Việc giữ gìn đồ của con trẻ luôn là vấn đề "đau đầu" của mỗi bậc phụ huynh. Và để tình trạng mất đồ dùng cá nhân không xảy ra thường xuyên, cha mẹ có những cách để hạn chế tình trạng này.
Theo tờ Sohu , một giáo viên mầm non tại Trung Quốc đã bày tỏ sự ngưỡng mộ trước cách bảo quản đồ dùng học tập của con do một phụ huynh trong lớp nghĩ ra. Theo đó, trong một lần kiểm tra đồ dùng cá nhân của học sinh, cô giáo này đã tình cờ nhìn thấy một sợi dây thừng trong cặp đi học của một em học sinh. Vì quá tò mò, giáo viên đã kéo sợi dây ra xem thử nó là gì.
Hóa ra, sợi dây mà giáo viên vừa kéo ra ở đầu bên kia có buộc một cục tẩy. Không phải nói cũng biết, các em học sinh ở độ tuổi này trường khá mải chơi, chưa biết cách giữ đồ đạc của mình. Nhiều món đồ dùng học tập, phụ huynh mới mua hôm trước hôm sau các em đã làm mất. Điều này khiến cha mẹ khá đau đầu, đặc biệt là những món đồ có kích thước nhỏ như cục tẩy, chiếc bút thì việc thất lạc xảy ra vô cùng thường xuyên.
Người mẹ này đã buộc sợi dây vào cục tẩy của con như là cách để nhắc nhở con phải giữ gìn đồ cẩn thận, ngoài ra nó còn giúp hạn chế tối đa khả năng bị rơi mất. Cách xử lý khéo léo của người mẹ này khiến vấn đề đau đầu của phụ huynh được giải quyết phần nào.
Sau khi biết sự tình, cô giáo đã nhắn tin tỏ lòng ngưỡng mộ với người mẹ này.
Phụ huynh nên làm gì nếu con thường xuyên làm mất đồ dùng cá nhân?
Khi trẻ thường xuyên làm mất đồ dùng cá nhân, đây không chỉ là vấn đề về vật chất mà còn phản ánh phần nào kỹ năng tổ chức và trách nhiệm của trẻ. Đối mặt với tình huống này, phụ huynh cần hành động một cách nhẹ nhàng nhưng kiên quyết để giúp con học cách quản lý tốt hơn đồ dùng của mình.
Trước hết, phụ huynh cần phải là một tấm gương tốt. Trẻ em thường học hỏi thông qua việc quan sát, do đó, nếu chúng thấy bố mẹ của mình cũng bảo quản đồ đạc một cách cẩn thận và có tổ chức, chúng sẽ dần dần học theo. Bên cạnh đó, việc tạo ra những quy định rõ ràng về việc cất giữ đồ đạc trong nhà sẽ giúp trẻ biết được mỗi vật dụng nên được để ở đâu sau khi sử dụng xong.
Phụ huynh cũng nên thiết lập một số quy tắc cơ bản và nhất quán, như việc kiểm tra ba lô trước và sau khi đến trường, hoặc có một nơi cố định để để chìa khóa, điện thoại. Đồng thời, việc sử dụng bảng kiểm tra hoặc danh sách việc cần làm hàng ngày cũng có thể hỗ trợ trẻ phát triển sự chủ đọng và kỹ năng tự giác của trẻ.
Một "chiến lược" khác là khuyến khích trẻ tự tham gia vào quá trình mua sắm đồ dùng học tập. Khi trẻ được tham gia chọn lựa và tự mình thanh toán (dù là bằng tiền tiết kiệm của chính mình hoặc dưới sự hỗ trợ của phụ huynh), chúng sẽ cảm thấy có trách nhiệm hơn đối với món đồ đó.
Ngoài ra, khi trẻ làm mất đồ, hãy để trẻ tự nghĩ cách giải quyết và học cách chịu trách nhiệm với hậu quả của việc đó, thay vì vội vàng mua thay thế ngay lập tức. Điều này giúp trẻ nhận thức được giá trị của vật dụng cũng như công sức mà bố mẹ đã bỏ ra.
Cuối cùng, phụ huynh cũng nên dành thời gian để trò chuyện và lắng nghe trẻ nói về ngày của mình, trong đó có thói quen sử dụng và bảo quản đồ dùng cá nhân. Việc này không những giúp phụ huynh hiểu rõ hơn về nguyên nhân vì sao trẻ thường xuyên làm mất đồ, mà còn thắt chặt mối quan hệ giữa trẻ và phụ huynh thông qua việc chia sẻ và hỗ trợ nhau.
Bằng cách áp dụng những phương pháp trên, phụ huynh không chỉ giúp trẻ học cách quản lý đồ dùng cá nhân tốt hơn mà còn xây dựng nền móng vững chắc cho sự phát triển kỹ năng sống tự lập của trẻ trong tương lai.
Tổng hợp