Sau hàng chục năm đi dạy, điều khó coi nhất là những bi kịch đã xảy ra với giáo viên, bởi là một giáo viên, tôi thực sự hiểu quá rõ ngọn ngành này, cũng biết quá nhiều về sự bất lực của những giáo viên cấp dưới. Nhưng gần đây, một tin tức vẫn khiến tôi bàng hoàng.
Sáng ngày 9/2 vừa qua, một giáo viên trẻ họ Tào đến từ một trường trung học cơ sở ở thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) đã nhảy lầu tự tử khi mới chỉ ngoài 20 tuổi và mới làm nghề hơn 2 năm. Cái chết thương tâm và nguyên do tự vẫn của thầy Tào đã nhanh chóng trở thành đề tài được tranh cãi sôi nổi khắp các mạng xã hội nước này.
Được biết, thầy Tào là một giáo viên thể dục mới bắt đầu làm việc vào tháng 8/2019. Là một sinh viên đại học mới ra trường, cộng với tính cách hoạt bát, vui vẻ, thầy được các em học sinh quý mến.
Ngay sau khi đứa con trai duy nhất ra đi, bố mẹ của thầy Tào đã lên tiếng tố cáo trên các phương tiện truyền thông, khẳng định nguyên nhân ngọn ngành khiến anh tự vẫn là vì một cái tát của cấp trên. Cụ thể, người thân kể thầy đã bị đối xử bất công, bị chèn ép và bắt nạt ngay từ khi mới vào trường công tác. Sự kiện đỉnh điểm là vào tháng 6/2021, thầy giáo bị chủ nhiệm văn phòng tát công khai trước mặt nhiều đồng nghiệp khác. Kể từ đó, thầy Tào trở nên đa sầu đa cảm, tính cách thay đổi, ngày càng mắc chứng trầm cảm nặng và cuối cùng là đi đến quyết định tiêu cực nhất.
Gia đình treo băng rôn ghi "Một cái tát lấy mất một mạng người" tại trường học để đòi công bằng cho thầy Tào.
Vụ việc đã làm dấy lên không ít tranh luận về nghề giáo tại Trung Quốc. Bên cạnh việc tiếc thương cho thầy giáo trẻ, mọi người lên tiếng cảnh báo về vấn đề chăm sóc sức khỏe tâm lý của các giáo viên. Lâu nay, xã hội chỉ chủ yếu tập trung vào việc bảo vệ tâm lý học sinh nhưng các thầy cô giáo cũng phải gánh chịu rất nhiều áp lực từ nhiều phía: học sinh, nhà trường, phụ huynh.
Bên cạnh đó, vấn nạn trù dập, bắt nạt giáo viên trẻ hoặc giáo viên dạy bộ môn bị coi là phụ như thầy Tào cũng rất phổ biến. Họ thuộc nhóm yếu thế, không có cách bảo vệ quyền và lợi ích của mình và cũng không được quan tâm.
Một số hình ảnh của thầy giáo 28 tuổi
Cũng đã có không ít ý kiến cho rằng thầy giáo trẻ có tâm lý quá yếu, nếu cảm thấy không vui với công việc, tại sao không chọn giải pháp đơn giản là bỏ việc hoặc chuyển công tác thôi? Tại sao thầy không dám đứng lên phản kháng lại thầy chủ nhiệm mà lại lựa chọn cách tiêu cực đến vậy, gây ra nỗi đau cho bố mẹ sinh thành?
Trước nhưng chất vấn này, những người ủng hộ thầy giáo lập luận với những nghề như giáo viên, "nhảy việc" nói thì đơn giản nhưng lại không hề dễ dàng chút nào. Để tìm được một vị trí trong biên chế, các giáo viên phải chịu tỷ lệ cạnh tranh rất lớn, nếu từ bỏ thì cơ hội tìm được việc mới rất khó khăn. Vậy nên họ chỉ có thể âm thầm chịu đựng và bất lực.
Hiện tại, nhà trường đã thành lập tổ điều tra, truy xét việc thầy Tào bị tát và sỉ nhục tại nơi làm việc. Trước sự chú ý lớn của dư luận với vụ việc, cảnh sát cũng đã vào cuộc để điều tra.
Nguồn: 163