Việt Nam chi 10 tỷ USD/năm nhập khẩu loại nguyên liệu quan trọng này, Trung Quốc chiếm 60%

Như Quỳnh |

Ngay khi mở cửa trở lại, nhập khẩu mặt hàng này từ Trung Quốc ghi nhận tăng trưởng mạnh.

Việt Nam chi 10 tỷ USD/năm nhập khẩu loại nguyên liệu quan trọng này, Trung Quốc chiếm 60% - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu vải may mặc các loại của Việt Nam trong quý 1 đạt 2,98 tỷ USD, giảm 17% so với quý 1/2022.

Riêng tháng 3/2023 đạt trên 1,27 tỷ USD, tăng mạnh 64% so với tháng 2/2023 và tăng 0,9% so với tháng 3/2022.

Vải may mặc nhập khẩu về Việt Nam có tới 60,5% xuất xứ từ thị trường Trung Quốc, đáng chú ý riêng tháng 3/2023 nhập khẩu từ thị trường này đạt gần 821,37 triệu USD, tăng mạnh 119% so với tháng 2/2023 và tăng 7,9% so với tháng 3/2022.

Việt Nam chi 10 tỷ USD/năm nhập khẩu loại nguyên liệu quan trọng này, Trung Quốc chiếm 60% - Ảnh 2.

Tính chung cả quý 1/2023, nhập khẩu vải may mặc từ Trung Quốc đạt gần 1,81 tỷ USD.

Việt Nam chi 10 tỷ USD/năm nhập khẩu loại nguyên liệu quan trọng này, Trung Quốc chiếm 60% - Ảnh 3.

Trong năm 2022, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam đạt 44 tỷ USD, trong khi mục tiêu đề ra là 47 tỷ USD. Ngoài quần áo, ngành dệt may Việt Nam cũng xuất khẩu vải với 2,13 tỷ USD (tính từ tháng 1/2022 đến hết tháng 10/2022).

Vải sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được gần 50% nhu cầu, khiến mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu hơn 10 tỷ USD vải các loại.

Về phía Trung Quốc, theo dữ liệu của Cục Thống kê Quốc gia, từ năm 2000-2019, các sản phẩm may mặc của Trung Quốc đã tăng từ 7,159 tỷ chiếc lên 24,472 tỷ chiếc, với tốc độ tăng trưởng kép trung bình hàng năm khoảng 6,68%.

Trong thời gian xảy ra dịch bệnh, hoạt động sản xuất của ngành may mặc Trung Quốc bị ảnh hưởng trong một thời gian ngắn, nhưng chuỗi cung ứng đã được khắc phục tương đối nhanh chóng. Năm 2020 do chịu ảnh hưởng của dịch bệnh nên sản lượng sợi, vải và may mặc của các doanh nghiệp quy mô trên tại Trung Quốc lần lượt giảm 8,4%, 15,7% và 7,65% so với cùng kỳ năm 2019. Trong năm 2021, nhờ tình hình phòng chống dịch bệnh trong nước ổn định và thị trường trong và ngoài nước phục hồi, sản lượng sợi, vải và may mặc của Trung Quốc tăng lần lượt là 8,4%, 7,5% và 8,38%.

Bước sang năm 2023, trong tháng 1 và tháng 2, Trung Quốc đã sản xuất được khoảng 5 tỷ mét vải quần áo. Khối lượng sản xuất dệt may hàng tháng luôn ở mức trên 3 tỷ mét.

Các cụm nhà máy sản xuất hàng dệt may tại Trung Quốc tập trung tại các tỉnh thành duyên hải miền đông, tại Triết Giang, Giang Tô, Quảng Đông, Phúc Kiến, Sơn Đông, Hà Bắc. Những tỉnh, thành phố này thích hợp nhất để đặt nhà máy dệt may do các yếu tố giao thông thuận lợi, gần các thành phố lớn, gần cảng trung chuyển lớn đi thế giới. Ngoài ra có hệ thống công nghệ thông tin, thông tin liên lạc và giao thông tốt.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại