Bà Kamala Harris sẽ thăm Việt Nam (dự kiến vào cuối tháng 8). Ảnh: USA Today
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, GS Carlyle Thayer, Đại học New South Wales, Học viện Quốc phòng Úc, cho biết, các nỗ lực ban đầu của chính quyền Biden trong việc tham gia với Đông Nam Á đã bị gián đoạn bởi sự cố kỹ thuật khi Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken tham dự cuộc họp trực tuyến với các bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN. Kế hoạch của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thăm Việt Nam trên đường tham dự Đối thoại Shangri-La ở Singapore bị hoãn do đại dịch COVID-19 tái bùng phát. Nỗ lực của chính quyền Biden trong việc tham gia với Đông Nam Á chính thức được khởi động với ba chuyến thăm gần đây của Bộ trưởng Austin tới Singapore, Việt Nam và Philippines.
Hai lĩnh vực quan tâm trước tiên
Nhà Trắng mới đây thông báo, Phó Tổng thống Kamala Harris sẽ thăm Singapore và Việt Nam trong tháng Tám. Chuyến thăm này sẽ đánh dấu một giai đoạn mới trong sự tham gia của Mỹ với Đông Nam Á. Bà Harris sẽ là quan chức cấp cao nhất trong chính quyền Biden tới thăm khu vực.
Thông báo về chuyến thăm của bà Harris đi cùng việc Tổng thống Biden đề cử ông Jonathan Kaplan (từng sáng lập, làm giám đốc điều hành một số công ty công nghệ, hiện là tổng giám đốc điều hành của tổ chức phi chính phủ EducationSuperHighway) làm đại sứ Mỹ tại Singapore. Vị trí đại sứ Mỹ tại Singapore đã khuyết một thời gian dài (từ đầu năm 2017).
Bà Kamala Harris (sinh năm 1964) là chính trị gia, luật sư, đương kim Phó Tổng thống Mỹ. Bà là người phụ nữ đầu tiên, người gốc Á đầu tiên, người gốc Phi đầu tiên, và người da màu thứ hai được bầu làm Phó Tổng thống Mỹ (năm 1929, ông Charles Curtis trở thành người da màu đầu tiên giữ chức Phó Tổng thống Mỹ).
" Phó Tổng thống Harris có nhiều mục trong chương trình nghị sự của bà, trước hết là chống COVID-19, hồi phục kinh tế sau đại dịch và đối phó biến đổi khí hậu. Hai vấn đề này là hai mối quan tâm của toàn cầu và trong hai lĩnh vực này, chính quyền Biden muốn tạo ra mối quan hệ đối tác toàn cầu bằng cách làm việc với các đối tác khu vực cũng như với Trung Quốc", GS Thayer nhận định.
Phó Tổng thống Harris cũng sẽ thúc đẩy hợp tác kinh tế để xử lý vấn đề an ninh mạng, thương mại kỹ thuật số. Bà cũng sẽ gia tăng nỗ lực chung để duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và mối quan hệ mạnh mẽ về văn hóa, giao lưu nhân dân giữa Mỹ và Đông Nam Á.
“Phó Tổng thống Harris sẽ mở rộng sự tham gia của Mỹ với Đông Nam Á ra ngoài lĩnh vực an ninh-quốc phòng, sang một chương trình hợp tác lớn hơn nhằm đối phó các thách thức xuyên quốc gia mang tính toàn cầu”, GS Thayer nhận định.
Cung cấp thêm vắc-xin cho ASEAN
Nhiều nhà phân tích cho rằng, chuyến thăm của Phó tổng thống Harris tới Singapore và Việt Nam vào cuối tháng 8 này có ý nghĩa quan trọng trong việc nhấn mạnh cam kết của Mỹ đối với ASEAN. Trong chuyến thăm, Mỹ có thể cam kết cung cấp thêm vắc-xin phòng COVID-19 cho các nước Đông Nam Á đang bị đại dịch tấn công dữ dội. Theo ông Murray Hiebert, chuyên gia về Đông Nam Á công tác tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Mỹ), chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin tới Singapore, Việt Nam và Philippines hồi cuối tháng 7 nhằm thể hiện cho các nước Đông Nam Á thấy rằng, Mỹ thực sự muốn tương tác với họ. Bộ trưởng Austin đã chuyển đi thông điệp đó và Phó Tổng thống Harris sẽ làm tương tự, chuyên gia Hiebert nhận định.
Mỹ hôm 25/7 trao tặng 3 triệu liều vắc-xin Moderna cho Việt Nam thông qua cơ chế COVAX. Trước đó, ngày 10/7, Mỹ trao tặng Việt Nam 2 triệu liều Moderna sản xuất bằng công nghệ mới mRNA. "Mỹ và Việt Nam đã hợp tác nhằm nâng cao năng lực của Việt Nam trong việc ứng phó với đại dịch COVID-19, dựa trên nền tảng là mối quan hệ hợp tác lâu dài giữa hai quốc gia và nguồn hỗ trợ của Mỹ trị giá hơn 1 tỷ USD trong những năm qua nhằm giúp Việt Nam phát triển hạ tầng y tế. Ngoài việc trao tặng 5 triệu liều vắc-xin, tính từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu, Mỹ đã cam kết các khoản hỗ trợ trị giá 19,8 triệu USD nhằm giúp Việt Nam ứng phó với đại dịch", Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam tuyên bố.
Ngoài Việt Nam, Mỹ cũng trao tặng vắc-xin COVID-19 cho các nước Đông Nam Á khác, nhưng thỏa thuận mà Mỹ đạt được hồi tháng 3 với Nhật Bản, Úc và Ấn Độ về việc cung cấp 1 tỷ liều cho khu vực đã bị đình trệ vì Ấn Độ cấm xuất khẩu vắc-xin. Trước khi ngừng xuất khẩu vào tháng 4, Ấn Độ đã cung cấp khoảng 66,4 triệu liều vắc-xin COVID-19 cho hơn 90 quốc gia, trong đó có Lào, Campuchia, Myanmar…
"Chúng tôi đã xuất khẩu 60 triệu liều từ tháng 1 đến cuối tháng 2, có lẽ nhiều hơn bất kỳ nước nào khác. Sau đó, làn sóng COVID-19 thứ hai ở Ấn Độ bùng phát, nên chúng tôi phải tập trung toàn bộ nguồn lực và vắc-xin cho người dân Ấn Độ", ông Adar Poonawalla, Tổng Giám đốc điều hành Viện Huyết thanh Ấn Độ, đơn vị sản xuất vắc-xin lớn nhất thế giới (tính theo sản lượng), phát biểu tại Diễn đàn Toàn cầu Ấn Độ hôm 30/6.