Thay vài cái bóng điện, mất... 20 triệu đồng

Chân Luận |

Mỗi năm doanh nghiệp nhỏ chỉ hỏng vài chiếc bóng điện nhưng phải tốn gần 20 triệu đồng để... ký hợp đồng với một công ty có chức năng xử lý.

Đã có hàng trăm kiến nghị của các hiệp hội và doanh nghiệp (DN) gửi tới Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng như các bộ, ngành trước cuộc gặp giữa Thủ tướng với cộng đồng DN diễn ra ngày 17-5.

Thay vài bóng điện mất 20 triệu

Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Dịch vụ và Đầu tư Việt Nam được Bộ TN&MT cho phép khai thác mỏ cát thạch anh Hòa Bình thuộc xã Phong Hòa và Phong Bình, huyện Phong Điền, Thừa Thiên-Huế với công suất khai thác quy định là 185.125 tấn/năm.

Tuy nhiên, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế lại giới hạn sản lượng khai thác năm 2015 chỉ 40.000 tấn/năm và năm 2016 tăng lên mức 50.000 tấn/năm. Từ thực tế trên, công ty này kiến nghị phải có sự thống nhất từ trung ương tới địa phương chứ không nên “trên một đằng, dưới một nẻo”.

Trong khi đó Hiệp hội DN quận Hải An, TP Hải Phòng đề nghị Nhà nước cần phải cụ thể hóa chính sách môi trường cho từng loại DN.

“Bóng đèn chiếu sáng cháy là một dạng chất thải nguy hại, mỗi năm DN nhỏ chỉ hỏng vài chiếc, không bằng một trụ sở của UBND phường. Thế nhưng cũng phải mất gần 20 triệu đồng để ký hợp đồng với một công ty có chức năng xử lý” - kiến nghị của hiệp hội này cho hay.

Hợp đồng 20 triệu đồng này không chỉ áp dụng với việc thay vài chiếc bóng điện, mà còn áp dụng cho cả các cơ sở sản xuất cơ khí khi đo nồng độ không khí, nước thải. “Còn rất nhiều thủ tục khác nữa mà DN phải chịu” - hiệp hội này khẳng định.

Còn một nghịch lý khác mà hiệp hội này nêu ra. Đó là DN sai thì bị các cơ quan công quyền phạt nhưng khi các cơ quan công quyền sai thì chẳng bao giờ làm ngược lại.

“Nộp thuế chậm thì bị phạt nhưng khi có quyết định sai của cục thuế hay DN nộp nhầm số tiền lớn hơn nhiều so với thực tế thì không bao giờ được hoàn trả” - Hiệp hội DN quận Hải An dẫn chứng.

Hiệp hội DN tỉnh Thanh Hóa, nơi đã nổi tiếng với những vụ việc DN bị thủ tục “hành là chính” chỉ thẳng căn bệnh của cán bộ, công chức:

“Một bộ phận cán bộ, công chức có thái độ chưa đúng mực, thiếu hiểu biết pháp luật, cứng nhắc, thiếu sự vận dụng về chính sách. Do vậy những kiến nghị về khó khăn, tồn đọng của DN không được giải quyết kịp thời, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh của DN”.

Mỗi năm tiếp 10 đoàn thanh tra

Ngoài những kiến nghị cụ thể liên quan đến khó khăn của DN, các hiệp hội, DN cũng kiến nghị Chính phủ về nhiều chiến lược. Chẳng hạn Hiệp hội DN tỉnh Vĩnh Phúc kiến nghị Chính phủ cần tăng cường các giải nháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Cụ thể là hết sức tránh tình trạng “bảo thủ”, “lợi ích ngành” khi ban hành cơ chế, chính sách; hết sức tránh tình trạng bao biện “giải thích” nhiều mà “không giải quyết”.

Hiệp hội Du lịch Việt Nam kiến nghị Chính phủ tiếp tục xem xét miễn visa cho công dân các nước là thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam. Một số quốc gia hiệp hội này đề nghị bổ sung vào danh sách miễn visa là Ấn Độ, Úc, Canada và các nước Đông Âu.

“Việc miễn visa cho công dân các quốc gia này sẽ góp phần tăng nhanh lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 18-20 triệu vào năm 2020” - Hiệp hội Du lịch ước tính.

Ngoài biện pháp này, Hiệp hội Du lịch Việt Nam còn kiến nghị tất cả địa phương điều chỉnh quy định về thời gian vui chơi giải trí ở các khu công cộng cũng như các dịch vụ vui chơi giải trí trong cơ sở lưu trú du lịch, cho phép được mở tối thiểu đến 2 giờ sáng.

“Đây là nhu cầu chính đáng của khách du lịch đồng thời cũng là biện pháp giúp kéo dài thời gian lưu trú và tăng chi tiêu của khách” - hiệp hội này lý giải.

Nhận xét tổng quát về các kiến nghị của hiệp hội và DN, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho hay kể từ hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp DN tháng 4-2016 đến nay đã có trên 1.098 kiến nghị của cộng đồng DN đã được tiếp nhận và chuyển tới các cơ quan nhà nước. Trong đó đã có 850 kiến nghị được xử lý, giải quyết, trả lời, đạt tỉ lệ 77,4%.

“Các kiến nghị chưa được xem xét, giải quyết chủ yếu là các kiến nghị chung về môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, sửa đổi pháp luật, cơ chế chính sách đang được các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu, giải quyết” - ông Lộc nói.

Nhận định về tình hình phát triển DN sau một năm thực hiện Nghị quyết 35, VCCI đánh giá hoạt động hỗ trợ DN tuy đã được tăng cường nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của DN. Tình trạng DN than phiền về việc các thủ tục hành chính chậm trễ, gây khó khăn, phiền hà cho DN vẫn còn nhiều.

“Nhiều địa phương vẫn chưa thực hiện đúng yêu cầu thanh tra, kiểm tra một lần/năm như Nghị quyết 35 đã đề ra. DN một năm phải tiếp 6-7 đoàn thanh tra, kiểm toán, thậm chí trên 10 đoàn, chưa kể các đợt kiểm tra không chính thức” - VCCI phản ánh.

Nộp thuế cao hơn hai lần Singapore

VCCI cho biết trong số các nghiên cứu, khảo sát thì khảo sát về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới xem xét nhiều các vấn đề về chi phí kinh doanh nhất.

Theo đó, chi phí kinh doanh ở Việt Nam về cơ bản đang ở mức cao so với các nước trong cùng khu vực như Singapore cũng như Malaysia. Xếp hàng đầu là chi phí tiếp cận điện năng của Việt Nam cao gấp gần 49 lần so với Philippines.

Chi phí nộp thuế ở Việt Nam cao hơn nhóm ASEAN 4, chiếm 39,1% lợi nhuận. Chi phí này gấp hơn hai lần so với Singapore. Chi phí tuân thủ chứng từ xuất khẩu cũng ở mức cao nhất, gấp gần bốn lần Singapore và hơn ba lần Philippines.

Bên cạnh đó, chi phí về logistics vẫn chiếm tỉ trọng cao trong cơ cấu chi phí kinh doanh của các DN. Báo cáo của VCCI so sánh: Chi phí vận chuyển một container hàng từ cảng Hải Phòng về Hà Nội và ngược lại (khoảng 100 km) gấp ba lần so với chi phí vận chuyển một container hàng từ Trung Quốc và Hàn Quốc về Việt Nam.

Đó là chưa kể các chi phí không chính thức, hay còn gọi là "chi phí ngoài luồng", "chi phí lót tay".

"Vấn đề chi phí cao làm giảm năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam" - VCCI nhận xét.

____________________________________

Tôi nghĩ hội nghị năm ngoái cũng như năm nay không phải tập trung chính vào giải quyết bức xúc, khó khăn cụ thể của DN mà đưa ra các giải pháp phát triển DN. Đó là nhiệm vụ trọng tâm. Tất nhiên trong đó có việc phải giải quyết những vướng mắc, khó khăn của DN.

Ông LÊ MẠNH HÀ, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại