Với việc thị trường lao dốc trong suốt tháng 4 vừa qua, tài sản của các tỷ phú chứng khoán cũng đã giảm mạnh. Đáng chú ý, Top 10 tỷ phú chứng khoán đã có sự xáo trộn sau những cú sốc của thị trường. Ông Nguyễn Đức Thụy - Nhà sáng lập Thaiholdings, Phó Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank – đã không còn có tên trong Top 10 sau khi giá cổ phiếu THD giảm thê thảm.
Từ vị trí thứ 9 hồi đầu tháng, ông Nguyễn Đức Thuỵ hiện tụt xuống vị trí thứ 12 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán. Giá trị tài sản của ông Thuỵ thông qua cổ phiếu THD và LPB đã giảm mạnh hơn 4.500 tỷ đồng, còn 10.980 tỷ đồng.
Cả hai mã cổ phiếu do doanh nhân quê Ninh Bình sở hữu đều mất giá mạnh trong tháng Tư. THD giảm 31% còn 118.000 đồng/cp khiến ông Thuỵ đánh mất hơn 4.400 tỷ đồng, trong khi LPB giảm 16% còn 16.000 đồng/cp sau khi kết thúc tháng.
Cổ phiếu THD giảm giá mạnh và chưa có dấu hiệu dừng lại. |
Với 10 gương mặt trong bảng xếp hạng hiện tại, tỷ phú Phạm Nhật Vượng vẫn đứng đầu với khối tài sản trị giá 172.500 tỷ đồng, giảm 2.500 tỷ đồng (1,48%) trong tháng Tư.
Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoà Phát cũng trải qua tháng Tư với mức sụt giảm 2.100 tỷ đồng sau khi cổ phiếu HPG giảm 4%. Hiện giá trị tài sản của ông Long tại HPG là 50.505 tỷ đồng, đứng thứ hai trong Top 10.
Trong khi đó, bà Vũ Thị Hiền (vợ ông Long) cũng có tên trong Top 10 với vị trí thứ 9. Giá trị tài sản của bà Hiền tại HPG đã giảm 590 tỷ đồng, còn 14.200 tỷ đồng.
Hai tỷ phú Hồ Hùng Anh (Chủ tịch Techcombank) và Nguyễn Đăng Quang (Chủ tịch Masan Group) là những người lâu nay nắm giữ hai vị trí thứ tư và thứ năm. Cả hai cùng lần lượt ghi nhận tài sản “bốc hơi” 970 và 819 tỷ đồng sau khi TCB và MSN cùng giảm giá trong tháng. Hiện tại, giá trị tài sản của hai đại gia này tại TCB và MSN lần lượt đạt 36.600 tỷ đồng và 36.008 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO Vietjet Air, vẫn giữ vị trí thứ sáu quen thuộc với khối tài sản trị giá 33.187 tỷ đồng. Khối tài sản này đã giảm mạnh 2.700 tỷ đồng trong tháng qua sau khi giá cổ phiếu HDB và VJC do bà Thảo sở hữu lần lượt giảm 10,7% và 7,5%.
Dù vậy, bà Thảo vẫn bỏ xa vị trí thứ 7 của ông Bùi Thành Nhơn một khoảng cách khá lớn. Sau khi giảm tỷ lệ sở hữu tại Novaland (NVL), giá trị tài sản của ông Nhơn chỉ còn 22.600 tỷ đồng. Mặc dù vậy, ông Nhơn là người duy nhất trong Top 10 ghi nhận tài sản tăng sau khi kết thúc tháng Tư với mức tăng 524 tỷ đồng nhờ việc NVL tăng 2,3%.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đạt, Chù tịch CTCP Phát triển BĐS Phát Đạt (PDR) ghi nhận tài sản giảm 870 tỷ đồng trong tháng qua sau khi cổ phiếu PDR giảm 5,4%. Hiện giá trị tài sản do ông Đạt nắm giữ thông qua PDR là 15.133 tỷ đồng.
Người còn lại trong Top 10 là ông Hồ Xuân Năng, Chủ tịch Tập đoàn Phenikaa. Giá cổ phiếu VCS của Vicostone giảm 13% trong tháng qua khiến tài sản của ông Năng giảm mạnh 1.900 tỷ đồng, còn 14.300 tỷ đồng.
Như vậy, cùng với sự sụt giảm của VN-Index, sự rút lui của dòng tiền khỏi thị trường, có tới 9/10 người giàu nhất trên sàn chứng khoán ghi nhận sự sụt giảm về tài sản trong tháng Tư vừa qua.
“Sell in May and go away” vốn là một chiến lược đầu tư cổ phiếu dựa trên lý thuyết được các nhà đầu tư chứng khoán phương Tây áp dụng. Tuy nhiên, hiệu ứng này lại xảy ra với TTCK Việt Nam ngay từ tháng Tư.