Hôm qua, 27/4, thủ tướng Hàn Quốc đã nộp đơn xin từ chức và được Tổng thống Park Geun-hye chấp thuận. Ông Chung Hong-won cho rằng mình phải nhận trách nhiệm vì phản ứng xử lý kém của chính phủ trong vụ chìm phà Sewol. “Tôi đã muốn từ chức sớm hơn, nhưng đã phải ưu tiên cho việc xử lý vụ tai nạn và tôi nghĩ đó là trách nhiệm mình phải làm trước khi từ chức” – thủ tướng Chung nói, trước khi cúi đầu xin lỗi nhân dân.
Bi kịch phà Sewol đã khiến gần 300 người chết và mất tích, dẫn đến rất nhiều lời chỉ trích dành cho chính phủ Hàn Quốc. Việc ông Chung Hong-won cảm thấy mình nên chịu trách nhiệm, là điều dễ chấp nhận. Nhưng ở đây, hãy cùng đi tìm một hướng nhìn khác cho hành động từ chức của các quan chức cao cấp trong chính phủ nhiều nước. Nếu nhìn từ góc độ con người, ngoài lòng tự trọng ra, còn điều gì khiến họ chấp nhận hy sinh một vị trí cao như thế? Ở đây cần nhắc rằng nhiệm kỳ của ông Chung Hong-won mới kéo dài được hơn 1 năm.
Thì đây: lương hiện tại của thủ tướng Hàn Quốc, bao gồm cả phụ cấp và tiền ăn trưa, theo ước tính, rơi vào khoảng hơn 150 triệu won mỗi năm, tương đương với hơn 140.000 USD (gần 3 tỷ đồng). Đây là mức thu nhập cao trong xã hội Hàn Quốc. Nhưng không cao với trình độ của thủ tướng Chung. Ông tốt nghiệp ngành luật ở đại học danh giá Sungkyunkwan, có hơn 40 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực tư pháp, từng là chánh thanh tra của tổng văn phòng công tố Hàn Quốc. Theo điều tra lương trong ngành luật của Hàn Quốc năm 2012-13, thì 140.000 USD/năm là mức lương tối thiểu của một luật sư có từ 8 năm kinh nghiệm trở lên nếu làm cho công ty luật trong nước. Mức lương cao nhất, theo báo cáo này, dành cho trưởng phòng tư vấn pháp lý nội bộ của các công ty lớn, có thể lên đến 250.000 USD/năm. Tất nhiên đây chỉ là mặt bằng chung, còn ông cựu tổng chưởng lý Chung Hong-won thì không biết là các tập đoàn nước này sẽ sẵn sàng trả bao nhiêu. Nghĩa là lương thủ tướng chỉ nhỉnh hơn lương luật sư mới vào nghề đôi chút. Nghĩa là nếu xét trên tinh thần lợi ích cá nhân thuần túy, thì ông Chung Hong-won hoàn toàn có lý do có thể rời bỏ vị trí thủ tướng. Đặc biệt là khi ông cảm thấy mình có trách nhiệm, nên nhận trách nhiệm và từ chức để “tránh gánh nặng cho chính phủ” – như lời ông nói. Các quan chức chính phủ hầu hết là những người có trình độ chuyên môn cao ở các lĩnh vực, đặc biệt giàu kinh nghiệm, và điều này khiến cho thu nhập của họ khi rời chính trường, quay về làm chuyên môn còn cao hơn cả khi đương chức đương quyền. Cựu thủ tướng Anh Tony Blair là một ví dụ điển hình. Vị cử nhân luật của trường Oxford này rời ghế thủ tướng năm 2007. Trong vòng 5 năm sau đó, ông kiếm được hơn 40 triệu bảng từ các công ty tư vấn của mình, khiến cho mức lương 190.000 bảng/năm của thủ tướng, mô tả như BBC, chỉ như “tiền tiêu vặt”.
Hoặc cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton, sau khi từ biệt mức lương 200.000 USD/năm ở Nhà trắng, đã kiếm được hơn 100 triệu USD trong vai trò của một diễn giả. Trung bình, mỗi buổi nói chuyện của ông bây giờ có giá gần bằng một năm lương khi đương chức.
Câu hỏi đặt ra với những người có trình độ cao thật sự như thế này, không phải là “Tại sao phải từ nhiệm?”, mà thật ra phải là “Tại sao không thể từ nhiệm?”. Tất nhiên, hướng phân tích ấy chỉ phù hợp khi thu nhập của các quan chức hoàn toàn chỉ là lương do nhà nước trả mà thôi. Nếu “lậu” mới là phần chính thì câu chuyện lại rất khác. Một logic hiển nhiên là nếu cái ghế đang ngồi đem đến cho họ những thu nhập khác, những lợi ích kinh tế khổng lồ khác, thì họ có lý do để yêu thương chiếc ghế ấy nhiều hơn bình thường, có lý do để “tham quyền cố vị” – để gạt đi những lời chỉ trích và tiếp tục ngồi trên nó. Nếu lợi ích kinh tế của người ta chỉ do chức vụ đem đến, chứ không phải do trình độ, thì câu hỏi vẫn luôn là: Việc gì phải từ nhiệm?