Theo Sputnik, Trung Quốc đang tăng dự trữ vàng trong tháng thứ năm liên tiếp để chuẩn bị ứng phó với các biện pháp trừng phạt có thể xảy ra trong tương lai.
Chuyên gia tài chính Trung Quốc Sun Xiaoji nói, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đang tích cực tăng lượng vàng nắm giữ vì không loại trừ khả năng họ có thể bị loại bỏ khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu bằng USD. Vị chuyên gia này cũng bình luận về nỗ lực phi USD hóa hiện nay của nhóm BRICS mà Trung Quốc là thành viên. Ngoài Trung Quốc, nhóm bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Nam Phi.
Có gì đằng sau kế hoạch tăng trữ lượng vàng của Trung Quốc? (Ảnh minh họa)
Theo Sun, lý do phi USD hóa giữa các nước BRICS không phải là Trung Quốc và Nga đã quyết định chủ động loại bỏ việc sử dụng đồng USD. Mà vấn đề là làn sóng toàn cầu hóa gần đây đã kết thúc và thế giới sắp bước vào giai đoạn phát triển khu vực hoặc đối đầu giữa các khu vực.
Ngược lại, nhà tư vấn tài chính làm việc tại Vương quốc Anh Fang Qi tin rằng, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã giảm nắm giữ trái phiếu Mỹ và đang tăng dự trữ vàng chủ yếu do lo ngại về tỷ suất sinh lợi và nhằm giảm sự biến động. Bình luận được đưa ra vài tuần sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc tăng dự trữ vàng thêm khoảng 102 tấn, trong giai đoạn từ tháng 11/2022 đến trước tháng 3/2023, trong đó đợt tăng gần nhất là 18 tấn. Trước đó, dự trữ vàng Trung Quốc đã gián đoạn trong khoảng tháng 9/2019- tháng 10/2022.
Tổng kho dự trữ vàng thỏi của quốc gia này hiện ở mức khoảng 2.068 tấn.
Tuy nhiên, Ekaterina Zaklyazminskaya, chuyên gia kinh tế, nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Chính trị Thế giới và Phân tích Chiến lược tại Viện Trung Quốc và Châu Á Hiện đại của Viện Hàn lâm Khoa học Nga, lập luận rằng các biện pháp trừng phạt của Mỹ không phải là nguyên nhân sâu xa khiến Bắc Kinh có động thái như vậy, vì Trung Quốc đã chịu các lệnh trừng phạt hơn một năm. “Bạn phải tính đến yếu tố kinh tế. Đó là lý do tại sao Trung Quốc lại đầu tư vào vàng và từ chối trái phiếu kho bạc Mỹ", bà nói với Sputnik.
"Trung Quốc muốn phòng ngừa rủi ro. Sự bất ổn của nền kinh tế Mỹ dẫn đến những quyết định như vậy. Tất nhiên, không nên xem nhẹ yếu tố chính trị", chuyên gia nói thêm.
Theo bà Zaklyazminskaya, thế giới đang chứng kiến quá trình định hình lại nền kinh tế toàn cầu, và Trung Quốc bắt đầu quá trình này theo nghĩa đen không phải mới chỉ từ ngày hôm qua. Mong muốn phi USD hóa đã được ghi nhận ở Trung Quốc từ năm 2009, ngay sau cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính lớn do Mỹ gây ra. Trung Quốc tìm cách tăng số lượng các khoản thanh toán lẫn nhau bằng đồng tiền quốc gia. Đặc biệt, hiện tại, Trung Quốc sử dụng các phương thức thanh toán chung bằng tiền tệ quốc gia với hơn 30 quốc gia trên thế giới, như Nga, Iran, Ấn Độ, Singapore, Venezuela, Turkiye, Indonesia.
Trong một diễn biến khác, Trung Quốc đạt được thỏa thuận với Brazil vào cuối tháng trước để giao dịch bằng đồng tiền của họ, trong nỗ lực từ bỏ đồng USD trung gian làm trung gian.
Một báo cáo khảo sát gần đây của Ngân hàng Trung ương Brazil cho thấy, tính đến cuối năm 2022, tỷ trọng đồng nhân dân tệ trong dự trữ ngoại hối quốc tế của Brazil đã đạt 5,37%, vượt qua tỷ trọng của đồng euro là 4,74%, nghĩa là đồng nhân dân tệ dần trở thành đồng tiền dự trữ lớn thứ hai của quốc gia Nam Mỹ.