Để học sinh tập trung và hoàn thành tốt việc học, nhiều trường ở Trung Quốc không cho mang điện thoại di động tới lớp. Tuy nhiên vẫn có em lén lút mang vào khuôn viên trường. Nếu phát hiện, học sinh đó sẽ bị tịch thu điện thoại.
Mới đây tại một trường cấp 2 ở Hà Nam, Trung Quốc, một thầy giáo giận dữ khi biết học sinh lén mang điện thoại vào trường và đã phản ứng dữ dội bằng cách thẳng tay ném giữa sân trường.
Không những thế, giáo viên này còn quay lại cảnh đó và đăng lên mạng. Hành động của thầy giáo nhanh chóng trở thành cuộc bàn luận sôi nổi trên mạng xã hội.
Thầy giáo vưt điện thoại của học sinh ra giữa sân trường trước sự chứng kiến của rất nhiều học sinh.
Trong đoạn video tự quay, thầy giáo nói: "Tôi không quan tâm đó là điện thoại của ai, các vị phụ huynh hãy xem video này, nếu các vị không vứt điện thoại của con đi, tôi sẽ vứt!".
Qua video có thể thấy lúc đó nam giáo viên rất tức giận. Anh ấy đã vứt chiếc điện thoại hai lần. Sau hai cú vứt mạnh của thầy giáo, chiếc iPhone của học sinh tung nắp lưng và vỡ tan màn hình.
Học sinh có mặt tại hiện trường đều im lặng. Không ai dám lên tiếng, cũng không ai thừa nhận chiếc điện thoại đó là của mình.
Một số dân mạng nhận ra đây là chiếc điện thoại di động trị giá hơn 5.000 nhân dân tệ (khoảng 17 triệu đồng).
Dân mạng cho rằng học sinh mang điện thoại di động đến trường là vi phạm nội quy nhưng hành động vứt điện thoại của thầy giáo cũng vi phạm pháp luật. Việc gây thiệt hại tài sản của người khác vượt quá 5.000 nhân dân tệ sẽ bị phạt tù từ 1 - 3 năm hoặc phải bồi thường tiền.
Một số khác còn nói giáo viên này là kiểu người thích giật gân nên mới có hành động ném điện thoại của học sinh như vậy.
Chiếc iPhone đắt tiền của học sinh bị thầy giáo ném vỡ tan.
Đối mặt với những bình luận trái chiều trên, thầy giáo thẳng thắn chia sẻ: "Nếu không học tập chăm chỉ sẽ ảnh hưởng đến người khác. Một số bậc cha mẹ sẽ đổ lỗi việc không dạy bảo được con là do con đang ở tuổi nổi loạn". Nam giáo viên tin rằng những gì bản thân làm là đúng và việc ném điện thoại di động là lời cảnh cáo với học sinh.
Có quan điểm bày tỏ, phản ứng nghiêm khắc của thầy giáo là chỉ với mục đích muốn học sinh tập trung hơn vào việc học. Tuy nhiên, việc phá hỏng một chiếc điện thoại di động có giá vài nghìn nhân dân tệ nếu phụ huynh khởi kiện, nam giáo viên chắc chắn sẽ phải bồi thường.
Chưa kể cách giáo dục của thầy giáo bị nhiều người phản đối vì có phần bạo lực với những học sinh cấp hai đang ở tuổi nổi loạn.
Lỗi của học sinh là vi phạm quy định nhà trường, mang điện thoại tới lớp nhưng giáo viên cũng không có quyền đập vỡ điện thoại của học sinh như vậy. Với lỗi của học sinh nói trên, thay vì ném điện thoại, thầy giáo có thể làm theo ba cách dưới đây:
Thứ nhất, tịch thu điện thoại di động của học sinh, sau đó trả lại cho phụ huynh học sinh vào cuối học kỳ.
Thứ hai, tạm giữ và đưa cho học sinh mỗi tháng ba, bốn lần để các em liên lạc với phụ huynh.
Thứ ba, tịch thu điện thoại di động và yêu cầu học sinh mời phụ huynh đến trường, cùng nhau thương lượng, giải quyết vấn đề mang điện thoại di động đến trường, yêu cầu các em viết bản kiểm điểm.
Nguồn: 163