Cuộc khủng hoảng của công ty này, cũng có thể chính là cơ hội của công ty khác. Sự thiếu hụt chất bán dẫn đã làm tăng giá trị của các công ty cung cấp chip cho mọi sản phẩm, từ máy trò chơi điện tử, đến ngành học máy và trung tâm dữ liệu, như công ty Nvidia.
Nhưng cơ hội bùng nổ cho người bán đồng nghĩa với sự khốn khổ về phía người mua. Các nhà sản xuất ô tô, là một trong những nạn nhân bị ảnh hưởng trực tiếp nhất. Lợi nhuận của Ford, nhà sản xuất ô tô lớn thứ hai của Mỹ, tính theo sản lượng, đã giảm một nửa trong quý gần đây nhất, trong bối cảnh tình trạng thiếu chip trên toàn cầu.
Các nhà phân tích cho rằng ngành công nghiệp ô tô Hoa Kỳ, có thể sẽ chỉ sản xuất được chưa tới 5 triệu sản phẩm trong năm nay, vì thiếu hụt những thành phần nhỏ nhất - như chip. Tất nhiên, các nhà sản xuất ô tô không phải là công ty duy nhất rơi vào tình cảnh khó khăn. Apple và Microsoft cũng đã cảnh báo rằng họ sẽ bị ảnh hưởng.
Các chính trị gia cũng đang đặc biệt quan tâm đến vấn đề này. Chuỗi cung ứng liên quan đến chip sẽ hiện diện trong chương trình nghị sự vào cuối tháng này, khi Phó Tổng thống Mỹ, Kamala Harris, đến thăm Việt Nam, nơi có ngành công nghiệp điện tử phát triển mạnh mẽ.
Bà Angela Merkel, Thủ tướng Đức, cũng phàn nàn về thị phần nhỏ của châu Âu trong ngành sản xuất chip toàn cầu.
Sự thiếu hụt là kết quả của nhu cầu tăng đột biến. Sản xuất chip là một hoạt động kinh doanh có tính chu kỳ, đã tăng trưởng mạnh mẽ trong nhiều thập kỷ khi khoa học máy tính len lỏi vào mọi ngóc ngách của xã hội. Xu hướng đó đã được đẩy mạnh bởi đại dịch.
Người tiêu dùng, gặp khó khăn trong việc mua sắm trực tiếp, đã chuyển sang mua sắm trực tuyến, trao đổi với đồng nghiệp qua các cuộc họp từ xa và dành hàng giờ xem phát video và trò chơi điện tử. Kết quả là nhu cầu về chất bán dẫn, cung cấp năng lượng cho các trung tâm dữ liệu và các thiết bị điện tử tăng vọt, làm các nhà máy chip chóng mặt với các đơn đặt hàng.
Cuộc khủng hoảng đã gây ra ba hệ quả. Đầu tiên là sự bùng nổ đầu tư. Các nhà sản xuất lớn như Intel, Samsung và TSMC đang có kế hoạch chi hàng trăm tỷ USD để tăng công suất trong vài năm tới.
Thứ hai, khách hàng của ngành công nghiệp chip cũng đang thích ứng dần với tình hình. Khi nhu cầu tăng mạnh trong đại dịch, các nhà sản xuất ô tô đã cắt giảm đơn đặt hàng với các nhà sản xuất chip. Với quy mô và tầm ảnh hưởng của ngành công nghiệp xe hơi, các công ty vốn là khách hàng thân quen của các nhà cung cấp chip. Nhưng khi nhu cầu tăng vọt, họ chưa chắc đã được ưu tiên, vì sự cạnh tranh về năng lực từ ngành công nghệ thậm chí còn lớn hơn và có ảnh hưởng hơn.
Tình huống khó khăn đã thúc đẩy các nhà sản xuất ô tô kiểm soát chặt chẽ hơn đối với nguồn cung cấp các bộ phận quan trọng. Nối gót Tesla, Volkswagen đã công bố kế hoạch phát triển chip của riêng mình. Các công ty khác cũng đang tạo dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với các nhà sản xuất chip.
Toyota đã vượt qua khủng hoảng thiếu hụt chip tương đối tốt, một phần là do họ cắt giảm đơn đặt hàng khi đại dịch xảy ra. Vào tháng 6, Robert Bosch, một nhà cung cấp phụ tùng ô tô lớn, đã cắt băng khánh thành nhà máy sản xuất chip trị giá 1 tỷ EUR (1,2 tỷ USD) của mình ở Dresden. Do đó, các chuỗi cung ứng được thiết kế lại sẽ linh hoạt hơn.
Thứ ba, đáng lo là, khủng hoảng chip có thể làm gia tăng của chủ nghĩa công nghệ dân tộc. Mỹ đang có kế hoạch chi hàng tỷ USD để thu hút các nhà sản xuất chip từ Đông Á trở lại. Châu Âu muốn tăng gấp đôi tỷ trọng sản xuất chip toàn cầu, lên 20%, vào năm 2030. Ngay cả Anh cũng tuyên bố, việc thành lập một nhà máy sản xuất chip ở Wales được coi là một vấn đề an ninh quốc gia.
Có một số lập luận cho rằng, chip đang nắm vai trò quan trọng, như đầu tàu của một nền kinh tế, cũng giống với vị thế của các nhà máy lọc dầu hoặc nhà máy xe hơi trong thế kỷ 20. Đặc biệt, việc tập trung sản xuất ở một vài khu vực nhất định, như Đài Loan có thể gây ra rủi ro. Nhưng bài học từ các chính phủ của thế kỷ trước đã chỉ ra, trợ cấp quá mức cho ngành này, có thể dẫn đến tình trạng dư thừa năng lực sản xuất, và sẽ là sai lầm nếu như các chính phủ tự cho mình là cứu tinh, và sử dụng ngân sách công để hỗ trợ các doanh nghiệp kém cạnh tranh.
Theo The Economist