Nền văn hóa tâm linh của người theo đạo Hindu vô cùng phong phú. Nhưng ít ai biết rằng, cho tới ngày nay, người Hindu còn áp dụng nhiều hủ tục "đặc biệt" đối với phụ nữ và một trong số đó là tục Chaupadi - xua đuổi phụ nữ khi họ tới kỳ kinh nguyệt tại Nepal.
Chaupadi là một hoạt động truyền thống của người Hindu trong suốt nhiều thế kỷ. Theo đó, người phụ nữ sẽ bị tất cả mọi người xua đuổi, xa lánh mỗi khi đến kỳ kinh nguyệt bởi họ cho rằng nó là một sự ô uế.
Trong suốt thời gian này, những người phụ nữ (kể cả trẻ em đến tuổi dậy thì) không được phép chạm vào đồ dùng trong bếp, không được dùng chung một nguồn nước với các thành viên còn lại trong gia đình. Ngoài ra, họ cũng không được đi học, thậm chí bị đuổi ra khỏi nhà, phải ở trong các túp lều, lán trại thô sơ hay chuồng bò.
Kinh khủng hơn, họ không được tắm hay chải tóc. Bị đuổi ra ngoài lán, lều ở tách biệt nhưng những vật dụng thiết yếu để đuổi thú dữ, côn trùng, rắn độc cắn thì hoàn toàn không có.
Không chỉ vậy, nguy cơ những người phụ nữ này bị hãm hiếp vô cùng cao bởi họ phải sống ở nơi toàn hoàn tách biệt. Môi trường không vệ sinh khiến họ có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm, nhiễm trùng, hô hấp.
Không dừng lại ở đó, phụ nữ sau khi sinh con cũng bị cho là ô uế và phải sống cách ly với những điều kiện tương tự. Quá yếu và mất sức sau cơn "vượt cạn", cộng thêm đó là không có sự chăm sóc của gia đình đã gây ra nhiều cái chết thương tâm của 2 mẹ con.
Quãng thời gian sau khi sinh là một cực hình với những người phụ nữ Nepal. Bị mất máu quá nhiều, lại bị nhiễm trùng nặng do điều kiện y tế không đảm bảo, nhưng họ phải cố gắng gượng, chăm sóc đứa con nhỏ mà không nhận được bất cứ sự giúp đỡ nào của người thân. Chính bởi vậy mà có rất nhiều trường hợp 2 mẹ con sau khi sinh vài ngày đã mất sớm.
Với người Hindu, tục lệ Chaupadi này là một truyền thống tôn giáo gắn liền với tâm linh. Theo truyền thuyết, những vị thần sẽ trút giận lên gia đình có phụ nữ đến kỳ kinh nguyệt. Vì thế, để tránh cho gia đình gặp phải tai ương mà họ đã buộc phải rời khỏi nhà, chịu sự vất vả tột cùng trong những ngày này.
Mặc dù là truyền thống nhưng hệ lụy của nó gây ra đã vượt ra khỏi những gì truyền thống hay tôn giáo có thể chấp nhận. Những bé gái đến tuổi dậy thì sẽ phải chịu nhiều cú sốc tâm lý, sống trong sợ hãi, lo lắng khi sắp phải trải qua những ngày tháng cực nhọc.
Sau khi kết thúc chu kỳ kinh nguyệt, những người phụ nữ phải tắm bằng nước tiểu bò. Những người dân Nepal tin rằng, chỉ có nước tiểu bò mới đủ sự tinh khiết, sạch sẽ để gột bỏ sự ô uế này mà thôi.
Điều này cho thấy có sự phân biệt đối xử với những người phụ nữ Nepal. Ngoài việc phải tiếp xúc với nhiều nguy hiểm, họ phải chống đối lại nguy cơ bị hãm hiếp bởi người đàn ông trong làng. Điều này càng thể hiện sự miệt thị của họ với phụ nữ.
Bị đè nén và gây áp lực bởi cha mẹ, phụ nữ Nepal ngày càng tuột dốc vì ít được giáo dục và sống khuất phục dưới những người lớn hơn trong làng.
Những phụ nữ dám phá bỏ truyền thống sẽ phải đối mặt với sự phản ứng, tẩy chay vô cùng dữ dội của cả làng. Những điều này đã đẩy phụ nữ vào thế cô lập, không có tiếng nói. Nhưng việc thay đổi không phải là dễ. Giống như rễ cây đã ăn sâu qua nhiều thế hệ, mọi sự thay đổi sẽ bị cho là quá cấp tiến và phi hiện thực.
Phụ nữ không được trang bị những kiến thức cần thiết, thậm chí không biết dùng băng sạch nên phải để máu dây ra quần áo. Những chủ đề như “tuổi dậy thì” hay những gì tương tự như vậy trong gia đình luôn là cấm kỵ, đặc biệt là với phụ nữ vì họ cho rằng, điều đó thể hiện sự thiếu tôn trọng với người lớn và đem lại sự ô nhục đến cho gia đình.
Shobha - một người phụ nữ trẻ Nepal may mắn tiếp xúc với thế giới hiện đại khi quen với một cô gái đến từ CARE (Cooperative for American Remittances to Europe - một tổ chức nhân đạo hỗ trợ phát triển quốc tế). Cô đã được ở trong một cơ sở y tế thay vì phải sống trong các lán trại nhằm đảm bảo an toàn và điều kiện vệ sinh.
Qua đó, Shobha học được cách sử dụng khăn sạch khi đến ngày và nay đã không còn phải chịu cảnh đi lại trong làng với bộ quần áo dính máu. Điều này cho thấy, việc giáo dục cộng đồng là rất cần thiết và đem đến hiệu quả nhưng nó cần được thực hiện nhẹ nhàng, không áp đặt.
Phụ nữ Nepal cũng cần được biết họ có quyền lựa chọn thực hiện truyền thống - hay hủ tục - này hay không. Tổ chức CARE tại Nepal và một số quốc gia khác đang cố gắng nâng tầm ảnh hưởng của luật pháp và giáo dục đến hành vi của cộng đồng người Hindu trên thế giới đề phần nào cải cách những hủ tục đáng sợ này.