Thập kỷ bận rộn của Trung Quốc: Phi thường, kỷ lục, khiến phương Tây 'đỏ mắt ghen tỵ'

Trang Ly |

Trung Quốc đang 'lột xác'...

Trung Quốc đang hướng tới những mục tiêu táo bạo trong việc phát triển động cơ tên lửa những năm tới, để chuẩn bị cho các sứ mệnh đưa phi hành đoàn lên Mặt Trăng và các sứ mệnh không gian sâu đầy tham vọng khác, tờ SCMP đưa tin.

Ba trong số bốn động cơ đang được Bắc Kinh phát triển là dành cho thế hệ tiếp theo của siêu tên lửa hạng nặng Trường Chinh 9 (CZ-9) - Hệ thống tên lửa trọng yếu của kế hoạch hạ cánh lên Mặt Trăng của các phi hành gia Trung Quốc vào năm 2030.

THẬP KỶ BẬN RỘN CỦA TRUNG QUỐC

Trước đó, Trung Quốc đã đặt ra một số sứ mệnh không gian đầy tham vọng, bao gồm cả việc phát triển Trạm Vũ trụ Trung Quốc tên là Thiên Cung; du hành Mặt Trăng; thám hiểm sao Hỏa. và các hành trình liên hành tinh khác...

Gần nhất, có 3 sứ mệnh được vạch ra trong kế hoạch 5 năm tới của Trung Quốc: Lấy mẫu từ một tiểu hành tinh, sau đó là sao Hỏa, tiếp theo là bay qua hệ thống sao Mộc. Chưa hết, Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) đã tuyên bố rằng họ dự định đưa con người lên Mặt Trăng vào năm 2030 và thành lập một cơ sở chung trên Mặt Trăng với cơ quan Roscosmos của Nga vào năm 2035 (gọi là Trạm nghiên cứu Mặt Trăng Quốc tế - ILRS).

Để hiện thực hóa các tham vọng táo bạo này, Trung Quốc đương nhiên cần sức mạnh tên lửa đáng kể để đạt được tất cả các mục tiêu này.

Tuy nhiên, các tên lửa hiện tại của nước này không đủ mạnh để triển khai trong các sứ mệnh không gian quan trọng này. Đó là lúc Trung Quốc phải nghĩ đến việc phát triển một siêu tên lửa đẩy tầm thế giới - Không đâu khác chính là Trường Chinh 9.

Siêu tên lửa Trường Chinh 9 (Long March 9 hay CZ-9) của Trung Quốc được cho là có khả năng đáp ứng những nhu cầu khai phá không gian sâu đó của Trung Quốc.

Theo kế hoạch, Trường Chinh 9 có khả năng mang tải trọng lên tới 50 tấn lên Mặt Trăng và 44 tấn lên sao Hỏa. Nó có sức chứa 140 tấn khi bay ở Quỹ đạo Trái Đất thấp (LEO), tương đương với Falcon Heavy của Mỹ và mạnh hơn Trường Chinh 5 (CZ-5) của chính nước này khoảng 6 lần.

Trong khi đó, tên lửa Trường Chinh 5 - 'trái tim' của sứ mệnh Mặt Trăng gần đây nhất và là 'xương sống' của kế hoạch xây dựng trạm vũ trụ Thiên Cung của Trung Quốc - chỉ có thể gửi 25 tấn vào Quỹ đạo Trái Đất thấp (LEO).

Nếu hoàn thành theo dự kiến là vào năm 2028 và chính thức đi vào hoạt động năm 2030, siêu tên lửa Trường Chinh 9 sẽ là một trong những cỗ máy mạnh nhất thế giới. Tuy vậy, tên lửa vũ trụ này vẫn còn kém siêu tên lửa SLS của NASA (Mỹ) nhiều bậc.

Thập kỷ bận rộn của Trung Quốc: Phi thường, kỷ lục, khiến phương Tây đỏ mắt ghen tỵ - Ảnh 1.

Các mẫu tên lửa Trường Chinh hiện tại và trong tương lai được trưng bày tại Triển lãm Hàng không Chu Hải 2021, bao gồm Trường Chinh 9 (giữa). Ảnh: CASC

Dầu vậy, việc phát triển các động cơ siêu tên lửa hạng nặng này (Trường Chinh 9) thể hiện quyết tâm của Trung Quốc trong việc phá vỡ nút thắt về năng lực tên lửa.

Nhà thầu vũ trụ chính - Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASC) đã vạch ra một số mốc quan trọng mà họ dự kiến ​​sẽ đạt được trong năm 2022 tại Viện số 6, nơi có chương trình phát triển động cơ tên lửa nhiên liệu lỏng.

Chúng bao gồm một cuộc thử nghiệm toàn bộ máy đối với động cơ tên lửa YF-79, dành cho giai đoạn thứ ba và cuối cùng của chuyến phóng vào không gian của Trường Chinh 9. Động cơ hydro-oxy chu trình giãn nở có sức đẩy 25 tấn này sẽ là loại động cơ mạnh nhất thế giới sau khi hoàn thành.

Thập kỷ bận rộn của Trung Quốc: Phi thường, kỷ lục, khiến phương Tây đỏ mắt ghen tỵ - Ảnh 2.

Động cơ YF-77. Ảnh: Weibo / cannews

Sẽ là một năm bận rộn nữa đối với CASC, với hơn 40 lần phóng được lên kế hoạch, bao gồm hai tàu vũ trụ chở hàng, hai tàu vũ trụ chở khách và hai mô-đun thử nghiệm để hoàn thành Trạm vũ trụ Thiên Cung. Chưa hết, tên lửa Trường Chinh 6A cũng dự kiến ​​sẽ ra mắt trong 2022.

Nhìn chung, Trung Quốc đã có tổng cộng 55 lần phóng so với con số 51 của Mỹ.

Chương trình năm 2022 đã bắt đầu với việc phóng tên lửa phòng không Trường Chinh 2D (CZ-2D) từ trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền. Việc đưa vệ tinh Shiyan-13 vào quỹ đạo là sứ mệnh thứ 406 của dòng tên lửa Trường Chinh.

Theo CNBC, các công ty Trung Quốc đã nộp 6.634 bằng sáng chế liên quan đến chuyến bay vũ trụ, bao gồm cả phương tiện và thiết bị, trong khoảng thời gian từ tháng 1 năm 2000 đến tháng 6 năm 2021. Với các chương trình không gian đầy tham vọng của Trung Quốc, những con số này rất đáng chú ý.

THÀNH TỰU KHIẾN PHƯƠNG TÂY GHEN TỴ

NASA - Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ - phải đích thân nhận định rằng:

Năm 2021 là một năm lịch sử đối với chương trình không gian của Trung Quốc. Nước này đã hạ cánh thành công lên sao Hỏa, bắt đầu lắp ráp Trạm vũ trụ Trung Quốc (Thiên Cung) trên quỹ đạo và có nhiều loại phương tiện phóng trên quỹ đạo đang được phát triển và sử dụng.

Thập kỷ bận rộn của Trung Quốc: Phi thường, kỷ lục, khiến phương Tây đỏ mắt ghen tỵ - Ảnh 4.

Tên lửa Trường Chinh 5B đưa Chang'e-5 đến Mặt Trăng để thu thập vật liệu, vào ngày 23 tháng 11 năm 2020. Nguồn: CNSA

- Nhìn lại số liệu thống kê về lần phóng của năm 2021, lần đầu tiên trong lịch sử bay vào quỹ đạo của mình, Trung Quốc quản lý tần suất phóng trung bình hơn một lần một tuần. 55 lần phóng lên quỹ đạo đã diễn ra - với hầu hết trong số này sử dụng tên lửa thuộc dòng Trường Chinh 2, 3 và 4 cũ hoặc dòng Trường Chinh 5, 6, 7 và dòng Trường Chinh 8 thế hệ tiếp theo sẽ được đưa vào sử dụng để thay thế chúng.

- Năm 2020, Trung Quốc đã thiết lập thành công hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu của riêng mình, Beidou (Bắc Đẩu), để thay thế cho Hệ thống Định vị Toàn cầu (GPS) do chính phủ Mỹ sở hữu.

- Vào tháng 7/2020, Trung Quốc đã khởi động sứ mệnh độc lập đầu tiên lên sao Hỏa. Với thành tích này, Trung Quốc ghi danh là quốc gia thứ hai (sau Mỹ) đưa tàu đổ bộ sao Hỏa thành công.

- Đầu tháng 12/2020, Trung Quốc đã mang các mẫu vật liệu đất đá từ ​​Mặt Trăng về Trái Đất kể từ lần lấy mẫu Mặt Trăng cuối cùng năm 1976. Nhờ đó, Trung Quốc trở thành quốc gia thứ ba trong lịch sử (sau Mỹ và Liên Xô) đem mẫu vật Mặt Trăng về Trái Đất nghiên cứu thành công.

- Dự kiến cuối năm 2022, Trung Quốc đặt mục tiêu hoàn thành Trạm Vũ trụ Trung Quốc có tên Thiên Cung, có người ở - đưa nước này trở thành quốc gia đầu tiên trong lịch sử sở hữu một trạm vũ trụ tư nhân.

[Trước đó, Trung Quốc vốn không được phép gửi phi hành gia lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) - đây là một dự án chung có sự tham gia của Mỹ, Nga, Châu Âu, Nhật Bản và Canada. Điều này đã thúc đẩy Trung Quốc xây dựng trạm vũ trụ của riêng mình. Sau khi hoàn thành, Thiên Cung sẽ hoạt động trong ít nhất 10 năm; và hoàn toàn chào đón mọi phi hành gia quốc tế lên làm việc, nếu đủ điều kiện].

- Bắc Kinh cũng đã đặt mục tiêu lên Hành tinh Đỏ. Sau khi hạ cánh tàu vũ trụ lên sao Hỏa vào tháng 5/2021, Trung Quốc dự định cử phi hành đoàn đầu tiên đến đó vào năm 2033.

Những thành tựu đã đạt được cộng với những tham vọng mà nước này tiết lộ đã khiến NASA của Mỹ và nhiều quốc gia vũ trụ khác đôi phần ngưỡng mộ, ghen tỵ. Bởi, từ một quốc gia có vị thế khám phá không gian mờ nhạt hồi thế kỷ 20, bước sang thế kỷ 21, Trung Quốc đã 'lột xác' hoàn toàn.

Bài viết sử dụng các nguồn: SCMP, Eurasiantimes, Nasaspaceflight

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại