Giá sầu riêng tăng kỷ lục
Gần đây, giá sầu riêng Việt Nam đạt mức cao kỷ lục do nguồn cung thấp trong mùa trái vụ. Bên cạnh đó, nhu cầu phía Trung Quốc tăng mạnh cũng là một trong những yếu tố khiến giá cả mặt hàng này tăng mạnh. Cụ thể, giá sầu riêng tại các nhà vườn đang được thu mua với giá cao kỷ lục từ 150.000 – 220.000 đồng/kg. Mức giá này cao gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiện, bầu Đức đang trồng khoảng 1.000 ha sầu riêng, gồm 200 ha tại Việt Nam và gần 800 ha tại Lào (trong năm 2022 có trồng thêm), với hai giống chủ lực là sầu riêng Monthong (Thái Lan) và Musaking (Malaysia).
Tính đến nay, sầu riêng của HAGL có 62ha tại Việt Nam đã vào mùa thu hoạch. Trong đó, khoảng 30ha đã cho trái bói vào quý 3/2022, khối lượng quân bình mỗi trái nặng 3,5 kg, có trái cá biệt lên đến 9-10 kg/trái.
Sang năm 2023, bên cạnh 62 ha tại Việt Nam, ước tính có khoảng 200 ha tại Lào cũng được thu hoạch. Trong đó, diện tích sầu riêng trồng bên Lào xuất chính ngạch sang Trung Quốc khá dễ dàng.
Với năng suất ước vào khoảng 30 - 40 tấn/ha, sầu riêng theo kỳ vọng của bầu Đức sẽ mang về khoảng lợi nhuận lớn cho HAGL, ngang ngửa heo và chuối. Bởi, sầu riêng là trái có biên lợi nhuận rất lớn.
Nhóm hàng hiếm hoi của Việt Nam ghi nhận giá trị xuất khẩu tăng trưởng dương trong tháng 1/2023
Dữ liệu của Tổng cục Thống kê chỉ ra rằng, trong năm 2022, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau, quả của Việt Nam đạt 3,3 tỷ USD. Đến tháng 1/2023, trong khi phần lớn các sản phẩm nông sản khác đều ghi nhận giá trị xuất khẩu sụt giảm, rau quả là mặt hàng hiếm hoi ghi nhận tăng trưởng dương về giá trị xuất khẩu trong tháng 1/2023, với kim ngạch đạt 300 triệu USD trong tháng 1/2023, tăng 2,39% so với cùng kỳ.
Đây cũng là mặt hàng nằm trong top 5 nhóm hàng có tốc độ tăng giá trị xuất khẩu lớn nhất tháng đầu năm 2023.
Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô tháng 1/2023 của CTCK Bảo Việt (BVSC) đánh giá, với sự mở cửa trở lại của nền kinh tế Trung Quốc – đối tác xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam (tỷ trọng trên 50%) và việc Việt Nam đã ký kết nhập khẩu chính ngạch thêm một số loại nông sản mới từ năm 2022 vừa qua, mặt hàng này được kỳ vọng sẽ ghi nhận tăng trưởng tích cực hơn trong năm 2023 khi xuất khẩu nhiều mặt hàng khác gặp khó khăn.
Còn theo đánh giá của Phòng Thương mại Xuất nhập khẩu Trung Quốc mới đây, Việt Nam là thị trường Trung Quốc nhập khẩu mặt hàng hoa quả cao thứ 3 trong năm 2022, với kim ngạch nhập khẩu tăng 42,7% so với cùng kỳ, xếp sau Thái Lan và Chile.
Xét theo một số mặt hàng hoa quả, trong năm 2022, Trung Quốc đã khập tổng cộng 825.000 tấn sầu riêng tươi, tương đương 4,03 tỷ USD. Trong đó, Trung Quốc nhập 780.000 tấn sầu riêng từ Thái Lan với kim ngạch nhập khẩu đạt 3,85 tỷ USD, giảm −8,5% so với cùng kỳ.
Đối với Việt Nam, báo cáo cho biết, sầu riêng Việt Nam chính thức được tiếp cận thị trường Trung Quốc vào tháng 7/2022. Theo đó, nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc từ Việt Nam năm 2022 đạt 41.000 tấn với trị giá 190 triệu USD.
"Với kết quả này, thị phần sầu riêng Việt Nam trên thị trường Trung Quốc dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới", báo cáo của Phòng Thương mại Xuất nhập khẩu Trung Quốc nhận định.
Không chỉ có sầu riêng, theo báo cáo của Phòng Thương mại Xuất nhập khẩu Trung Quốc, một số mặt hàng rau quả khác của Việt Nam cũng được Trung Quốc nhập khẩu với khối lượng lớn trong năm 2022.
Cụ thể, nhập khẩu thanh long tươi của Trung Quốc đạt tổng cộng 568.000 tấn, tương đương 510 triệu USD, trong đó trái cây từ Việt Nam vẫn chiếm phần lớn.
Bên cạnh đó, nhập khẩu dừa của Trung Quốc đạt 1,07 triệu tấn, tương đương 570 triệu USD. Phần lớn lượng nhập khẩu này có nguồn gốc từ Thái Lan (523.000 tấn), Indonesia (322.000 tấn) và Việt Nam (221.000 tấn, tăng 68,7% so với cùng kỳ).
Ngoài ra, chuối cũng là mặt hàng Trung Quốc nhập khẩu nhiều từ Việt Nam. Cụ thể, nhập khẩu chuối của Trung Quốc năm 2022 đạt khối lượng 1,81 triệu tấn, tương đương 1,16 tỷ USD. Trong đó, Trung Quốc đã nhập khẩu 469.000 tấn chuối từ Việt Nam, tăng 32,5% so với cùng kỳ.