Theo các nhà phân tích, khi vị thế của Nga trên thị trường năng lượng toàn cầu giảm sút, Mỹ và Qatar nổi lên là một trong số ít quốc gia sẵn sàng và có khả năng lấp đầy chỗ trống mà nước này bỏ lại.
“Thị phần cung cấp LNG của Nga gần như chắc chắn sẽ giảm trong thập kỷ này”, ông Henning Gloystein, giám đốc phụ trách năng lượng, khí hậu và tài nguyên thiên nhiên tại công ty tư vấn chính trị Eurasia Group cho biết. Theo ông, vai trò của Nga trên thị trường LNG thậm chí đã sụt giảm trước khi xung đột ở Ukraine nổ ra vào năm ngoái. Các biện pháp trừng phạt của phương Tây để phản ứng với cuộc chiến này càng khiến đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực LNG của Nga suy giảm.
Qatar và Mỹ trở thành 2 nhà xuất khẩu LNG hàng đầu thế giới.
Ông Zhi Xin Chong, giám đốc về khí đốt khu vực Nam và Đông Nam Á của Global Commodity Insights, nhận định: “Việc Nga không thể mua các mô-đun hóa lỏng - cho phép chuyển đổi khí tự nhiên thành LNG - sẽ cản trở tham vọng của quốc gia này. Trong thập kỷ này, việc tăng công suất hóa lỏng của Nga sẽ đối mặt thách thức cực lớn trong bối cảnh phải chịu nhiều biện pháp trừng phạt”.
Cũng theo ông Chong, tổng công suất tại các cơ sở sản xuất LNG của Nga sẽ không đổi ở mức khoảng 37 triệu tấn trong vài năm tới. Nhưng tới năm 2030, tổng công suất LNG toàn cầu tăng thêm 50% lên 671 triệu tấn/năm, thị phần của Nga trong “miếng bánh” này được dự báo giảm từ mức 6,7% hiện tại xuống còn 5%.
Nga đánh mất vị trí
Năm 2021, thời điểm trước khi xung đột nổ ra, Nga là nước xuất khẩu khí đốt lớn nhất thế giới, đồng thời là nước xuất khẩu LNG lớn thứ 4, sau Úc, Qatar và Mỹ. Các quốc gia này được dự báo sẽ lập tức lấp đầy chỗ trống của Nga.
“Chúng ta sẽ chứng kiến sự trỗi dậy của những nơi như Mỹ, Mozambique và Úc”, ông Chong dự báo.
Dẫn dữ liệu từ tổ chức phi lợi nhuận Cedigaz, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết trong nửa đầu năm 2022, Mỹ đã vượt qua Qatar và Úc trở thành nước xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới.
Ông Chong dự báo tới năm 2030, Mỹ sẽ chiếm khoảng 25% tổng công suất LNG toàn cầu, trong khi tỷ lệ này của Qatar là 19%.
Đồng quan điểm, ông Henning của Eurasia cho rằng Mỹ và Qatar đang là những nước hưởng lợi chính khi Nga mất vị thế trong hệ sinh thái LNG toàn cầu.
Ngoài Mỹ và Qatar, khu vực Đông Địa Trung Hải cũng sở hữu vị trí địa lý hoàn hảo để thay thế Nga cung cấp khí đốt qua đường ống cho các quốc gia Nam Âu, đặc biệt là Italy, Hy Lạp và Croatia.
Lượng dự trữ LNG của châu Âu tăng mạnh giúp giảm sự phụ thuộc vào Nga.
“Một số nước sản xuất LNG ở Đông Phi bao gồm Mozambique và có thể cả Tanzania có thể cũng sẽ được hưởng lợi”, Henning nhận định.
Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng cảnh báo rằng “cơ hội tương đối hẹp” bởi châu Âu đang nỗ lực giảm mức tiêu thụ khí đốt nói chung thông qua các biện pháp hạn chế tiêu thụ, đồng thời đầu tư vào các nguồn năng lượng thay thế trong nước.
Không lâu sau khi xung đột ở Ukraine, Liên minh châu Âu (EU) đã công bố kế hoạch REPowerEU nhằm gia tăng tỷ trọng tiêu thụ năng lượng tái tạo trong khối lên 45% vào cuối thập kỷ này. Kế hoạch này cũng phù hợp với mục tiêu trung hòa carbon trong dài hạn theo Luật Khí hậu châu Âu.
“Việc gia tăng sử dụng năng lượng tái tạo đồng nghĩa vai trò của khí đốt, chưa kể đến than đá, đang giảm dần theo thời gian”, ông Pavel Molchanov, giám đốc nghiên cứu vốn chủ sở hữu tại ngân hàng đầu tư Raymond James, nhận định.
Tham khảo: CNBC