Nhân vật được nhiều chị em phụ nữ ngưỡng mộ nói trên chính là bà Shahana Begum, 42 tuổi, sống tại quận Shahjahanpur, bang Uttar Pradesh, Ấn Độ. Mọi người cũng thường gọi bà với biệt danh thân mật "Bandookwali Chachi" hay "người cô cầm súng".
Chân dung bà Shahana Begum, người phụ nữ được kính trọng nhất quận Shahjahanpur, Ấn Độ.
Năm 1999, chồng bà Begum qua đời và để lại bốn đứa con thơ bé cho người vợ chăm sóc. Dù vừa tròn 25 tuổi nhưng bà đã phải một tay nuôi nấng các bé trai nghịch ngợm, trong đó đứa nhỏ nhất mới chỉ được ba tháng tuổi.
Do sinh sống trong khu vực với phần đông là nam giới, bà mẹ trẻ bỗng cảm thấy không an toàn cho chính mình cũng như những đứa con bé bỏng.
Ngoài ra, vì chẳng nhận được bất cứ sự giúp đỡ nào từ phía dân làng nên bà luôn sợ hãi mỗi khi phải đi mua quần áo, lương thực hay các nhu yếu phẩm khác.
Bà Begum từng có ý định trông chờ vào lực lượng cảnh sát nhưng rồi lại từ bỏ bởi họ luôn phớt lờ trước yêu cầu hỗ trợ từ phụ nữ trong vùng.
"Một cô gái gần nhà tôi đã phải tự tử do quá tuyệt vọng sau khi bị cảnh sát từ chối giúp đỡ. Tôi không muốn mình hay bất cứ ai phải gặp nguy hiểm nữa", bà Begum cho biết.
Bà mẹ bốn con đã quyết định tự bảo vệ chính mình bằng một khẩu súng lớn. Trước đây, cha và chồng của Begum đều đã từng sở hữu súng nên việc sử dụng chúng cũng không phải là quá khó với một người phụ nữ như bà.
Bà mẹ bốn con trở thành "chuyên gia" súng ống
Cuối năm 1999, ngay sau khi nhận được giấy phép sở hữu và sử dụng súng đạn, bà Begum đã dùng tiền tiết kiệm để mua khẩu súng đầu tiên với giá 15.000 rupee (tương đương hơn 5 triệu đồng).
Bà mẹ bốn con sở hữu khẩu súng hợp pháp đầu tiên vào năm 25 tuổi.
Ban đầu, nhiều người cảm thấy rất khó chịu khi một người phụ nữ trẻ như bà Begum lại sở hữu một khẩu súng và thường xuyên luyện tập ở những khoảng đất trống sau nhà.
"Tôi không hề quan tâm tới những lời họ nói. Tôi chỉ cần đảm bảo an toàn cho chính bản thân cùng gia đình của mình mà thôi", bà Begum khẳng định.
Dần dần, mọi người cũng bắt đầu làm quen với điều này và một số phụ nữ sinh sống xung quanh đã tìm đến bà để nhờ giúp đỡ.
Mặc dù chưa thực sự nổ súng vào bất cứ ai nhưng mọi người đều không dám bỏ qua sự hiện diện của bà Begum, kể cả lực lượng cảnh sát hay các quan chức địa phương.
Hình mẫu lí tưởng của rất nhiều phụ nữ trong vùng
Hiện nay, bà Begum đã trở thành một nhân vật nổi tiếng và được mệnh danh là hình mẫu lí tưởng của phái nữ trong vùng.
Nhờ có sự hiện diện của bà mà số lượng những vụ tấn công tình dục nhằm vào các cô gái tại đây đã giảm đi đáng kể, một việc mà lực lượng cảnh sát khó có thể thực hiện được.
"Khi gặp khó khăn, chúng tôi không muốn tìm tới cảnh sát nữa. Chỉ có bà Begum mới luôn sẵn sàng lắng nghe và giúp đỡ mọi người mà thôi", nhiều cô gái chia sẻ.
Nếu gặp phải những vấn đề nghiêm trọng và bắt buộc phải có sự can thiệp của cảnh sát, bà Begum đã cùng những người phụ nữ khác ghé tới các cơ quan chức năng để thúc giục họ nhanh chóng giải quyết vụ việc.
Người phụ nữ này chưa bao giờ nổ súng thực sự với bất kì ai nhưng vẫn khiến nhiều người dân trong vùng phải tỏ ra nể sợ.
Ví dụ như năm 2013, sau khi được người dân nhờ giúp đỡ, bà Begum đã mang súng đi "hỏi thăm" nhà của những kẻ tình nghi và giải cứu thành công một cô gái bị bắt cóc và hiếp dâm suốt hai ngày.
Với "vũ lực" trong tay, người phụ nữ mạnh mẽ đã áp giải ba kẻ phạm tội tới cơ quan cảnh sát, sau đó tiếp tục gây sức ép để bắt kẻ đầu sỏ phải cưới nạn nhân làm vợ.
Khi nhàn rỗi, bà Begum thường đi tới những khu vực lân cận để trao đổi cũng như khuyến khích phái yếu hãy đứng lên đấu tranh vì quyền lợi của mình.
"Nếu tiện tay, tôi sẵn sàng giúp họ giải quyết những vấn đề trong phạm vi cho phép như tranh chấp đất đai, tranh chấp nguồn nước, tranh chấp của hồi môn hay quấy rối tình dục".
Bà Begum còn lên tiếng giúp đỡ những đối tượng yếu thế tại "tòa án nhảm nhí" – cách mà nhiều lãnh đạo Ấn Độ dùng để miêu tả về các hội đồng địa phương được lập ra một cách tự phát.
Hơn 20 năm nay, bà Begum luôn mang súng đi "hỏi thăm" những kẻ có hành vi xấu xa đối với phụ nữ trong vùng.
Sehra Banu, một cô gái 20 tuổi sống gần nhà Begum cho biết: "Tôi đã nghe nói về việc những cô gái bị quấy rối tình dục, thậm chí bị hiếp dâm tại những vùng lân cận nhưng không phải tại đây.
Không một nam thanh niên nào dám xúc phạm chúng tôi, vì họ sợ "Bandookwali chachi". Bà ấy là người đã giúp đỡ chúng tôi. Nhờ bà mà chúng tôi có thể yên tâm học tập và làm việc. Tôi sẽ không bao giờ rời khỏi đây vì không nơi nào có một người bảo vệ liêm chính như bà Begum".
Uttar Pradesh là một trong những bang đông dân nhất Ấn Độ đang gặp nhiều vấn đề liên quan tới hiếp dâm và tấn công tình dục.
Trong khoảng thời từ năm 2014 đến 2015, số vụ hiếp dâm được trình báo tại bang này đã tăng từ 3.467 vụ lên thành 9.075 vụ. Chỉ trong ba quý đầu năm 2016, số vụ hiếp dâm được trình báo đã lên tới 11.012 vụ, trong khi số vụ quấy rối tình dục cũng chạm ngưỡng 4.520 vụ.
Nhiều phụ nữ thường xuyên tới nhà bà Begum để nhờ cậy giúp đỡ và tâm sự mọi khó khăn trong cuộc sống thường ngày.