Thất vọng với EU, Thổ Nhĩ Kỳ muốn gia nhập BRICS
Hãng tin Bloomberg cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ đã liên hệ để gia nhập BRICS (tổ chức quốc tế bao gồm các nước thành viên như Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Ả Rập Xê Út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất) khi ngày càng thất vọng với những tiến triển trong các cuộc đàm phán để gia nhập Liên minh châu Âu (EU).
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan nói với đài truyền hình Haberturk trong cuộc phỏng vấn hôm 24/6: "Chúng tôi đang tổ chức các cuộc đàm phán với các nước BRICS. Nếu EU sẵn lòng tiến thêm một bước, quan điểm của chúng tôi về một số vấn đề nhất định có thể sẽ khác".
Bloomberg cho biết, Ankara đã tìm cách khôi phục nỗ lực gia nhập EU - một trong những đối tác thương mại lớn nhất của mình, đồng thời theo đuổi các liên minh mới có thể giúp mở rộng nền kinh tế trị giá 1 nghìn tỷ USD.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov trước đó, vào hôm 4/6 cho biết rằng Nga hoan nghênh mong muốn của Thổ Nhĩ Kỳ về tư cách thành viên của nhóm BRICS, đồng thời cho biết chủ đề này sẽ nằm trong chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh tiếp theo của tổ chức.
Sức mạnh của BRICS
BRICS gồm các thành viên Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, đã tăng gấp đôi quy mô vào đầu năm 2024 với sự tham gia của Iran, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Ethiopia và Ai Cập. Nhiều nước khác cũng đang có kế hoạch tham gia nhóm hoặc cân nhắc các lời mời tham gia.
Các nước BRICS sở hữu nguồn tài nguyên và tiềm năng tăng trưởng kinh tế to lớn, khiến khối trở thành nhân tố quan trọng trên trường toàn cầu.
Hãng tin RT (Nga) đánh giá, các cơ chế của BRICS trong việc thành lập những tổ chức tài chính có khả năng cạnh tranh với các tổ chức phương Tây cho phép BRICS và các quốc gia đang phát triển khác có được nguồn tài chính theo các điều khoản công bằng hơn và với ít điều kiện chính trị hơn.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ nói về điểm khác biệt của EU và BRICS
Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và là một phần của hệ thống phòng thủ châu Âu. Tuy nhiên, nước này đã không đạt được tiến triển trong các cuộc đàm phán với EU kể từ khi bắt đầu các cuộc đàm phán gia nhập vào năm 2005.
Ông Fidan nói về EU như sau: "[Thổ Nhĩ Kỳ] tham gia một liên minh quân sự trong NATO, nhưng liên minh kinh tế vẫn chưa thành hiện thực. Bởi vậy chúng tôi đã tiến hành các cuộc đàm phán của mình".
Ông Fidan cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thể nộp đơn xin nâng cấp quan hệ đối tác với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Ông nói, các nước BRICS đang phát triển một hệ thống cho vay và thực hiện các giao dịch thương mại với nhau bằng đồng nội tệ và Ankara ủng hộ điều này.
"Điểm khác biệt và tuyệt vời của BRICS so với EU là nhóm này bao gồm tất cả các nền văn minh", ông Fidan nhận xét.
Hãng tin RT (Nga) đánh giá, vào đầu tháng 6, tin tức về việc Thổ Nhĩ Kỳ muốn gia nhập BRICS đã thu hút sự chú ý của giới truyền thông toàn cầu.
Rào cản của Thổ Nhĩ Kỳ khi gia nhập BRICS
RT đánh giá, Thổ Nhĩ Kỳ có mối quan hệ quân sự và kinh tế chặt chẽ với các nước phương Tây, khiến vấn đề gia nhập BRICS càng trở nên phức tạp hơn.
Quyết định trở thành thành viên BRICS của Thổ Nhĩ Kỳ có thể gây ra áp lực mạnh mẽ từ Washington và các đồng minh phương Tây. Điều này có thể biểu hiện dưới dạng các biện pháp trừng phạt, hạn chế kinh tế và áp lực chính trị, ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ và các mối quan hệ quốc tế của Ankara.