Thay đổi chiến lược của EU trong quan hệ với Trung Quốc

Quang Dũng |

Liên minh châu Âu (EU) đang điều chỉnh quan điểm và chiến lược đối với Trung Quốc.

Thượng đỉnh trực tuyến EU-Trung Quốc không đạt được thỏa thuận chung

Nguyên nhân của kết quả này đến từ cả hai yếu tố. Thứ nhất, đó là các nội dung thảo luận trong Thượng đỉnh EU-Trung Quốc vừa qua đều là những nội dung khó khăn, không hề đơn giản. Về chủ đề kinh tế-thương mại, một trong các ưu tiên của cả EU và Trung Quốc là hoàn tất được thỏa thuận về đầu tư, vốn đã được đàm phán từ 7 năm qua nhưng chưa thể dứt điểm. Từ gần 10 năm nay EU cũng liên tục yêu cầu Trung Quốc mở cửa thị trường nội địa của Trung Quốc, thực hiện nguyên tắc có đi-có lại nhưng việc này cũng hầu như không có tiến triển do hai bên bất đồng quan điểm liên quan đến trợ cấp nhà nước, thương mại công bằng… Nói cách khác là các chủ đề liên quan đến quan hệ thương mại song phương đều đã là các chủ đề tồn tại từ lâu và không dễ gì giải quyết được.

Các chủ đề được bàn luận khác cũng rất nhạy cảm, như việc EU lên tiếng về nhân quyền, về vấn đề người Hồi giáo ở Tân Cương, về luật an ninh quốc gia Hong Kong. Phía châu Âu yêu cầu Trung Quốc phải minh bạch và không đi theo hướng cực đoan trong vấn đề này trong khi đối với Trung Quốc thì đây đều là các vấn đề được Trung Quốc xem là chuyện nội bộ, liên quan đến an ninh quốc gia, đến thể diện quốc gia và Trung Quốc không thể nhượng bộ. Trong phần đáp lời với các quan chức cấp cao EU thì Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình cũng nói rất rõ rằng “Trung Quốc không cần nước khác dạy bảo về nhân quyền và cũng không chấp nhận các tiêu chuẩn kép”. Vì thế, tôi cho rằng Hội nghị Thượng đỉnh EU-Trung Quốc vừa qua không thành công là điều không bất ngờ khi các nội dung thảo luận đều rất nóng và phức tạp, không hề đơn giản.

Tất nhiên, một nguyên nhân quan trọng nữa là thái độ cứng rắn của cả hai bên, đặc biệt từ phía Liên minh châu Âu. Trước đây thì EU luôn né tránh việc đối đầu trực diện với Trung Quốc trong các chủ đề nhạy cảm như nhân quyền, Tân Cương, Tây Tạng hay Hong Kong nhưng trong thời gian qua, quan điểm của EU cũng như từng quốc gia thành viên, đặc biệt là Đức, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của EU, đã thay đổi rõ rệt. EU nhận thấy cần phải thay đổi cách tiếp cận với Trung Quốc, phải thách thức Trung Quốc trong một số lĩnh vực. Vì thế, Thượng đỉnh vừa qua là dịp để EU lên tiếng thể hiện quan điểm mới của mình. Về phía Trung Quốc thì thái độ của Trung Quốc với EU vào thời điểm này khá mềm mỏng, không còn quyết liệt như hồi tháng 3 và tháng 4/2020, khi đại dịch bùng phát ở châu Âu. Nhưng Trung Quốc cũng không cho phép mình bị lấn lướt quá mức trong các đối thoại nên để đáp trả quan điểm cứng rắn của EU thì Trung Quốc cũng không nhượng bộ, dù rõ ràng là Trung Quốc đã phản ứng tương đối kiềm chế.

Châu Âu thay đổi rõ nét về nhận thức trong quan hệ với Trung Quốc

Hai ngày sau Thượng đỉnh với Trung Quốc thì bà Ursula von der Leyen có đọc bài Thông điệp hàng năm, trong đó có nêu quan điểm rất đáng chú ý về đối ngoại, đó là muốn EU phải quyết liệt, dũng cảm hơn, và muốn sử dụng các đòn trừng phạt như là một công cụ ngoại giao. Bà Ursula von der Leyen có nhắc đến đạo luật Magnitsky của Mỹ và muốn EU có một đạo luật tương tự, nhằm trừng phạt các nước và cá nhân bị EU xem là vi phạm nhân quyền. Động thái này rõ ràng nhằm vào Trung Quốc và cũng là điều cho thấy, các thảo luận với Trung Quốc tại Thượng đỉnh đã thất bại. Cũng chỉ 1 ngày sau đó, 3 nước Anh-Pháp-Đức gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc phản đối các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông. Có thể nói là EU và bản thân các cường quốc như Pháp-Đức-Anh đã có những thay đổi lớn, tương đối dồn dập trong thái độ ứng xử với Trung Quốc.

Lí do lớn nhất cho sự thay đổi này, đó là EU đã thay đổi nhận thức về trật tự thế giới hiện nay. Châu Âu nhận thấy các hệ thống cũ của chủ nghĩa đa phương đang tan rã khi nhân tố quan trọng nhất của hệ thống này là nước Mỹ thì dưới thời của ông Donald Trump lại hành xử theo chủ nghĩa biệt lập, chủ nghĩa bảo hộ, làm xói mòn các quan hệ đồng minh truyền thống. Trong khi đó Trung Quốc lại thể hiện tham vọng quá lớn mà về bản chất thì Trung Quốc có các khác biệt mang tính hệ thống với châu Âu. Sự xâm nhập mạnh mẽ của các công ty Trung Quốc vào thị trường châu Âu cũng gây ra rất nhiều lo ngại. Theo báo cáo, trong 1 thập kỷ qua Trung Quốc đã đầu tư ít nhất 150 tỷ euro vào châu Âu và thâu tóm nhiều lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của châu Âu, như công nghệ hóa chất, chế tạo máy… Trong bối cảnh đó, châu Âu xem cả Mỹ và Trung Quốc đều là các đối thủ có nguy cơ đe dọa châu Âu và việc Mỹ-Trung cạnh tranh gay gắt khiến châu Âu bị kẹt ở giữa, chịu nhiều tổn thất. Do đó, châu Âu nhận thức được cần phải thay đổi, trở nên mạnh mẽ và quyết đoán hơn, độc lập, tự chủ hơn về đối ngoại để có thể cạnh tranh cả với Trung Quốc và Mỹ.

Tác động của nhân tố Mỹ lên quan hệ EU-Trung Quốc

Đối với châu Âu hiện nay, cả Mỹ và Trung Quốc đều là các đối thủ đe dọa lợi ích của khối này. Tuy nhiên, với phía Mỹ thì châu Âu vẫn có thể trông chờ những thay đổi chính sách nếu nước Mỹ có một Tổng thống mới sau kỳ bầu cử tháng 11 tới, còn với Trung Quốc, châu Âu đã xác định đây là một đối thủ hệ thống, tức khác biệt căn bản về mô hình phát triển, về tổ chức xã hội, về cả hệ giá trị. Do đó, mặc dù Trung Quốc là đối tác kinh tế lớn nhất của châu Âu, với trao đổi thương mại mỗi ngày đạt hơn 1 tỷ euro thì EU vẫn rất khó biến Trung Quốc thành một đối tác tin cậy lâu dài.

Trên thực tế, khi xung đột Mỹ-Trung đang leo thang đến đỉnh điểm như hiện nay, châu Âu có giá trị đối với cả hai phía. Cuối tháng 8 vừa qua, cả Ngoại trưởng Mỹ, Mike Pompeo lẫn Ngoại trưởng Trung Quốc, Vương Nghị đều thực hiện chuyến công du châu Âu nhằm lôi kéo đồng minh về phía mình. Đặc biệt, Trung Quốc đang làm mọi cách để Mỹ và châu Âu không lập thành một mặt trận chung chống Trung Quốc. Ở thời điểm này, châu Âu dù đã cứng rắn hơn với Trung Quốc nhưng vẫn chưa ngả hẳn về phía Mỹ. Lí do, một phần là các nước châu Âu hiện đang giữ thái độ ngờ vực với chính quyền của ông Donald Trump do trong thời gian qua quan hệ hai bên rạn nứt khá nghiêm trọng, phần khác là châu Âu muốn đợi các chính sách rõ ràng hơn từ phía Mỹ sau cuộc bầu cử Tổng thống cuối năm nay.

Tất nhiên, không thể phủ nhận một thực tế là sức ép cùng đe dọa trừng phạt từ phía Mỹ cũng đã tác động xấu đến quan hệ EU-Trung Quốc, cụ thể là trong hồ sơ liên quan đến việc tập đoàn Huawei triển khai công nghệ 5G tại châu Âu. Một số nước, như Anh, đã loại bỏ Huawei do các sức ép mạnh từ Mỹ cũng như việc Mỹ cấm vận nhiều công nghệ khiến Huawei khó triển khai hiệu quả. Về lâu dài, quan điểm của EU với Trung Quốc sẽ trở nên cứng rắn hơn, ít né tránh như trước kia, nhưng EU nhiều khả năng sẽ thiết lập một đường lối đối ngoại riêng với Trung Quốc chứ không hoàn toàn theo Mỹ./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại