Vua cổ thụ 2.600 năm tuổi "bị thương", 11 đối tượng bị kết án
Vào ngày 18/4, Tòa án nhân dân cấp cao tỉnh Quý Châu (Trung Quốc) thông báo, trong phiên tòa lưu động ngày 12/4, 11 bị cáo bị kết án về hành vi xâm phạm gây tổn hại loài thực vật bảo vệ trọng điểm cấp quốc gia - cổ thụ Nam mộc có tuổi đời 2.600 năm tuổi ở làng Nam Tiêu, huyện Kiếm Hà.
Ngoài ra, các bị cáo này phải chịu đền bù số tiền lên tới 440.000 NDT, trong đó một phần dành làm chi phí cứu chữa cổ thụ nam mộc "bị thương".
Cụ thể, vào ngày 1/2/2022, người dân ở làng Nam Tiêu phát hiện cổ thụ nam mộc ngàn tuổi bị đục khoét mất nhiều miếng, dẫn tới tổn thương nghiêm trọng. Cổ thụ nam mộc bị phá hủy thuộc khu bảo tồn trọng điểm cấp 2 quốc gia, có đường kính 1,9m, chu vi 6m.
Theo The Paper, cổ thụ nam mộc trong vụ án này được gọi là "vua cổ thụ nam mộc", bén rễ từ thời kỳ Xuân Thu. Trong 2.600 năm, nam mộc đã chứng kiến sự phát triển thăng trầm của lịch sử Trung Quốc nên người dân địa phương tin rằng cổ thụ này chứa linh khí.
Vua cổ thụ nam mộc ở Quý Châu bị khai thác trộm
Do đó, nó được coi là cây thần và là vị thánh bảo vệ ngôi làng. Thậm chí, khi cành lá của cổ thụ rụng xuống, người dân thường sẽ đem về thờ cúng, không dám đốt hoặc vứt bỏ.
Theo nhân viên Cục Lâm nghiệp huyện Kiếm Hà, vua nam mộc cổ thụ ở Nam Tiêu vẫn còn sống và phát triển tốt.
Số tiền thu được khi các bị cáo nộp phạt sẽ được dùng để xử lý chăm sóc cây như nẹp, khử trùng và trám vết cắt để ngăn ngừa côn trùng và vi khuẩn lây nhiễm.
Người phụ trách cũng cho biết, địa bàn có lực lượng kiểm lâm chuyên trách bảo vệ cổ thụ, tuần tra, giám sát hàng ngày. Đặc biệt sau khi vụ án xảy ra, địa phương tăng cường bảo vệ, lắp 2 camera giám sát cây cổ thụ. "Ngày nào cũng có kiểm lâm đi tuần, điện thoại di động được cài ứng dụng nên ở đâu cũng có thể thấy cây", người này nói.
Cũng theo người này, ở địa phương, "vua nam mộc cổ thụ" trên còn đương tôn xưng là "Mẹ".
Cổ thụ hàng trăm năm tuổi tượng trưng cho sự trường thọ, sức khỏe nên theo phong tục ở nhiều vùng nông thôn Trung Quốc, nếu đứa trẻ hay quấy khóc, khó nuôi, người thân sẽ cho đưa trẻ nhận cổ thụ làm "cha" hoặc "mẹ". Mục đích là mong linh khí cổ thụ che chở đứa trẻ. Việc nhận "cha", "mẹ" sẽ được căn cứ vào ngày tháng năm sinh của đứa trẻ để quyết định.
Nam mộc quý giá như thế nào?
Nam mộc là một loại cây gỗ quý hiếm ở Trung Quốc, đứng đầu trong tứ đại danh thụ từ thời cổ đại. Trong số các giống nam mộc, kim tơ nam mộc là loại gỗ quý chỉ có ở Trung Quốc.
Vì đặc tính "ngàn năm không mục, vạn năm không chết" nên kim tơ nam mộc được người xưa coi là vật liệu xây dựng lý tưởng, quý giá và cao cấp nhất.
Kể từ thời nhà Hán, một số lượng lớn kim tơ nam mộc đã được sử dụng nhưng hầu hết người ta chỉ nghe nói chứ chưa từng thấy, bởi vì kim tơ nam mộc là loại gỗ đặc biệt dành cho hoàng thất.
Thân gỗ kim tơ nam mộc được cho rao bán với giá gần 9.000 tỷ VND
Theo Nhật báo Hồ Bắc (Trung Quốc), kiến trúc, nội thất cung điện như ngai vàng của các hoàng đế phong kiến Trung Quốc đều phải được làm bằng kim tơ nam mộc. Nếu ai đó sử dụng kim tơ nam mộc mà không được phép thì sẽ bị kết án vì phạm thượng. Dó đó, kim tơ nam mộc còn được mệnh danh là "gỗ của bậc đế vương".
Vào năm 2021, một cây kim tơ nam mộc từng được rao bán với giá 2,5 tỷ NDT (khoảng gần 9.000 tỷ VND) ở Quý Châu.
Tuy nhiên, dù kim tơ nam mộc mang lại giá trị kinh tế cực cao nhưng không phải ai cũng có thể trồng và dám trồng.
Bởi thứ nhất, kim tơ nam mộc có yêu cầu khắt khe về điều kiện sống. Kim tơ nam mộc ưa sống ở vùng đất độ cao 1.000 mét đến 1.500 mét so với mực nước biển. Khí hậu ở những nơi này ấm áp và ẩm ướt, không xuất hiện những cơn bão tuyết mạnh như ở những vùng có vĩ độ cao, cũng không phải chịu cái nắng như thiêu như đốt ở những vùng nhiệt đới.
Thứ hai, chu kỳ sinh trưởng của kim tơ nam mộc rất dài. Theo báo Trung Quốc, kim tơ nam mộc muốn có giá trị cần phải có vòng đời ít nhất 200 năm, gần như là vòng đời của một triều đại phong kiến.
Thứ ba, kim tơ nam mộc sở dĩ có giá trị là vì nó chứa tơ vàng nhưng không phải cây nam mộc nào cũng có thể tạo thành các tơ vàng. Điều này hoàn toàn là may mắn.
Thứ tư, trong “Luật Lâm nghiệp” Trung Quốc đã quy định rõ ràng rằng, muốn khai thác nam mộc cần phải có giấy phép dù đó là cây tự trồng. Chưa kể, kim tơ nam mộc giờ là loại cây hiếm, được bảo vệ cấp quốc gia ở Trung Quốc.