Đối với các ngôi sao võ thuật Hoa ngữ, để có được những thế võ khiến người xem phải trầm trồ thán phục, không những cần sự dày công luyện tập mà trên hết, vai trò của người thầy, người sư phụ đứng sau thành công ấy cũng vô cùng quan trọng.
Ở Trung Quốc, người ta không chỉ ca ngợi các ngôi sao võ thuật như Lý Liên Kiệt, Chân Tử Đan, Ngô Kinh... mà võ sư Ngô Bân - vị sư phụ từng uốn nắn và dạy dỗ nhiều đệ tử nổi tiếng cũng rất được kính nể.
Võ sư Ngô Bân - “cha đẻ của Wushu hiện đại”
Võ sư Ngô Bân sinh năm 1937 tại Hồ Châu, Chiết Giang. Ông là một trong những nhân vật có nhiều đóng góp trong lĩnh vực võ thuật của Trung Quốc.
Năm 1963, sau khi tốt nghiệp Học viện thể dục Bắc Kinh, Ngô Bân chuyển sang làm giảng viên cho trường đào tạo võ thuật nghiệp dư Bắc Kinh.
Võ sư Ngô Bân (thứ hai từ trái sang) hướng dẫn Lý Liên Kiệt và Chân Tử Đan.
Năm 1965, ông được bầu lên làm Tổng thư ký Hiệp hội Wushu Bắc Kinh. Trong cuộc "cách mạng văn hóa" lúc bấy giờ, có hơn 30 người vẫn kiên trì theo đuổi võ thuật, tiêu biểu có Ngô Bân, Lý Bỉnh Từ, Huệ Phong, Lưu Hồng Trì, Ích Dân, Triệu Huệ Minh,...
Ngô Bân cũng chính là người đã sáng lập ra trường đào tạo võ thuật Thập Sát Hải, nơi đào tạo ra những ngôi sao võ thuật nổi tiếng của làng điện ảnh Hoa ngữ như: Lý Liên Kiệt, Chân Tử Đan, Triệu Văn Trác, Ngô Kinh…
Ở trường võ thuật của mình, Ngô Bân huấn luyện học viên theo 3 tiêu chí.
Ông hiện tại đã ở tuổi 82.
Một là “khổ” - khổ luyện là nền tảng, vượt qua khó khăn, nghiêm túc, ngoan cường và tinh thần chăm chỉ, dũng cảm.
Thứ hai là “thông minh” – nắm bắt lý thuyết để thực hành, tôn trọng những luật lệ được đề ra và nắm chắc những động tác mấu chốt dưới điều kiện thực tế.
Ba là “tinh” – tinh nhuệ, tinh tường để vươn tới đỉnh cao.
Chính nhờ sự nghiêm khắc trong đào tạo, dạy dỗ, những đệ tử của ông đều thành danh không chỉ tại quê nhà mà còn nổi tiếng ở khắp châu Á và cả Hoa Kỳ.
Học trò Lý Liên Kiệt
Lý Liên Kiệt là đại đệ tử của võ sư Ngô Bân. Ông theo học thầy từ năm mới 8 tuổi. Suốt 5 năm sau đó, từ 1975 - 1979, Lý Liên Kiệt đã giành được nhiều thành tích vượt trội.
Ông đoạt giải Quán quân toàn năng Giải võ thuật toàn quốc, gia nhập làng giải trí và thành danh ngay từ bộ phim đầu tay "Thiếu Lâm Tự" và cho đến nay, dù đã giải nghệ, Lý Liên Kiệt vẫn là một huyền thoại của làng võ.
Để đạt được thành công như hiện tại, Lý Liên Kiệt đã phải luyện tập rất khắc nghiệt trong quá khứ. Ông cũng chính là người học trò khiến Ngô Bân vô cùng hài lòng.
Ngô Bân từng kể lại, một lần tới khóa học, ông phát hiện môn sinh Lý Liên Kiệt nhiều ngày không đến lớp mà không rõ nguyên do, ông bèn tranh thủ thời gian tìm đến nhà học trò.
Tại đây, ông mới biết, mẹ của Lý Liên Kiệt sợ con trai mải mê với võ thuật mà quên việc học văn hoá, bà muốn cho con ra khỏi trường võ thuật.
Cha của Lý Liên Kiệt mất từ năm anh lên 2 tuổi, một mình mẹ Lý Liên Kiệt phải lo kiếm tiền trang trải cuộc sống gia đình có cha mẹ già và 5 đứa con thơ. Bà muốn đứa con trai út học hành đàng hoàng để sau này tìm được một công việc ổn định và kiếm tiền nuôi gia đình.
Thấy được khó khăn của gia đình học trò, Ngô Bân vẫn kiên trì hàng ngày đến thuyết phục mẹ Lý Liên Kiệt với niềm tin rằng cậu bé 8 tuổi sau này nhất định sẽ làm nên chuyện.
Vị võ sự nổi tiếng khẳng định với bà Lý rằng, con trai bà là "hạt giống tốt nhất định không thể bỏ phí".
Chính vì thế, Lý Liên Kiệt đã được đi học trở lại. Ông phải học võ 8 tiếng/ngày, một tuần 6 buổi và chỉ được về nhà vào tối thứ Bảy rồi trở lại trường vào tối Chủ Nhật. Không những vậy, trời lạnh rét buốt cũng phải luyện tập, nếu chấn thương mà kêu ca sẽ bị thầy phạt.
Tài tử họ Lý tuổi từng chia sẻ rằng, chính sự khắt khe đến khắc nghiệt của sư phụ Ngô Bân đã tạo nên con người mạnh mẽ của anh ngày hôm nay.
Còn Ngô Bân khi nhận xét về học trò cũ, ông hết lời khen ngợi: "Lý Liên Kiệt có tố chất xuất chúng, nội lực và sự mềm dẻo đều tốt, sức bật cao, tốc độ nhanh, là mầm tài năng hiếm có. Hơn nữa, Lý Liên Kiệt rất thông minh, tiếp thu và hiểu nhanh các động tác, vì thế nên việc dạy dỗ tương đối nhẹ nhàng".
Học trò Chân Tử Đan
Năm 1978, Chân Tử Đan được mẹ là cao thủ Thái cực - Mạch Bảo Thuyền gửi gắm cho võ sư dạy dỗ. Bà hy vọng cậu con trai nổi loạn sẽ học được những tinh túy của võ học truyền thống Trung Quốc sau nhiều năm tháng ở Mỹ.
Lần đầu gặp Chân Tử Đan, võ sư Ngô Bân nhận xét: "Năm đó, lần đầu tiên nhìn thấy Chân Tử Đan, tôi nghĩ rằng thể chất của cậu ấy khá tốt, thích hợp với việc học võ. Tuy nhiên, Tử Đan lại có nền tảng võ thuật tương đối kém, bởi lúc đó cậu ta mới bắt đầu tiếp xúc với võ thuật, cơ thể không linh hoạt."
Không những vậy, trái với một Lý Liên Kiệt lành tính, Chân Tử Đan có phần ngông cuồng hơn. Là võ sinh ngoại quốc duy nhất, ông tự nhận mình là người Mỹ và cao hơn người khác một bậc, không coi ai ra gì.
Chính sự ngông cuồng của Chân Tử Đan đã khiến Ngô Bân giận đến nỗi có lần phải đuổi học trò ra khỏi lớp. Tuy nhiên, ông cũng kiên trì uốn nắn, dạy dỗ cậu học trò ngang ngạnh.
Ông cho Chân Tử Đan học cùng với các học viên nữ để rèn luyện sự uyển chuyển trong các đòn thế bởi lẽ Tử Đan có phong cách võ thuật quá cứng rắn.
Về sau, chính những thế võ truyền thống uyển chuyển, khéo léo của Trung Quốc đã góp phần không nhỏ trong việc gây dựng tên tuổi của Chân Tử Đan qua các vai diễn trên màn ảnh, đỉnh cao là series "Diệp Vấn".
Chia sẻ về quá trình uốn nắn Chân Tử Đan, vị võ sư nghiêm khắc kể: "Thời điểm bắt đầu tôi để cho Chân Tử Đan học cùng với các học viên nữ. Nhưng vì để cậu ta không giảm ý chí học hành, chúng tôi phải lừa gạt rằng để cậu ta vào nhóm đó là học luyện chân.
Tử Đan là một người chăm chỉ, luôn chăm chú học hỏi sư phụ và các huynh đệ. Thông thường, khi mọi người đều rời khỏi trường, chỉ còn một mình Chân Tử Đan vẫn kiên trì luyện tập".
Học trò Ngô Kinh
Ngô Kinh là học trò từng phải nhận nhiều thiệt thòi hơn nhiều đồng môn khác bởi khiếm khuyết cơ thể, ông bị thiếu mất nửa đốt ngón cái tay trái.
Đối với người học võ, lực ở ngón cái là điểm mấu chốt, các cao thủ hơn thua nhau thực chất là ở nửa ngón này. Vì vậy, lần đầu gặp Ngô Kinh, dù rất hài lòng với thân hình, tư chất của cậu bé 13 tuổi, Ngô Bân cũng phải ngậm ngùi lắc đầu.
Ngô Kinh và sư phụ Ngô Bân.
Tuy nhiên, đệ tử ruột của Ngô Bân - Lý Kim Hằng đã kiên quyết khẳng định với ông: "Đứa nhỏ này không tồi, trước tiên cứ giữ lại". Nhờ vậy, Ngô Bân đã được nhận vào ngôi trường võ thuật nổi tiếng.
Hiểu được thiếu sót của bản thân, Ngô Kinh luyện tập không ngừng nghỉ. Mỗi ngày anh đá chân 1.000 cái, đá nghiêng 1.000 cái, xoạc chân ngang 1.000 lần, xoạc chân 1.000 lần.
Tiếp đó, anh giơ cao chân 1.000 lần, nhảy cóc 500 lần, xoay eo 500 lần để kết thúc… màn khởi động trước khi bước vào luyện quyền, đấu đối kháng.
Sự kiên trì và cố gắng của Ngô Kinh dần được lòng sư phụ Ngô Bân. Sau này, chính Ngô Bân là người đã giới thiệu học trò Ngô Kinh bước vào con đường diễn xuất.
Ông còn vô cùng tâm đắc và nhận định Ngô Kinh sẽ là người kế thừa hoàn hảo cho võ công cũng như bản lĩnh của Lý Liên Kiệt.
Sau này, Ngô Kinh đạt được thành công không chỉ trong nước mà còn vươn ra Hollywood. Trước sự thành công của học trò với bộ phim "Chiến lang 2", sư phụ Ngô Bân đã dành cho đệ tử của mình lời bình phẩm chỉ vỏn vẹn hai chữ "Nỗ lực".
Võ sư Ngô Bân cũng nói thêm: "Ngô Kinh không có tài năng thiên phú như Lý Liên Kiệt, nhưng tính cách chịu khó và không ngừng phấn đấu của Ngô Kinh thì tuyệt đối không thua bất cứ ai".
Chia sẻ về sự chăm chỉ, nỗ lực của học trò, Ngô Bân còn nói thêm: "Có lần đoàn võ thuật Trung Quốc sang Mỹ tập huấn, Ngô Kinh là người giỏi tiếng Anh nhất trong đoàn".
Qua đó có thể thấy, dù khiếm khuyết về hình thể nhưng với sự rèn luyện không ngừng nghỉ, Ngô Bân đã trở thành một trong những học trò được Ngô Bân quý trọng nhất.
Hiện tại, võ sư Ngô Bân đã ở tuổi 82, ông không còn nhiều sức lực để dẫn dắt các học trò nghiêm khắc như xưa nhưng vẫn đảm nhận chỉ đạo võ thuật cho một số bộ phim hành động và là một tượng đài khiến cả làng võ phải kính nể.