Mở rộng cầu Sông Hàn?
Đầu năm 2016, tôi viết loại bài loạt bài phản ánh tại cuộc họp lấy ý kiến do Ủy ban MTTQ Việt Nam và Liên hiệp các Hội KHKT TP. Đà Nẵng tổ chức, hàng loạt chuyên gia trong và ngoài TP đã chỉ ra những bất ổn của đồ án xây dựng hầm chui quan Sông Hàn mà Công ty CP tư vấn thiết kế Cầu lớn - Hầm (BRITEC, thuộc Tổng Công ty tư vấn thiết kế GTVT – Bộ GTVT) đưa ra.
Được khởi công xây dựng năm 1998, hoàn thành năm 2000 khi Đà Nẵng mới tách tỉnh, nguồn lực còn hạn chế nên cầu Sông Hàn chỉ rộng chưa tới 13m. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ kết nối hai bờ sông, nay cầu Sông Hàn lại đang trở thành "nút thắt cổ chai" trên trục giao thông huyết mạch nối trung tâm TP Đà Nẵng ra biển (Ảnh: HC)
Trong một lần trò chuyện với một doanh nhân đang hoạt động nhiều ở Đà Nẵng, một cách ngẫu hứng, tôi nói, nếu có quyền tôi sẽ tháo dỡ cây cầu Sông Hàn hiện hữu để xây cây cầu mới rộng gấp đôi, hoặc chí ít cũng bằng khổ đường Lê Duẩn và với tĩnh không lớn hơn. Như vậy sẽ đảm bảo thông thương giữa hai bờ sông Hàn ngay khu vực trung tâm TP, tàu thuyền du lịch qua lại bình thường mà không cần phải xây thêm hầm hay cầu gì cả.
Cứ ngỡ nói cho vui, không ngờ ý kiến của tôi được tán đồng. Vị doanh nhân ấy cho rằng năm 1998, Đà Nẵng mới tách tỉnh, nguồn lực còn hạn chế nên chỉ có thể làm được cầu Sông Hàn
Sau đó, tôi đem ý tưởng này trao đổi với luật sư Đỗ Pháp (Trưởng Văn phòng Luật sư Đỗ Pháp, Đoàn Luật sư Đà Nẵng) nhưng bị phản đối kịch liệt. Theo ông, cầu Sông Hàn không chỉ là một công trình giao thông, một điểm nhấn cho sự bứt phá phát triển của Đà Nẵng sau khi chia tách tỉnh mà hơn thế, còn là biểu tượng văn hóa, lịch sử của TP này trong thời kỳ mới, mang đậm dấu ấn người con ưu tú của TP là ông Nguyễn Bá Thanh. Vì vậy, muốn xây thêm hầm hay cầu gì thì tùy, nhưng ông kịch liệt phản đối việc “đụng” vào cầu Sông Hàn.
Một số người khác cho rằng cầu Sông Hàn là cây cầu quay duy nhất ở Việt Nam. Nếu xây một cây cầu khác lớn hơn sẽ không còn cầu quay nữa, như vậy là làm mất đi “đặc sản” của Đà Nẵng đối với khách du lịch. Một số khác lại đặt vấn đề ở hai đầu cầu Sông Hàn hiện đã mọc lên nhiều dự án cao tầng, nếu xây cầu mới hay mở rộng cầu hiện có chẳng lẽ phải giải tỏa các dự án đó đi? TP lấy đâu ra kinh phí để làm?...
Riết một hồi tôi cũng... cất luôn ý tưởng của mình, chẳng dám đem ra trao đổi thêm với ai. Không ngờ tại hội thảo “Đà Nẵng – 20 năm quy hoạch và phát triển đô thị” sáng 17/12, KTS Hoàng Sừ lại đưa ra đề xuất “không nên xây hầm qua sông Hàn tốn 4.000 – 5.000 tỉ đồng mà nên dành kinh phí đó mở rộng gấp đôi cầu Sông Hàn và làm tất cả các nút giao khác mức ở các đầu cầu, ở hai đầu đường Nguyễn Văn Linh, Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương...”.
“Chính cầu Sông Hàn mới là trục giao thông chính, có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông lớn nhất và xứng đáng để mở rộng. Tôi tin nếu làm việc đó ngay từ bây giờ thì việc ùn tắc giao thông ở Đà Nẵng sẽ được giải quyết ngon lành chứ chẳng có vấn đề gì phải bỏ 4.000 tỉ ra làm cái hầm đó rất lãng phí!” – KTS Hoàng Sừ nói.
Tôi tin một KTS vốn là người từ Đà Nẵng được phân công vào Quảng Nam công tác khi chia tách tỉnh năm 1997, nguyên Viện trưởng Viện quy hoạch xây dựng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, Chủ tịch Hội KTS Quảng Nam có cơ sở để đưa ra một đề xuất như vậy. Và tôi cũng tin việc cầu Sông Hàn trở thành lực cản sự phát triển của Đà Nẵng chắc chắn không phải là tâm nguyện của ông Nguyễn Bá Thanh.
Nâng tải trọng cầu Thuận Phước lên gấp 3?
Cũng tại hội thảo “Đà Nẵng – 20 năm quy hoạch và phát triển đô thị” sáng 17/12, ông Trần Dân, Phó Chủ tịch Hội KHKT Cầu đường Đà Nẵng cho hay, cầu Thuận Phước nối cảng Tiên Sa qua đường Nguyễn Tất Thành ra phía Bắc và ngược lại rất tiện lợi. Tuy nhiên quy hoạch chung TP Đà Nẵng vào thời điểm xây cầu Thuận Phước lại quy hoạch luồng hàng từ phía Bắc ra vào cảng này đi theo cầu Tiên Sơn chứ không nghĩ phương án đi qua cầu Thuận Phước.
“Khi đó tôi có đề nghị lãnh đạo TP nghiên cứu làm cầu Thuận Phước kết hợp cả vận tải và chứng minh ở Thổ Nhĩ Kỳ đã làm cầu dây võng qua eo biển cho 6 làn xe ô tô vận tải và người ta thu phí rất có lợi. Anh Nguyễn Bá Thanh giao Sở GTVT, Văn phòng UBND TP nghiên cứu ý kiến của tôi, nhưng sau đó ra Hà Nội thì Cục trưởng Cục Giám định công trình giao thông Nguyễn Ngọc Long lại nói đồ án do Công ty 533 và Trung Quốc thiết kế như vậy là tốt rồi, và đóng dấu vào.
Vì vậy mà Đà Nẵng chỉ làm được cầu Thuận Phước có tải trọng H10, chỉ là cầu du lịch chứ xe tải không qua được. Trong khi cầu Thuận Phước đã chiếm vị trí hết sức thuận lợi cho một cây cầu vận tải, nên bây giờ TP hết sức lúng túng. Xe tải từ cảng Đà Nẵng phải đi xuyên TP để qua cầu Tiên Sơn, gây rất nhiều hệ lụy về ách tắc, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, mất cảnh quan đô thị, ảnh hưởng đến tuyến đường du lịch!” – ông Trần Dân cho hay.
Trước đó, hồi thàng 7/2016, khi tôi tham khảo ý kiến về việc Đà Nẵng tổ chức thi tuyển quốc tế phương án xây dựng công trình giao thông vượt sông Hàn, nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng (tác giả đầu Rồng của cầu Rồng) cho rằng, thay vì xây thêm công trình vượt sông Hàn thì nên tổ chức lại giao thông để giải quyết ùn tắc cục bộ ở đầu cầu Rồng, cầu Sông Hàn; nâng tải trọng cầu Thuận Phước để góp phần tạo động lực phát triển cho phía Bắc quận Sơn Trà...
Theo ông, với kỹ thuật hiện đại hiện nay hoàn toàn có thể “giải cứu” cầu Thuận Phước thành cầu cho xe tải trọng lớn hơn lưu thông, như thế sẽ tăng khả năng kết nối giữa hai bờ sông Hàn ở khu vực này. Còn nếu xây thêm công trình qua sông Hàn ở nút giao thông đường Đống Đa nối qua đường Vân Đồn thì cũng đồng nghĩa với “bức tử” cầu Thuận Phước, sẽ không còn ai qua lại cây cầu này nữa. Và đó là sẽ một sự lãng phí ghê gớm.
Ngay lúc đó tôi đem điều này hỏi thêm ông Văn Hữu Chiến (kỹ sư kết cấu xây dựng, tốt nghiệp Đại học Cầu đường tại Moscow, Nga; nguyên Giám đốc Sở GTVT, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng) và cũng được ông cho biết, với trình độ kỹ thuật, công nghệ hiện nay hoàn toàn đủ sức nâng tải trọng cầu Thuận Phước, ít tốn kém hơn nhiều so với xây một công trình giao thông mới qua sông Hàn.
Theo tính toán sơ bộ của ông Văn Hữu Chiến, kinh phí nâng tải trọng cầu Thuận Phước lên H30 cho xe tải lưu thông vào khoảng 1.500 - 2.000 tỉ đồng. Tôi không phải một nhà kỹ thuật, càng không am hiểu gì về cầu đường, nhưng tôi tin kinh phí để mở rộng gấp đôi cầu Sông Hàn không thể lớn hơn kinh phí nâng tải trọng cầu Thuận Phước lên gấp 3 lần. Thậm chí nếu có cao hơn chút ít thì tổng kinh phí để nâng cấp, mở rộng cả hai cây cầu này cũng chỉ trên dưới khoảng kinh phí hơn 4.000 tỉ mà Đà Nẵng dự định xây dựng hầm qua sông Hàn mà thôi.
Vậy thì sao không thử đặt vấn đề nghiên cứu nâng tải trọng cầu Thuận Phước và mở rộng cầu Sông Hàn. Nếu làm được điều đó thì thứ nhất là các vấn đề về ách tắc giao thông ở khu vực trung tâm TP, hoạt động của xe tải ra vào cảng Đà Nẵng... sẽ được giải quyết nhanh hơn nhiều so với thời gian xây hầm qua sông Hàn.
Thứ hai là không cần đến cái hầm mà các chuyên gia đã chỉ ra rất nhiều bất cập, và BRITEC đã 3 lần trình phương án vẫn không đạt yêu cầu. Thứ ba việc xây dựng cảng Liên Chiểu cũng không trở nên quá cấp thiết nữa...