Thay vì nổi đóa hay chì chiết, cha mẹ nên làm gì khi đồng hành cùng con trẻ trên mạng?

HA |

Từ câu chuyện người vợ của nghệ sĩ nổi tiếng “nổi đóa” trên mạng sau khi phát hiện nội dung nhạy cảm trong điện thoại của con, các bậc phụ huynh nói riêng và dư luận nói chung đều cần nhìn lại về cách hành xử khi đồng hành cùng con trẻ trong môi trường Internet.

Những ngày vừa qua, câu chuyện của một người vợ nổi tiếng trong Vbiz đập vỡ điện thoại, làm gắt trên mạng khi phát hiện hành động khá nhạy cảm trên Facebook của con trai nhận được sự thảo luận đông đảo trên MXH. Chị cho biết, con trai mình đã bị dụ vào nhóm tin nhắn có chứa hình ảnh 18+ nên sợ con bị ảnh hưởng xấu, đã kiểm soát chặt chẽ hơn, có hành động đập vỡ 2 chiếc điện thoại. Đáng chú ý, người mẹ còn chia sẻ lại câu chuyện trên mạng nhằm “cảnh báo”, dùng nhiều quan điểm tiêu cực phản bác những ai góp ý. Không ít khán giả cho rằng đây là vấn đề nhạy cảm, chị không nên chia sẻ như thế dễ ảnh hưởng đến tâm lý trẻ trong giai đoạn dậy thì.

Sau sự phản ứng của dư luận, trạng thái của người mẹ đã bị gỡ bỏ khỏi Facebook, tuy nhiên vụ việc vẫn thu hút nhiều quan điểm thảo luận trên không gian mạng. Nhiều người nổi tiếng, chuyên gia giáo dục, chuyên gia tâm lý đã lên tiếng phản đối, đồng thời góp ý cách xử lý phù hợp cho các bậc phụ huynh trong tình huống tương tự.

Sinh ra trong thời đại kỹ thuật số, thế hệ con trẻ ngày nay có sự tiếp thu nhanh nhạy từ sớm, các bậc cha mẹ càng cần nỗ lực hơn khi đồng hành cùng con sử dụng Internet sao cho hiệu quả, nhưng không gò bó, nặng nề. Đó là hành trình dài cần được thực hiện từ sớm, thay vì “mất bò mới lo làm chuồng”, hoặc có những phản ứng gay gắt, hay dùng vũ lực, chì chiết con trẻ.

Thay vì nổi đóa hay chì chiết, cha mẹ nên làm gì khi đồng hành cùng con trẻ trên mạng? - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

1- Biết con làm gì, tham gia cùng con

Trên thực tế, không gian mạng có vô số các nền tảng, ứng dụng con trẻ sử dụng, phụ huynh đôi khi chưa thực sự hiểu hết mục đích. Ngày nay, cha mẹ cũng dành không ít thời gian trên Internet, vậy nên việc tìm hiểu đúng và đủ những gì con đang trải qua là hoàn toàn khả thi và rất cần thiết. Con trẻ chưa đầy đủ nhận thức để lường trước toàn bộ những lỗ hổng trên mạng. Là người thân cận nhất với con, việc cha mẹ có đủ kiến thức để chia sẻ, hỗ trợ con khi sử dụng các nền tảng số vừa mang ý nghĩa giáo dục, vừa tạo sự kết nối, trao đổi giữa cha mẹ - con cái.

Theo bà Nguyễn Phương Linh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững MSD, trong các trường hợp cụ thể, phụ huynh có thể trực tiếp tham gia không gian số cùng trẻ vị thành niên (trên thực tế, đã có nhiều người lớn thực hiện). Nếu được, việc cùng con em thực hiện các thử thách, quay video, khám phá ứng dụng… sẽ mang lợi ích tốt hơn Bằng cách đó, cha mẹ sẽ nhận được sự tin tưởng từ con cái, gia tăng sự thân mật của gia đình trên không gian mạng. Không thể kiểm soát 100%, nhưng với phương pháp này, con trẻ phần nào sẽ mở lòng hơn với bố mẹ, và chủ động chia sẻ các khó khăn.

2. Lắng nghe con, đừng bịt mắt con

Việc càng hiểu con làm gì trên mạng, cách nền tảng hoạt động ra sao sẽ càng giúp phụ huynh lắng nghe con dễ dàng hơn, được biết đến những khó khăn, khúc mắc của con. Trước nhiều vấn đề nhạy cảm, các phụ huynh Việt có xu hướng né tránh, thậm chí là cấm cản, kiểm soát thái quá. Hành vi này là một con dao hai lưỡi. Tiến sĩ Vũ Thu Hương (giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội) cho biết: “Nhiều người lớn thường có quan niệm ‘vẽ đường cho hươu chạy’ và đây là tư tưởng cực kỳ sai lầm. Cha mẹ nên công khai tất cả với con, ví dụ như con tò mò về phim nóng, hãy tổ chức buổi họp gia đình thẳng thắn về vấn đề này... Hãy cởi mở trong việc giáo dục giới tính, để con hiểu rằng tìm hiểu những chuyện 18+ khi chưa đủ 18 tuổi là chuyện hết sức bình thường”.

Thay vì nổi đóa hay chì chiết, cha mẹ nên làm gì khi đồng hành cùng con trẻ trên mạng? - Ảnh 4.

Cùng quan điểm về việc cởi mở, thẳng thắn với con cái, Chuyên gia tâm lý - TS Trần Thành Nam chia sẻ: “Phụ huynh nên trang bị năng lực an toàn thông tin để bảo vệ con trước những nguy cơ trên mạng. Nhiều người vô tư đưa hình ảnh, thông tin cá nhân của con, người thân lên mạng mà không hiểu rằng điều này có thể là nguy cơ mất an toàn rất lớn. Hay nhiều người cố tình đưa những hình ảnh xấu xí, trải nghiệm xấu hổ lên chỉ để cho vui mà không quan tâm đến lòng tự trọng, cảm xúc khó chịu của con. Sau này, con sẽ càng giấu giếm để tự tìm hiểu các vấn đề mình muốn quan tâm mà phụ huynh khó phát hiện”.

3. Sử dụng hiệu quả các công cụ hỗ trợ bảo mật trên mạng

Internet ngày nay muôn hình vạn trạng, nhưng các hình thức an toàn thông tin, các công cụ hỗ trợ bảo mật cũng ngày được phát triển để hỗ trợ phụ huynh nói riêng và người dùng nói chung tự bảo vệ mình và trẻ em. Điển hình với TikTok - nền tảng video ngắn được giới teen ưa chuộng, có hẳn một ​​Trung tâm Kiến thức Kỹ thuật số cung cấp thông tin tích hợp, tập trung tất cả các sáng kiến giáo dục về sức khỏe tinh thần, an toàn mạng, sự an toàn của trẻ vị thành niên.

Ngoài ra, các chiến dịch, hội thảo, diễn đàn về an toàn thông tin, các biện pháp bảo vệ, đồng hành cùng con em trên không gian số như #VaccineSo hay cuộc thi Học sinh với An toàn thông tin 2022 (do Hiệp hội An toàn Thông tin Việt Nam (VNISA), Bộ Thông tin và Truyền Thông (MIC), Bộ Giáo dục và Đào Tạo (MOET), Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (MOLISA) đồng tổ chức) cũng là một nguồn tham khảo bổ ích. Phụ huynh hoàn toàn có thể tham gia, đồng thời khai thác các công cụ trên các nền tảng để giúp con em sử dụng Internet an toàn.

Thay vì nổi đóa hay chì chiết, cha mẹ nên làm gì khi đồng hành cùng con trẻ trên mạng? - Ảnh 5.

Ảnh minh hoạ

4. Giữ cho con “bận rộn”, tạo ranh giới

Ngoài những phương pháp can thiệp trực tiếp trên không gian số, cha mẹ có thể giúp con cái giảm tải thời gian phụ thuộc vào thiết bị điện tử bằng cách giữ con “bận rộn” bằng các hoạt động bên ngoài. Biện pháp này hữu hiệu với cả người lớn, được các chuyên gia khuyến khích. Đó có thể là các hoạt động như dọn dẹp nhà cửa, thổi cơm, tưới cây, chơi thể thao (cùng con hoặc đưa con đến các CLB), đi mua sắm… Ngay cả trong bối cảnh đại dịch, các công việc nhà vẫn hoàn toàn có đủ để giúp con phân tán khỏi Internet.

Chuyên gia giáo dục, Giám đốc Học viện Thành Công - TS. Vũ Việt Anh cho biết, ranh giới giữa việc dạy con và việc xâm phạm quyền riêng tư của con cái rất mong manh. “Để tránh được trường hợp đó thì mỗi gia đình cần có một quy luật gia đình rõ ràng. Như xưa các cụ hay dạy là ‘Quốc có quốc pháp, gia có gia quy’ (một đất nước muốn phát triển được phải có pháp luật để kiểm soát). Một gia đình cũng vậy, muốn phát triển tốt được phải có quy định trong gia đình. Quy định này sẽ được lập từ cả bố mẹ, con cái cùng đưa ra ý kiến và quyết định. Chúng ta sẽ dùng quy định chung đó để mà hành xử và tuân theo.

Như ở gia đình tôi thì tôi đều cho các con được dùng điện thoại hay máy tính nhưng sẽ sử dụng theo khung giờ, và nếu có trường hợp bố mẹ đến kiểm tra đột xuất thì các con không được phép chuyển sang màn hình khác, hoàn toàn phải giữ nguyên hiện trạng thông tin mình đang xem để thể hiện tính trung thực”, TS. Vũ Việt Anh chia sẻ thêm.

Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, việc giáo dục con trẻ chưa bao giờ là dễ dàng, nhất là trong bối cảnh thời đại số tiên tiến, giới teen làm chủ công nghệ. Nhưng không vì thế mà phụ huynh “buông thả", lơ là, hay có những biện pháp cấm đoán, chì chiết con cái. Sự tiêu cực chỉ càng gia tăng thêm sự xa cách trong các thế hệ của gia đình.

Thay vì nổi đóa hay chì chiết, cha mẹ nên làm gì khi đồng hành cùng con trẻ trên mạng? - Ảnh 6.

Chuyên gia giáo dục, Giám đốc Học viện Thành Công - TS. Vũ Việt Anh (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Nguồn: Tổng hợp

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại