Theo đó, một bà mẹ Trung Quốc dẫn theo đứa con chưa đầy 2 tuổi của mình đi dạo quanh khu phố. Tới một đoạn dốc nhỏ có một chiếc xe ô tô đậu sát mép vỉa hè.
Lúc này, người đàn ông đang ngồi phía bên trong ô tô quăng một chiếc chai nhựa đã uống hết nước ra ngoài vỉa hè, nơi hai mẹ con cậu nhóc đang đi bộ.
Thấy hành động vô ý thức của người lạ mặt, cậu bé nhanh chóng chạy đến chỗ chai nhựa và nhặt lên. Thay vì tìm một chiếc thùng rác để bỏ vào, em lại chạy tiếp đến chiếc ô tô của người đàn ông kia và thẳng tay ném lại vào bên trong chiếc ô tô.
Cậu bé 2 tuổi đã có ý thức rất tốt trong việc nên để rác ở đâu sau khi sử dụng, nhất là với các vật phẩm khó phân hủy từ nhựa.
Hành động đầy bất ngờ này khiến người mẹ cũng có đôi chút sửng sốt vì không nghĩ con mình lại "to gan" đến như thế.
Sau khi tự đăng tải đoạn video của con trai, thay vì cho rằng cậu nhóc bất lịch sự khi cho rác vào chiếc xe ô tô, nhiều cư dân mạng lại đồng tình với quan điểm xem đây là hành động đáng được khen ngợi.
Cậu bé không chỉ giúp con đường sạch rác mà lại còn giúp người đàn ông đang ngồi thoải mái trong chiếc ô tô kia phải suy nghĩ lại về hành động của mình và trên hết là ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường của bản thân.
Trước đó, một bé trai có tên là Sun Jiarui (1 tuổi, Sơn Đông, Trung Quốc) cũng khiến mọi người tan chảy khi mẹ bé công khai một đoạn clip quay lại cảnh con nhặt chai nước rỗng ném ở trên vỉa hè và mang trả lại cho "chính chủ".
Khi em bé cùng mẹ đi bộ trên vỉa hè thì đột nhiên từ trong chiếc xe hơi phía trước, người tài xế ném một chai nhựa rỗng lên vỉa hè. Ngay lập tức, Sun Jiarui bước nhanh hơn, tiến lại gần cái chai, cúi xuống nhặt và đưa trao trả nó lại cho người "làm rơi".
Thấy cái chai rơi ra từ trong ô tô, Sun Jiarui nhanh chóng tiến lại gần nhặt lên. Rồi quay sang đưa trả lại cho người tài xế.
Chị Jing Lulu cũng chia sẻ thêm, sau khi được trả cái chai lại cho người tài xế, bé trai chạy lại chỗ mẹ, trong khi người lái xe thì im lặng không nói gì.
Sau khi chị Jing Lulu đăng tải đoạn clip, cư dân mạng đã không ngớt lời khen ngợi hành động của đứa trẻ và ngược lại, người lái xe ẩn danh thì nhận một "cơn mưa" gạch đá.