Thấy ‘mỏ tiền’ để không ở quốc gia láng giềng, các nhà đầu tư Trung Quốc sẵn sàng chi gấp đôi giá thị trường để nắm cơ hội

Anh Dũng |

Theo các chuyên gia trong ngành, nhà đầu tư Trung Quốc là những người sẵn sàng trả giá cao hơn nhiều những người mua khác để sở hữu "món quà" chảy ra từ lòng đất này.

Thấy ‘mỏ tiền’ để không ở quốc gia láng giềng, các nhà đầu tư Trung Quốc sẵn sàng chi gấp đôi giá thị trường để nắm cơ hội - Ảnh 1.

Địa điểm nổi tiếng một thời để hưởng tuần trăng mật ở Nhật Bản hiện đang được hồi sinh nhờ vào đầu tư từ Trung Quốc. Những người trong ngành dự đoán rằng nhiều khách sạn suối nước nóng sẽ được hưởng lợi từ dòng tiền của nhà đầu tư Trung Quốc.

Khách sạn bỏ hoang Tsuruya Ryokan trước đây từng chiếm vị trí đắc địa ở thành phố Atami, cách Tokyo 90 km. Nơi đây từng là thỏi nam châm thu hút khách du lịch nhờ khung cảnh hướng biển và suối nước nóng.

Khi nền kinh tế Nhật Bản sa sút và những cặp đôi lựa chọn Hawaii làm nơi hưởng tuần trăng mật, khách sạn trở thành ngôi sao lụi tàn của Atami.

Vào năm 2017, mọi thứ thay đổi khi một công ty có trụ sở tại Hồng Kông mua lại khách sạn cũ. Họ đã chi 25 tỷ yên (186 triệu USD) để biến công trình xuống cấp thành một khách sạn có 87 phòng, mỗi phòng đều có bồn tắm nước suối nóng ngoài trời. Sau khi được rót tiền, khách sạn Atami Pearl Star đã khai trương vào tháng 9/2022.

Thấy ‘mỏ tiền’ để không ở quốc gia láng giềng, các nhà đầu tư Trung Quốc sẵn sàng chi gấp đôi giá thị trường để nắm cơ hội - Ảnh 2.

Khách sạn Atami Pearl Star

Khách sạn Tsuruya là một trong những khoản đầu tư lớn của người Trung Quốc. Cơ sở này có khả năng sẽ được bán lại cho người nước ngoài khi các nhà nghỉ và khách sạn phải vật lộn với ảnh hưởng của đại dịch. Người mua nhiều khả năng là người Trung Quốc. Theo thông tin trong ngành, những người này sẵn sàng trả gấp đôi giá thị trường để mua chúng.

Ông Yuji Tsuji thuộc Trung tâm Nghiên cứu Khách sạn và Nhà trọ cho biết: “Trong 10 năm nữa, khoảng 40% số nhà trọ Nhật Bản sẽ thuộc sở hữu của người nước ngoài”. Ông cũng lưu ý rằng ngày càng có nhiều chủ của các ryokan, tức nhà trọ truyền thống Nhật Bản, có nhu cầu bán và người Trung Quốc tìm mua ngày càng nhiều.

Theo MSCI Real Assets, người mua ngoại quốc chiếm gần một nửa số giao dịch khách sạn Nhật Bản đã chốt trong năm tính đến tháng 3. Các khách sạn nổi tiếng như Rihga Royal Hotel ở Osaka và Tokyo Hyatt Regency là một trong những nơi đã đổi chủ gần đây.

Ngành du lịch của Nhật Bản đã có sự bùng nổ ổn định từ năm 2012 cho đến khi xảy ra đại dịch. Nhiều ryokan phải vật lộn để thu hút khách du lịch nước ngoài, vì họ đang tụt hậu so với những khách sạn hiện đại hơn, nơi có thêm dịch vụ đặt phòng trực tuyến hoặc dịch vụ đa ngôn ngữ.

Dòng vốn đầu tư của Trung Quốc đổ vào Nhật Bản dự đoán sẽ tăng khi những người giàu có khám phá cơ hội để kiếm tiền hoặc thậm chí là nơi để sinh sống. Gần đây, tỷ phú Jack Ma, người sáng lập Tập đoàn Alibaba Group Holding Ltd., đã dành nhiều tháng ở Nhật Bản sau đợt kiểm soát lĩnh vực công nghệ ở Trung Quốc. Đồng yên yếu và sự ổn định của thị trường đã khiến bất động sản Nhật Bản trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư quốc tế.

Thấy ‘mỏ tiền’ để không ở quốc gia láng giềng, các nhà đầu tư Trung Quốc sẵn sàng chi gấp đôi giá thị trường để nắm cơ hội - Ảnh 3.

Sự quan tâm của các nhà đầu tư Trung Quốc đang tăng lên

Giáo sư Tom Sawayanagi, giảng dạy về quản lý và đầu tư khách sạn, cho biết: “Đối với các nhà đầu tư Trung Quốc, điều quan trọng là phải nắm giữ tài sản ở nước ngoài, trong khi Nhật Bản lại là quốc gia láng giềng. Đó là một lý do khiến họ quan tâm nhiều hơn đến các khách sạn của Nhật”.

Tuy nhiên, giáo sư cảnh báo những người mua rằng họ khó có được bức tranh cụ thể về tình trạng của các ryokan, vì nhiều chủ trọ không giữ các báo cáo tài chính theo tiêu chuẩn ngành. Một rào cản đầu tư khác là niềm tin của người Nhật Bản đối với khách mua là người nước ngoài.

Tại khu nghỉ dưỡng Hakone gần núi Phú Sĩ, một chủ nhà trọ khác cho biết ông rất muốn bán cho một nhà đầu tư Trung Quốc, nhưng lo ngại bị cộng đồng địa phương xa lánh. Con gái ông thậm chí có thể bị bắt nạt ở trường nếu ông làm như vậy.

Tuy nhiên, thành phố Atami đang mở rộng kinh doanh hơn so với các khu vực khác của Nhật Bản, vì thế thành kiến phản đối các nhà đầu tư Trung Quốc cũng phần nào được xoa dịu.

Tham khảo Bloomberg

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại