Mỹ đã chấp thuận rút quân, Anh thừa nhận vai trò lãnh đạo của Tổng thống Bashar al-Assad, các nước Arab đối địch cũng đã bắt đầu mở lại Đại sứ quán tại quốc gia Trung Đông, vốn đã hơn 7 năm chìm trong xung đột này.
Trả lời phỏng vấn hãng tin Sky News, hôm qua (3/1), Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt thừa nhận, Tổng thống Bashar al-Assad sẽ tiếp tục tại nhiệm, lãnh đạo đất nước Syria thêm “một thời gian” nữa, với sự hậu thuẫn của Nga.
Theo hãng tin Press TV, đây là lần đầu tiên một Bộ trưởng của Anh có phát ngôn thẳng thắn về tình hình thực địa ở quốc gia Arab này.
Phát ngôn của Ngoại trưởng Anh được đưa ra không lâu sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút quân khỏi Syria, với lý do đã giành chiến thắng trong cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Tuy nhiên, theo chuyên gia phân tích chính trị người Syria Sarikis Kassargian, nguyên nhân sâu xa của quyết định rút quân là Mỹ đã không thể giúp gì hơn cho người Kurd trước bối cảnh thực địa hiện nay: “Với tình hình thực địa Syria hiện nay, chính phủ Syria và các đồng minh đang chiếm nhiều ưu thế. Sau khi Mỹ rút quân, mọi thứ càng thuận lợi hơn cho lực lượng chính phủ”.
Theo chuyên gia này, nhiều điều tốt đẹp hơn đang chờ đợi chính phủ Syria trong năm 2019, bất chấp vẫn còn khá nhiều việc cần chính phủ Syria phải làm.
Mới đây, nhiều quốc gia Arab - là đồng minh của Mỹ, từng tham gia hỗ trợ cho các lực lượng đối lập Syria chống chính phủ, cũng đã quyết định mở cửa trở lại Đại sứ quán ở thủ đô Damascus, sau nhiều năm đóng cửa.
Đầu tiên là Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), tiếp đó là Bahrain và trong tương lai gần sẽ là Kuwait và các quốc gia Arab khác. Đây được coi là bước tiến lớn, sự thừa nhận rõ ràng nhất đối với “thành quả” mà Chính quyền của Tổng thống Syria al-Assad đã giành được.
Theo chuyên gia chính trị Yaser Qubailat, đây là một xu hướng tất yếu: “Tình hình tại các nước Arab đã thay đổi và tình hình thực địa Syria cũng vậy. Đây là sự thật không thể chối cãi. Quyết định mở lại Đại sứ quán của UAE được đưa ra dựa trên các yếu tố khách quan, cùng với 1 chính sách ngoại giao thực dụng của nước này”.
Theo một số nguồn tin, Liên đoàn Arab (AL) hiện cũng đã sẵn sàng kết nạp trở lại Syria sau 7 năm loại bỏ tư cách thành viên trong Khối của nước này.
Dù từng có bất đồng lớn với nhiều quốc gia Arab kể khi bắt đầu nổ ra cuộc khủng hoảng, song hiện tại Syria đang tỏ ra rất “sẵn lòng” hòa giải với các quốc gia này khi chấp thuận sự mở cửa trở lại các Đại sứ quán.
Chuyên gia Yaser Qubailat cho biết: “ Syria đang hồi sinh sau khủng hoảng. Nước này sẽ dần định hình lại các mối quan hệ với các nước, bất kể đó là các quốc gia Arab hay không phải Arab. Dù không phải là phía cắt đứt quan hệ trước, song Syria vẫn muốn có được các mối quan hệ với những nước này”./.