Thế giới Ả Rập bế tắc

Ngô Sinh |

Các nước Ả Rập đã nhanh chóng tiến hành một cuộc khẩu chiến đối với tuyên bố của Tổng thống Mỹ về Jerusalem nhưng họ ít có cơ hội vận động về mặt ngoại giao

Người Hồi giáo khắp Trung Đông đã lên tiếng cảnh báo về những hậu quả kinh khủng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô Israel. Thế nhưng, trong một khu vực bị chia rẽ hơn bao giờ hết, nhiều người thắc mắc liệu các nhà lãnh đạo Ả Rập có thể làm được gì hơn ngoài những lời lẽ công kích dữ dội?

Bất hòa và chia rẽ

Các nước Ả Rập đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn với những rắc rối nội bộ. Người dân đã mệt mỏi vì các cuộc chiến tranh, trong khi những ngày tháng mà các nhà lãnh đạo Ả Rập có thể thách thức Mỹ theo một phương cách có ý nghĩa đã xa rồi. Ngoài các cuộc chống đối và nguy cơ nổ ra bạo lực, thế giới Ả Rập chẳng thể làm được gì nhiều sau tuyên bố của ông Donald Trump - vốn đã bị các nhà lãnh đạo công khai chỉ trích.

Hãng tin AP nhận định Jerusalem là một trong rất ít vấn đề được thống nhất trong thế giới Ả Rập vốn bị quấy rầy bởi những cuộc chiến tranh và chủ nghĩa bè phái. Thế nhưng, chuyện Tổng thống Mỹ tuyên bố thánh địa này là thủ đô Israel đã trở thành nguyên cớ tranh cãi giữa các quốc gia Hồi giáo Sunni và Shiite ở Trung Đông, Ả Rập Saudi, Iran - những nước can dự vào cuộc chiến ủy nhiệm thảm khốc để giành uy thế trong khu vực.

Làn sóng chỉ trích động thái của Tổng thống Mỹ đã lan từ Cairo - Ai Cập đến Tehran - Iran, Ankara - Thổ Nhĩ Kỳ, thậm chí cả Syria đang bị chiến tranh tàn phá, phản ánh nỗi lo âu liên quan đến tuyên bố của ông về Jerusalem. Ai Cập, quốc gia Ả Rập đầu tiên ký hiệp ước hòa bình với Israel năm 1979, đã lên án quyết định của ông Donald Trump. Quốc vương Abdullah II của Jordan, nước cũng ký hiệp ước hòa bình với Israel, đã bày tỏ với Tổng thống Mỹ mối quan ngại của mình.

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ các nước này có kế hoạch ngoại giao cụ thể nào hay không. Theo báo Haaretz, lời lẽ dường như là cách thức duy nhất để các nhà lãnh đạo Ả Rập và Hồi giáo phô bày tình đoàn kết ít ỏi còn lại vào thời điểm này.

Ả Rập Saudi, cường quốc trong khu vực có thể giúp Nhà Trắng kết thúc việc dàn xếp xung đột Trung Đông, cũng phản đối mạnh mẽ động thái của Tổng thống Mỹ. Thế nhưng, trong khi người Ả Rập Saudi có thể gây áp lực với ông Donald Trump và tạo khoảng cách với Israel - ít nhất là ở vẻ bề ngoài, họ sẽ gần như chắc chắn tiếp tục hợp tác cùng Tel Aviv trong việc chia sẻ thông tin tình báo về Iran.

Cuộc đấu tranh khó khăn

Năm 1973, liên quan đến sự ủng hộ quân sự của Washington dành cho Israel, các nhà sản xuất dầu Ả Rập đã áp đặt lệnh cấm vận dầu đối với Mỹ khiến giá khí đốt tăng vọt và kìm hãm nền kinh tế nước này. Điều đó cho thấy sức mạnh của Ả Rập Saudi và sự thống nhất của thế giới Ả Rập lúc bấy giờ.

Thế nhưng, vào lúc này, hành động đầy sức thuyết phục như vậy khó thể xảy ra. Ả Rập Saudi, Jordan và Ai Cập đã xây dựng mối quan hệ khăng khít với Mỹ, trong khi bất hòa với các quốc gia Ả Rập anh em do những điểm khác biệt về chính trị và tôn giáo. Syria, Iraq, Libya, Yemen đang chìm trong chiến tranh và xung đột, nhiều thành phố bị tàn phá. Trong khi đó, các quốc gia Ả Rập theo dòng Sunni, bao gồm Ả Rập Saudi và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), đã cùng Israel chia sẻ sự ngờ vực sâu sắc đối với Iran - quốc gia theo dòng Shiite - và mối quan hệ của họ cũng đã tan băng.

Ông Mohammed ElBaradei, cựu Phó Tổng thống Ai Cập - người từng nhận giải Nobel Hòa bình, cho rằng các nước Ả Rập đã có sự lựa chọn của họ, bao gồm việc giảm hoàn toàn dòng tiền chảy vào Mỹ và cắt giảm triệt để mối quan hệ ngoại giao, quân sự , tình báo với nước này. "Nếu sự phản ứng giới hạn ở những lời lên án và phản đối, sự im lặng sẽ là phương án đáng trân trọng hơn" - ông ElBaradei bày tỏ trên Twitter.

Kịch bản Ai Cập và Jordan cắt đứt quan hệ ngoại giao với Israel không phải là chuyện hiện thực. Mối quan hệ Israel - Ai Cập dựa trên cơ sở lợi ích quân sự và tình báo vốn không hề liên quan đến vấn đề Palestine hoặc vị thế của Jerusalem. Tổng thống Ai Cập Abdul Fattah al-Sisi không ngây thơ đến mức nghĩ rằng duy chỉ vị thế của Jerusalem có thể làm hồi sinh hoặc làm tiêu tan tiến trình hòa bình.

Vài cuộc biểu tình ồn ào diễn ra ở Jordan và quốc hội nước này có thể lên tiếng yêu cầu cắt đứt quan hệ với Israel. Thế nhưng, Quốc vương Abdullah có lý do để tiếp tục hợp tác quân sự với Israel - quốc gia đồng ý với ông về mối đe dọa từ Iran đối với biên giới Jordan. Cả Ai Cập và Jordan đều hiểu rằng hành động trả đũa Mỹ bằng cách cắt đứt quan hệ với Israel có thể phản tác dụng.

Các thủ lĩnh Ả Rập và nhà lãnh đạo Palestine Mahmoud Abbas cố gắng thuyết phục các quốc gia khắp thế giới trung thành với lập trường quốc tế, không công nhận Jerusalem và không chuyển đại sứ quán của họ đến đó. Thế nhưng, đây là cuộc đấu tranh khó khăn bởi Mỹ có thể phủ quyết bất kỳ nghị quyết nào của Liên Hiệp Quốc.

Thực tế là bất chấp cơn giận dữ với Tổng thống Donal Trump, các quốc gia Ả Rập và hầu hết các nước Hồi giáo sẽ tiếp tục xem Mỹ là đồng minh quan trọng để bảo vệ lợi ích của mình. Trong khi đó, cuộc xung đột Israel - Palestine vẫn sẽ là chủ đề cho các cuộc đàm phán.

Ả Rập Saudi bắt tay Mỹ?

Bốn viên chức Palestine giấu tên cho biết Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman và nhà lãnh đạo Palestine Mahmoud Abbas đã thảo luận chi tiết về một thỏa thuận quan trọng mà Tổng thống Donald Trump và cố vấn Jared Kushner dự kiến sẽ tiết lộ vào nửa đầu năm 2018. Một vị xác nhận khi gặp nhau ở Riyadh hồi tháng 11 vừa qua, Thái tử Mohammed đã yêu cầu ông Abbas thể hiện sự ủng hộ đối với nỗ lực hòa bình của chính quyền Mỹ. Một vị khác kể rằng Thái tử Mohammed đã thuyết phục ông Abbas: "Hãy kiên nhẫn, ông sẽ nghe tin tốt lành. Tiến trình hòa bình này sẽ tiến triển".

Theo hãng tin Reuters, mối quan hệ Mỹ - Ả Rập Saudi đã đột ngột cải thiện dưới thời Tổng thống Donald Trump, một phần vì các nhà lãnh đạo 2 nước này chia sẻ quan điểm chống lại Iran - đối thủ của Riyadh - một cách mạnh mẽ hơn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại