Các loại bánh cổ truyền trong ngày Tết của các nước

Hải Trịnh |

(Soha.vn) - Mỗi nước đều có một loại bánh truyền thống trong ngày Tết, có một ý nghĩa và hương vị riêng.

Trung Quốc

Bánh tổ (Nian Gao) - món quà tặng phổ biến trong dịp năm mới của người Trung Quốc

Thực đơn ngày Tết của người Trung Quốc đa phần là các loại bánh. Trong đó đáng chú ý có bánh tổ (Nian Gao) được làm từ gạo nếp loại tốt, cùng với đường và một chút gừng tươi. Theo tiếng Trung, “Gao” là bánh, “Nian” là chất dính, nghĩa là bánh nếp, bánh dính, mọi người dùng món bánh này với mong ước các thành viên trong gia đình lúc nào cũng luôn kết dính, gắn bó với nhau bền vững. Một điều thú vị là phiên âm Nian Gao còn mang ý nghĩa chỉ sự thịnh vượng, tiến bộ, luôn đi lên.

Đó cũng chính là mong ước của mọi người trong năm mới. Trong số các loại bánh ngọt truyền thống của Trung Quốc, Nian Gao có lẽ là loại lớn nhất, đặc biệt phổ biến trong dịp năm mới. Chiếc bánh này không thể thiếu trong mâm cỗ truyền thống của người Trung Quốc. Bánh Nian Gao cũng là món quà tặng phổ biến trong dịp năm mới.

"Khay sum họp" không thể thiếu trong ngày Tết của người Trung Quốc

Giống như Tết của người Việt Nam trên bàn thường có khay bánh kẹo đón khách vào ngày Tết, người Trung Quốc cũng có một khay tròn 8 ngăn, hoặc 6 ngăn (hai số phúc lộc theo quan niệm của người phương Đông) để sắp xếp bánh kẹo theo vòng tròn, được gọi là “khay sum họp”. Mỗi loại bánh, mứt, kẹo có trong khay hàm chứa một ý nghĩa riêng: Kẹo: khởi đầu năm mới ngọt ngào; Hạt dưa đỏ: niềm vui, hạnh phúc, sự chân thành; Vải sấy khô: quan hệ gia đình bền chặt; Quả kim quất: thịnh vượng; Mứt dừa: sự gắn bó; Đậu phộng: sống lâu; Long nhãn: sinh nhiều con trai; Hạt sen: con cháu đầy đàn…

Mông Cổ

Món ăn truyền thống trong Tết Tsagaan Sar là các sản phẩm làm từ sữa, bánh buuz (giống như bánh bao), thịt cừu, thịt bò, sữa dê, cơm ăn cùng với sữa đông; hay cơm ăn chung với nho khô, thịt cừu nướng, thịt ngựa, bánh buuz, sữa ngựa lên men hoặc rượu vodka trộn sữa.

Bánh buuz - món bánh truyền thống trong mâm cỗ Tết của người Mông Cổ

Ngày Tết gặp nhau, người Mông Cổ chúc nhau bằng câu nói: "Chúc cho đàn cừu của bạn béo tốt". Ở xứ sở này, cừu đông hơn người. Hầu hết các món ăn ngày tết của người Mông Cổ đều chế biến từ sữa cừu và trên mâm cỗ lúc nào cũng có thịt cừu nướng và mỳ vằn thắn.

Hàn Quốc

Với người dâ Hàn Quốc, bánh gạo là loại bánh không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền. Tuy nhiên, bánh gạo ở Hàn Quốc lại có những tên gọi khác nhau

Gyeongdan là một loại bánh gạo làm từ bột nếp nhào với nước nóng, nặn thành hình viên tròn rồi luộc và phủ một lớp bột có vị ngọt từ nhiều nguyên liệu khác nhau. Tên gọi của loại bánh này là vì nó có hình dạng như viên ngọc bích tròn (gyeongdan). Màu sắc và hương vị của bánh phụ thuộc vào lớp bột phủ bên ngoài.

Gyeongdan (Bánh gạo viên)

Jeungpyeon là một loại bánh gạo được làm từ bột gạo nhào và rượu gạo, trang trí với táo tàu, hạt dẻ, hạt thông và nấm đá, sau đó hấp trong xửng. Jeungpyeon là một loại bánh thích hợp cho mùa hè vì nó được lên men với rượu nên lâu bị thiu. Nó có vị rượu rất độc đáo, vị chua nhẹ và khá mềm.

Jeungpyeon (Bánh gạo rượu)

Triều Tiên

Cùng nằm trên bán đảo Triều Tiên nhưng phong tục đầu năm mới của Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn có một vài điểm khác biệt. Chẳng hạn cũng là bánh gạo nhưng người dân Triều Tiên lại thích ăn bánh gạo nặn theo hình trăng lưỡi liềm (còn gọi là bánh songpyeon) thể hiện quan niệm sống "Trăng khuyết rồi trăng lại tròn" như cuộc đời vẫn đổi thay, xoay vần của họ.

Songpyeon là một loại bánh gạo làm từ bột gạo nhào với nước ấm và có nhân đậu xanh, hạt mè, hạt dẻ và các nguyên liệu khác, được nặn thành hình bán nguyệt rồi đem hấp. Songpyeon được dùng cho ngày Tết Chuseok. Vào đêm Chuseok, cả gia đình sẽ tập họp lại với nhau để làm songpyeon. Mọi người đều cố gắng nắn ra những cái bánh đẹp nhất vì người ta tin rằng nếu họ nắn bánh thật đẹp thì họ sẽ có một cô con gái xinh xắn.

Việt Nam

Trong mâm cỗ đón xuân của người Việt Nam, bánh chưng là một món ăn truyền thống không thể thiếu trong mỗi gia đình. Những chiếc bánh chưng xanh vuông vắn tượng trưng cho quan niệm về vũ trụ xưa đã đồng hành cùng lịch sử dân tộc và trở thành linh hồn của ngày Tết ở khắp mọi miền của đất nước.

Bánh chưng được làm từ các nguyên liệu gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn và gói trong lá dong... Bánh được làm vào các dịp Tết cổ truyền của dân tộc Việt và vào ngày mùng 10 tháng 3 Âm lịch (ngày giỗ tổ Vua Hùng).

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại