Trần Cụ - Thầy dạy của vua
Vào năm Ất Tỵ (1305), vua Trần Anh Tông quyết định sắc phong hoàng tử Mạnh, tức Trần Mạnh, lên làm Đông cung Thái Tử. Lúc ấy Mạnh chỉ mới 5 tuổi, cũng chính vì vậy, việc dạy dỗ, đào tạo thái tử nên người là việc vô cùng quan trọng, cho nên việc tìm được thầy dạy vừa tài năng vừa đức độ được đặt lên hàng đầu!
Bấy giờ, trong triều có 1 viên Độc bạ tên là Trần Cụ, là người có tính tình khoan hậu thật thà, vô cùng cẩn thận lại lắm biệt tài.
Người đời lúc đó biết đến ông với nhiều khả năng khác nhau như đánh đàn, câu cá, bắn nỏ, chơi cầu, môn nào cũng đứng đầu, không đối thủ.
Truyện kể rằng, nhà Trần Cụ ở bao giờ cũng có 2 cửa đối nhau, trong nhà sắp xếp, bày biện mọi thứ lúc nào cũng cân đối ngay ngắn. Con người đến biểu hiện còn như vậy thì tính tình ngay thẳng đến nhường nào? Không những vậy, mỗi khi ông đánh đàn đều luôn cắt đầu dây, buộc lại cho chặt rồi mới thưởng thức! Người khác hỏi, ông đáp:
"Nếu khúc đàn chưa hết mà dây đứt thì làm thế nào?".
Nhưng đâu chỉ cầu toàn, mỗi khi tiếng đàn của ông vang lên, âm thanh trong trẻo, rìu rặt lòng người, không ai nỡ bỏ đi khi khúc nhạc chưa dừng, không ai dám nói câu nào vì sợ phá hỏng tiếng nhạc đẹp mê lòng ấy.
Tương tự với đá cầu, câu cá, bắn nỏ, trong môn nào Trần Cụ cũng rút ra được những nguyên lý riêng để có thể thực hiện tốt nhất. Ví như bắn nỏ, người đời đứng thế nào, bắn thế nào cũng chưa chắc đã trúng hết nhưng một khi ông cầm vào thì luôn giữa hồng tâm.
Trọng tài năng của Trần Cụ, vua Trần Anh Tông chỉ định ông làm thầy dạy cho thái tử Mạnh. Được tin dùng, Trần Cụ hết lòng chỉ dạy cho thái tử từ đạo lý, lễ nghĩa cho đến đạo làm người... Cũng vì thế, sau này khi lên làm vua, tức Trần Minh Tông (1314-1329) rồi làm thái thượng hoàng (1329-1357) thì đều rất xứng đáng.
Tượng Trần Minh Tông
Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư: "...đem văn minh sửa sang trị đạo, làm rạng rỡ công nghiệp người trước, giữ lòng trung hậu, lo xa cho con cháu, trong nước được yên, bên ngoài theo phục, kỷ cương đủ bày...".
Không chỉ lo việc nước từ chốn cung điện nguy nga, Trần Minh Tông còn không quản hiểm nguy, xông pha chiến trường, nhiều lần Nam tiến dẹp loạn Chiêm Thành, Ai Lao. Tất cả những đức độ, khí phách, tài năng đó đến từ 1 phần không nhỏ công lao dạy dỗ của Trần Cụ.
Lời thề độc nhất vô nhị
Trận Cụ, một con người tài năng, đức độ vốn sinh ra tại mảnh đất Cứu Liên, Cửu Cao (hiện tại là xã Cửu Cao, Văn Giang, Hưng Yên) nhưng do một dạo, người dân nơi đây xúc phạm đến ông nên Trần Cụ đã lập lời thề độc sẽ không bao giờ bước chân lên mảnh đất Cứu Liên đó nữa.
Khi làm quan, Trần Cụ ở trong triều thì không sao, nhưng đến khi về hưu, phải trở về quê cũ, thì làm sao giữ nổi lời thề năm xưa?
Ấy vậy mà Trần Cụ vẫn làm được! Sau này, khi về Cứu Liên, ông đi thuyền suốt dọc đường, đến khi lên bộ thì ngồi kiệu vào tận cửa, đến tận giường mới xuống. Rồi ăn uống ngủ nghỉ đều ở trên giường hết. Nếu muốn đi chơi, ông sai người mang kiệu đến chở đi chỗ đây chỗ đó, đến lúc về lại đi thuyền hoặc ngồi kiệu.
Và cứ như thế cho đến lúc mất, Trần Cụ không giẫm 1 bước chân nào xuống đất Cứu Liên. Ông một mực giữ lời thề độc năm xưa, trước sau như một. Cũng vì vậy mà người xưa gọi Trần Cụ là người gàn.
Tuy vậy, nếu xét toàn bộ cuộc đời, Trần Cụ vẫn là 1 người tài năng và có đóng góp đáng kể vào việc dạy dỗ 1 vị vua tài đức của nhà Trần, Trần Minh Tông!
*Thao khảo từ:
- Những điều lạ thời Trần - Trần Đình Ba - NXB Văn Hóa Thông Tin - Tr. 36, 37, 38, 39.
- Giai thoại lịch sử Việt Nam - Kiều Vân - NXB Tổng hợp Tp. HCM - Tr 57, 58, 59.