Tiểu Mai (Trung Quốc) có một cô con gái 5 tuổi, hiện đang theo học tại trường mẫu giáo tư thục. Cô cảm thấy yên tâm khi con học trong môi trường có số lượng học sinh ít nên được các cô giáo đặc biệt quan tâm. Vì gia đình có điều kiện tốt nên cô rất chiều chuộng, bao bọc con gái.
Nhưng tuần vừa qua, cô rất bất bình và thậm chí muốn chuyển trường cho con vì một sự cố phát sinh.
Chuyện là chiều hôm trước, khi vừa đón con ở cổng trường, Tiểu Mai thấy con mặt mũi lấm lem, nước mắt ngắn nước mắt dài mách mẹ: "Mẹ ơi, bạn giật tóc con rất đau". Nghe vậy, Tiểu Mai nổi giận lôi đình, dẫn con gái vào trong lớp gặp giáo viên.
Giáo viên sau đó giải thích, trẻ nhỏ chơi với nhau không tránh được việc xảy ra mâu thuẫn. Hóa ra, con gái Tiểu Mai và một cậu bé khác vì tranh giành bút màu của nhau nên đã cãi nhau và xô xát. Cậu bé kia nắm tóc bạn gái giật nhưng giáo viên trông thấy kịp thời nên đã ngăn chặn và yêu cầu cậu bé xin lỗi.
Ảnh minh họa.
Sự việc không quá nghiêm trọng nhưng Tiểu Mai vẫn làm lớn chuyện. Thậm chí, cô lên tận phòng hiệu trưởng yêu cầu giải thích. Đúng lúc đó, bố mẹ cậu bé kia đến đón con. Thấy vậy, Tiểu Mai lớn tiếng chỉ trích bằng những lời lẽ khó nghe, có phần xúc phạm. Cô cho rằng gia đình kia không biết dạy con, cứ như vậy lớn lên cậu bé có thể trở thành người xấu, ưa thói bạo lực.
Nghe vậy, bố mẹ cậu bé "nóng mặt" và tức giận đáp trả. Đến khi hiệu trường cùng bác bảo vệ can thiệp, họ mới ngừng lại. Trước lời nói và hành động của Tiểu Mai, nhiều người chứng kiến đều bất bình, chê cười. Sự việc từ rất nhỏ nhưng qua cách xử lý thiếu tinh tế của cô đã trở thành chuyện lớn.
Câu chuyện của Tiểu Mai khá phổ biến trong cuộc sống hằng ngày. Vậy trong trường hợp con mình bị bắt nạt, các bậc phụ huynh cần xử lý ra sao? Hãy tham khảo ngay phương pháp dưới đây để gỡ rối được vấn đề.
1. Trao đổi với các bên
Sau khi đã xác minh rõ được sự việc, cha mẹ hãy trực tiếp đến gặp giáo viên chủ nhiệm để cùng trao đổi. Đây được xem là hướng giải quyết tối ưu nhất để cùng thầy cô nắm bắt vấn đề rõ ràng, cụ thể hơn. Hãy đề nghị thầy cô hỗ trợ để nhanh chóng giải quyết những khúc mắc của con với bạn bè.
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của sự việc, cha mẹ cũng có thể cân nhắc liên hệ với phụ huynh bạn học của con để trao đổi về phương án dạy dỗ, tránh dẫn đến những tình huống xấu hơn như bạo lực học đường.
2. Dạy trẻ cách xử lý tình huống
Một trong những điều quan trọng trong trường hợp con có thể gặp những tình huống nguy hiểm bất ngờ, cha mẹ nên hướng dẫn cho trẻ cách xử lý theo từng trường hợp cụ thể. Nếu có điều kiện cha mẹ có thể cho trẻ tham gia học thêm lớp kỹ năng sống và lớp võ thuật để biết cách tự bảo vệ bản thân.
Hoặc nếu gặp sự nguy hiểm vượt ngoài tầm kiểm soát của mình, trẻ cần báo ngay với cha mẹ, cô giáo chủ nhiệm, ban giám hiệu nhà trường để tránh những trường hợp xấu có thể xảy ra.
Cha mẹ cần dạy trẻ những kỹ năng để tránh việc bị bắt nạt khi đi học. (Ảnh minh họa)
3. Tìm hiểu nguyên nhân
Ngay sau khi thấy trẻ có những biểu hiện sợ hãi hay buồn chán mỗi khi đến trường, các bậc cha mẹ nên tìm hiểu thật kỹ nguyên nhân để có hướng giải quyết đúng trọng tâm, mang lại hiệu quả tốt nhất.
Cha mẹ nên nhẹ nhàng trò chuyện, hỏi han và tìm hiểu nguyên nhân từ các con. Hãy hỏi con lý do vì sao con bị bạn bè bắt nạt. Sau đó, căn cứ vào những thông tin có được, cha mẹ cần xác minh lại một lần nữa với chính những người bạn học cùng lớp của con để có hướng giải quyết tốt nhất.
Theo các chuyên gia tâm lý, cha mẹ nên cho trẻ thấy rằng, mình là chỗ dựa đáng tin cậy mỗi khi con gặp khó khăn để có thể bộc lộ những khúc mắc gặp phải ở trường học, hay trong cuộc sống sau này.