Cụ thể, theo CNN, vào đầu năm nay, EU và Trung Quốc đã bày tỏ hy vọng có thể chính thức hóa mối quan hệ hợp tác chiến lược và kinh tế tại cuộc họp thượng đỉnh mang tính bước ngoặt ở Leipzig, do Thủ tướng Đức Angela Merkel chủ trì. Hội nghị này cũng được kỳ vọng sẽ đánh dấu một bước đột phá lịch sử trong quan hệ Trung Quốc-EU.
Thế nhưng, đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh trên toàn cầu đồng nghĩa với việc không có cuộc gặp thượng đỉnh trực tiếp - không có thảm đỏ hoan nghênh dành cho Trung Quốc từ phía Đức, cũng như 26 quốc gia thành viên EU khác và các lãnh đạo cấp cao của khối này. Thay vào đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh trực tuyến với bà Merkel và các chủ tịch ủy ban và hội đồng của EU.
Ông Steven Blockmans, quyền Giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách châu Âu nhận định: "Rõ ràng việc họp trực tuyến chỉ với 3 nhà lãnh đạo là một 'giải pháp an ủi' quá khiêm tốn đối với Trung Quốc. Thậm chí chúng ta không thể biết được liệu họ có đưa ra tuyên bố chung hay không".
Hầu hết các nhà quan sát lâu năm về mối quan hệ của EU và Trung Quốc đều có chung quan điểm rằng năm 2020 không phải là khoảng thời gian thuận lợi đối với mối quan hệ này.
Một nguồn tin của EU cho biết: "Lí do khiến mối quan hệ này bị tổn hại không chỉ là vì Trung Quốc không xử lý tốt đại dịch trong giai đoạn đầu, mà còn bởi các chính trị gia cấp cao của châu Âu buộc phải 'suy nghĩ thận trọng về mục tiêu địa chính trị mà Trung Quốc đang phấn đấu đạt được".
Nguồn tin này cáo buộc Trung Quốc đã "lợi dụng" khi thế giới đang mải tập trung xử lý đại dịch để tăng tốc đạt được những mục tiêu ở Hồng Kông (luật an ninh quốc gia mới), Tân Cương (các cáo buộc liên quan đến cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ) hay thực hiện những động thái "khiêu khích trên trường quốc tế".
Không chỉ Brussels, nhiều quốc gia thành viên EU đã bày tỏ quan ngại về hành vi của Trung Quốc và mức độ đáng tin cậy của đối tác châu Á này. Một nhà ngoại giao châu Âu giấu tên làm việc trong lĩnh vực quan hệ EU-Trung Quốc cho biết năm 2020 đã khiến nhiều quốc gia EU không chỉ phải suy nghĩ lại về mối quan hệ với Trung Quốc, mà họ còn cảm thấy quốc gia này "khó chịu" hơn trước.
Nốt trầm của năm 2020 trong mối quan hệ EU-Trung Quốc vừa vang lên hồi tháng trước, khi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị thực hiện chuyến công du 5 nước châu Âu để "tạo đà" trước cuộc họp thượng đỉnh ngày 14/9. Nhưng điều ông Vương nhận được không phải là những lời chào đón, hoan nghênh nồng ấm như trước đó, mà là những lời rất thẳng thắn về hàng loạt vấn đề "nóng" hiện nay.
Ông Blockmans bình luận: "Cá nhân tôi cho rằng đây là một thảm họa ngoại giao, đặc biệt là ở Đức, nơi ông [Vương] bị [người đồng cấp Đức] phản bác trực tiếp sau khi đe dọa một chính trị gia Cộng hòa Séc vì chuyến thăm Đài Loan trước đó. Phía Đức cũng kêu gọi Trung Quốc hủy bỏ luật an ninh quốc gia vừa được áp dụng ở Hồng Kông, và ông Vương thậm chí còn không được gặp bà Merkel".
"Trong suốt chuyến công du, các vấn đề Hồng Kông, người Duy Ngô Nhĩ, đại dịch COVID-19 liên tục được nhắc đến. Đó chính xác là những điều bạn không mong sẽ diễn ra trong một chuyến công du ngoại giao", ông Blockmans nói.
Cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến hồi tháng 6 của các nhà lãnh đạo Trung Quốc và EU. Ảnh: consilium.europa.eu
Cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc
Phía Trung Quốc đã thể hiện rất rõ sự thất vọng của mình. Khi ông Vương vẫn chưa kết thúc chuyến công du châu Âu, tờ Trung Hoa Nhật báo đã đăng tải bài viết kêu gọi Trung Quốc và EU "cần hợp lực để ngăn chặn [Ngoại trưởng Mỹ Mike] Pompeo gây tổn hại đến sự ổn định toàn cầu".
Đối với Bắc Kinh, EU có vai trò rất cần thiết để giúp Trung Quốc đối trọng lại với Mỹ. Châu Âu cũng nhận thức được điều này, trong khi vẫn lo ngại về việc trở nên quá thân thiết với Trung Quốc. Trong bài xã luận được đăng tải hôm thứ 4 tuần trước (9/9), Thời báo Hoàn Cầu đã khẳng định rằng "Trung Quốc và EU cần nhau".
Dĩ nhiên là EU trước đây đã từng thừa nhận những thiếu sót của Trung Quốc. Năm 2019, Brussels đã công bố một văn kiện về chiến lược Trung Quốc của EU, trong đó mô tả Trung Quốc vừa là "đối tác chiến lược", vừa là "đối thủ hệ thống". Như vậy, EU đã thừa nhận rằng nếu họ muốn có một mối quan hệ chính thức, sâu sắc với Trung Quốc, họ sẽ phải chấp nhận đối mặt với tình thế khó xử giữa những thực tế trái ngược nhau.
Tuy nhiên, điều khiến năm 2020 trở nên đặc biệt khó xử đối với EU là hành vi của Trung Quốc vừa nhấn mạnh thêm vị trí "đối thủ hệ thống" của nước này, lại vừa khiến EU thêm tin tưởng rằng mối quan hệ chiến lược với quốc gia châu Á này là cần thiết.
Kinh tế không phải là lĩnh vực duy nhất Brussels quan tâm ở Trung Quốc. Rõ ràng các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài và khả năng tiếp cận thị trường là điều vô cùng hấp dẫn đối với nhiều nền kinh tế châu Âu đang suy yếu. Nhưng bên cạnh đó, một mối quan hệ mạnh mẽ với Trung Quốc cũng củng cố thêm sức mạnh địa chính trị cho châu Âu trên con đường trở thành một trong những quốc gia chủ chốt về ngoại giao và biến đổi khí hậu.
Theo CNN, các quan chức EU đã có lý khi chỉ ra rằng Trung Quốc sẽ khó lòng ngồi vào bàn đàm phán nếu không có một "củ cà-rốt" đáng kể. Họ nói rằng "chia tay" Trung Quốc không phải là cách đem lại thay đổi toàn cầu, dù đó là bất cứ lĩnh vực nào, và cho rằng đòn bẩy kinh tế của EU có thể giúp EU đưa Trung Quốc vào bàn đàm phán, nơi bà Merkel và các đồng nghiệp có thể đề cập đến những vấn đề "nóng" với ông Tập.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng bày tỏ lo ngại rằng sự chia rẽ về chính trị, tham vọng địa chính trị và sự yếu kém về kinh tế của EU sẽ khiến khối này không đủ vững vàng để đối mặt với Bắc Kinh.
Một ý kiến cho rằng EU "thiếu hành động kiên quyết", và "sự do dự của EU có một phần lý do là bởi các nước thành viên không nhất trí về các đối phó với Trung Quốc, và một phần là do tầm quan trọng của sức mạnh kinh tế Trung Quốc", trong khi EU không hề có ý định biến Trung Quốc thành kẻ thù.
Nhà ngoại giao giấu tên của EU cũng đồng ý một phần với ý kiến trên: "Hiện tại ở EU không có hoặc chỉ có rất ít sự thống nhất về mối quan hệ mà chúng tôi muốn thiết lập với Trung Quốc, vì vậy, ưu tiên của chúng tôi là xây dựng các cầu nối giữa các quốc gia thành viên để chúng tôi có thể hoạt động như một thể thống nhất".
Trong khi đó, là nền kinh tế lớn nhất EU, Đức cũng có sức ảnh hưởng nhất định trong vấn đề Trung Quốc, khi chính sách đối ngoại của Đức là không có kẻ thù và kết thêm càng nhiều bạn càng tốt, nhà ngoại giao này cho biết.
Mối quan hệ trong nhiều thập kỷ qua giữa châu Âu và Trung Quốc vẫn luôn luôn phức tạp như vậy. EU nhận ra rằng, khi Mỹ ngày càng trở nên thù địch với Bắc Kinh, vẫn còn một chỗ trống cho phép một siêu cường phát triển chiến lược nắm giữ ảnh hưởng đối với Trung Quốc.
Tuy nhiên, thời gian để tìm ra câu trả lời đang ngày một càn dần. Nếu EU không thể tìm ra cách cân bằng quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, thì họ sẽ khó có thể cưỡng lại lời kêu gọi sát cánh với Mỹ- đồng minh NATO lâu năm - trên trường quốc tế.
Nếu không thể cân bằng, EU sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị "ép bẹp" giữa hai siêu cường, CNN kết luận.
Mời quý độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus: