi thức thả quả cầu pha lê khổng lồ đánh dấu năm mới sắp đến. Tuy nhiên, lần này sẽ chỉ còn 15.000 người tham dự, do giới hạn của chính quyền thành phố.

Thị trưởng New York cho hay các biện pháp bổ sung sẽ giữ cho đám đông người đã tiêm chủng đầy đủ an toàn và khỏe mạnh khi chúng ta bắt đầu vào năm mới. Tuy nhiên tất cả những người tham dự lễ đón giao thừa tại Quảng trường Thời đại sẽ bắt buộc phải đeo khẩu trang.

Ngay trước thời điểm bước sang năm mới 2022, không chỉ New York mà nhiều thành phố khác của nước Mỹ cũng phải hủy bỏ các sự kiện vào đêm giao thừa trong bối cảnh biến thể Omicron đang lây lan chóng mặt. Giới chức Los Angeles cho biết, họ vẫn tổ chức bữa tiệc đêm giao thừa ở Công viên chính của thành phố, nhưng sẽ hạn chế ở mức thấp nhất khán giả.

Còn tại châu Âu, chính phủ nhiều nước cũng cho biết sẽ hạn chế tối đa số người tập trung đón năm mới trong đêm giao thừa, vì cùng lúc cả biến thể Delta lẫn Omicron tấn công, số ca lây nhiễm tăng lên nhanh chóng ngay từ đầu tháng 12 năm 2021 và cũng chưa có dấu hiệu chững lại. Tại Đức, Hội đồng Liên bang đã thông qua đề xuất của chính phủ cấm đốt pháo hoa trong thời khắc đón giao thừa. Tại Pháp, Thủ tướng Jean Castex cho biết các sự kiện công cộng quy mô lớn và bắn pháo hoa cũng sẽ bị cấm. Ông Castex khuyến cáo người dân tự xét nghiệm trước khi tham gia vào các buổi tiệc cuối năm.

Trở lại với không khí lễ Giáng sinh vào đêm 24/12, cho dù hầu hết các nước đều tổ chức cho giáo dân cũng như dân chúng, nhưng không khí thật khác lạ cũng vì Covid-19. Tại các nhà thờ vẫn trang hoàng lộng lẫy; vẫn có cây thông và ông già Noel, nhưng số người ra đường đến những tụ điểm "truyền thống" không nhiều. Đây là năm thứ hai người dân nhiều nước phải đón Giáng sinh trong không khí trầm lắng.

Tại Vương cung thánh đường St Peter ở tòa thánh Vatican với sự tham gia của khoảng 200 giới chức tôn giáo nhưng cũng chỉ có 2.000 giáo dân. Trong phát biểu của mình, Giáo hoàng Francis đã kêu gọi người dân trên toàn thế giới tận hưởng giá trị cuộc sống và cùng nhau đoàn kết giúp đỡ những người nghèo. Theo Giáo hoàng, con người cần loại bỏ thói ích kỷ hẹp hòi ngay trong cuộc sống thường ngày để biết trân trọng từ những điều nhỏ bé trong cuộc sống và cùng nhau đẩy lùi nghèo đói, bệnh tật.

Tại Đức và Tây Ban Nha, người dân xếp hàng dài tiêm chủng để được tham gia các sự kiện và có một kỳ nghỉ lễ an toàn. Tuy nhiên, Văn phòng Thủ tướng Đức cho biết sẽ siết chặt các biện pháp phòng dịch trước thềm năm mới, trong đó có việc hạn chế tụ tập quá 10 người, đóng cửa các quán rượu, câu lạc bộ...

Tại thánh địa Bethlehem ở Bờ Tây nơi được cho là Chúa sinh ra đời, nhiều giáo dân cũng đã về đây để ăn mừng ngày lễ lớn nhất trong năm. Tuy nhiên, nhiều người không tới được điểm đến cuối cùng, do bị chặn lại tại lối vào thành cổ. Khi chưa có đại dịch Covid-19, trung bình mỗi năm thánh địa Bethlehem đón khoảng 3 triệu khách du lịch nhưng hiện nay con số này giảm xuống chỉ còn 10.000, với một nửa là du khách quốc tế.

Nước Mỹ còn "cẩn thận" hơn để đối phó với Covid-19. Bộ tư lệnh Phòng không Bắc Mỹ (NORAD) bao gồm cả binh sĩ quân đội Mỹ và Canada tiến hành theo dõi hành trình của ông già Noel qua màn hình radar. Cho dù vẫn có đoàn xe của ông già Noel đi phát quà cho các em nhỏ trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành, nhưng chỉ là mang tính biểu tượng. Bộ Giao thông vận tải Canada cấp phép cho các ông già Noel thực hiện "công việc" của mình với điều kiện họ phải có đủ chứng nhận tiêm vaccine ngừa Covid-19 và xét nghiệm âm tính với Covid-19 trước khi khởi hành.

Trang web FlightAware cho biết, hơn 3.000 chuyến bay dự kiến cho ngày Giáng sinh năm nay đã bị hoãn, bị hủy trên toàn cầu. Riêng Hãng hàng không United Airlines (Mỹ) hủy hơn 100 chuyến bay đã được lên lịch cho đêm Giáng sinh, do sự lan rộng của biến thể Omicron. Trong khi đó, Hãng hàng không Delta Air Lines cũng cho biết đã "hết sự lựa chọn " nên buộc phải hủy khoảng 90 chuyến bay đúng vào ngày Noel.

"Tình hình cũng khó có thể khá hơn vào ngày cuối cùng của năm 2021 cũng như ngày đầu tiên của năm 2022" - đại diện United Airlines cho biết.

Tại Italy, chính phủ đã thông qua sắc lệnh mới gồm một loạt các biện pháp bổ sung nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron trong dịp lễ đón năm mới sắp tới. Sắc lệnh mới quy định nghĩa vụ bắt buộc phải đeo khẩu trang. Bộ trưởng Y tế Roberto Speranza nêu rõ: "Việc đeo khẩu trang ngoài trời là bắt buộc, và sử dụng khẩu trang FFP2 trong rạp chiếu phim, sân vận động, cũng như trên các phương tiện giao thông đường dài ". Từ ngày 30/12, người dân phải có "thẻ xanh" mới được phép tham gia các dịch vụ bơi lội, phòng tập thể dục, thể thao, các trung tâm chăm sóc sức khỏe và làm đẹp, trung tâm văn hóa, vui chơi, giải trí.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại