Tháo chạy khỏi hổ dữ, lữ khách chết vì vài giọt mật: Lời cảnh tỉnh đến hầu hết chúng ta!

Nguyễn Hằng |

Câu chuyện này đã khiến đại văn hào Nga Lev Tolstoi cũng phải thở dài ngao ngán. Có lẽ, bất cứ ai trong chúng ta cũng nên xem đây là một lời cảnh tỉnh đối với bản thân.

Vào một ngày cuối thu, trời se lạnh, lá khô rơi đầy, có một lữ khách vội vã trở về nhà. Bất chợt, nhận thấy những vật màu trắng rải rác trên đường, nhìn kỹ thì đó là xương người. Một cảm giác rờn rợn dâng lên: "Vì sao lại có xương người ở chốn này?", anh ta tiếp tục rảo bước.

Và đột nhiên một con hổ lớn xuất hiện, gầm vang. Lữ khách sững sờ, đứng như chôn chân tại chỗ, một ý nghĩ thoáng qua trong đầu: "Hoá ra đống xương vừa nãy là của những người xấu số bị con hổ này ăn thịt".

Rồi anh ta cắm đầu chạy thục mạng, quên cả đường và thấy mình đứng trước một vực sâu với vách đá dựng đứng. Dưới vực là biển cuộn sóng dữ dội, đằng sau là con hổ đang phóng tới. Tiến thoái lưỡng nan, lữ khách vội leo lên và bám chặt vào một cây thông mọc trơ trọi trên vách đá.

Nhưng con hổ cũng vươn móng vuốt định trèo lên cây thông. Anh ta chợt nghĩ thế là hết thì nhìn thấy trước mắt một sợi dây mây quấn quanh cây thông nên vội vàng lần theo sợi dây mây tụt xuống.

Tới giữa chừng, lữ khách lơ lửng trong không trung, bên trên là con hổ đang liếm mép nhìn trừng trừng, còn bên dưới là vực sâu có ba con rồng ba màu, xanh - đen - đỏ, quẫy lộn trong sóng biển dữ dội chờ kẻ xấu số rơi xuống.

Không những thế, lại có tiếng kêu "chít chít" đâu đó, ngước lên thì thấy một đàn chuột đen trắng đang gặm gốc dây mây. Sẽ chẳng mấy chốc dây mây đứt và anh ta sẽ rơi thẳng vào những cái miệng há hoác của lũ rồng bên dưới.

Trong tình cảnh kẹt cứng, gắng đung đưa người để đuổi lũ chuột thì bất chợt cảm thấy có một thứ gì dinh dính rơi xuống má, anh ta lấy ngón tay quệt lên má và liếm thử, hoá ra là mật ong. Có một tổ ong ở gốc cây mây nên mỗi lần cây mây đong đưa thì những giọt mật nhỏ xuống.

Anh ta bị thu hút bởi vị ngọt ngào của mật ong và quên hẳn tình trạng ngàn cân treo sợi tóc của mình. Anh ta lấy hết sức lắc dây mây để hứng những giọt mật.

Tháo chạy khỏi hổ dữ, lữ khách chết vì vài giọt mật: Lời cảnh tỉnh đến hầu hết chúng ta! - Ảnh 1.

Lòng tham của con người thực đáng sợ, ngay khi cận kề sự sống và cái chết cũng quyết không từ bỏ chút mật ngọt. Hình minh họa.

Câu chuyện này được Đức Phật kể lại cho thính chúng khi thuyết giảng về dục vọng của con người, khi vướng vào lòng tham, dù chết đến nơi vẫn thèm khát chút mật ngọt. 

Đại văn hào Nga Lev Tolstoi khi đọc câu chuyện này, ông sửng sốt kêu lên: "Không thấy câu chuyện nào viết về dục vọng của con người sâu sắc như vậy". Quả thật, để diễn tả dục vọng từ bản chất sâu thẳm của con người thì không có câu chuyện nào hay hơn câu chuyện này.   

Nhân đây cũng xin nói thêm là con hổ tượng trưng cho chết chóc và bệnh tật, cây thông tượng trưng cho tài sản, địa vị và danh vọng trên thế gian, những con chuột đen và trắng tượng trưng cho ngày và đêm biểu tượng về thời gian.

Mặc dù bị cái chết đe dọa và chỉ có một sợi dây leo mong manh để bấu víu, vậy mà con người vẫn không từ bỏ lòng tham.

Sợi dây leo đó bị mài mòn theo thời gian và chúng ta cũng già đi theo năm tháng, đến gần với cái chết - điều mà con người luôn trốn tránh.

Dù phải đánh đổi sinh mạng và rút ngắn tuổi thọ thì con người vẫn chọn mật ngọt.

Dục vọng nằm dưới đáy sâu tâm hồn, thường xuyên gặm nhấm trí não chúng ta và làm sai lệch con đường chúng ta đi trong cuộc đời. Bị dục vọng thống trị đến mức khổ sở như vậy nhưng con người vẫn không thể từ bỏ. Đó là thực tướng của kiếp người.

Tháo chạy khỏi hổ dữ, lữ khách chết vì vài giọt mật: Lời cảnh tỉnh đến hầu hết chúng ta! - Ảnh 2.

Đại văn hào LEv Tolstoi cũng phải ngao ngán thở dài vì câu chuyện sâu sắc về lòng tham của con người.

Có thể từ bỏ "tam độc" cám dỗ và làm hư hỏng con người được không?

 "Mật" tượng trưng cho những khoái lạc cám dỗ. Những con rồng đợi dưới vực sâu là những hiểm họa do tâm hư cấu. 

Có thể nói, mật ngọt và những con rồng là phản ánh dục vọng và "tà tâm" mà con người ấp ủ. Rồng đỏ tượng trưng cho "sân", rồng đen tượng trưng cho "tham" và rồng xanh tượng trưng cho "si".

Phật giáo gọi ba loại tật xấu này là "tam độc", là những nguyên nhân làm hủy hoại tâm hồn con người.

Trong nhiều tật xấu thì tam độc, tham - sân - si, là nguồn gốc của khổ đau và là độc tố bám sâu trong lòng người. Con người muốn tránh nó cũng không tránh được, muốn rũ bỏ nó cũng không rũ bỏ được. 

Quả thật, con người bị ba loại độc tố này chi phối trong cuộc sống hàng ngày. Thèm khát vật chất và ham muốn danh vọng ẩn náu trong tâm hồn bất kỳ người nào, nếu không được thỏa mãn thì uất hận, ghen tức với người khác và trở nên tăm tối u mê. 

Nói chung, hầu hết chúng ta bị dục vọng chi phối trong suốt cuộc đời. Ngay cả những đứa trẻ cũng vậy, từ khi sinh ra cũng đã rơi vào vòng cương tỏa của dục vọng, và rồi dục vọng trở thành những thói hư tật xấu của người lớn.

Đương nhiên, dục vọng cũng đồng thời là nguồn năng lượng sinh tồn. Và chúng ta không thể đơn giản phủ nhận vai trò của nó. 

Bởi vì nguồn năng lượng không thể thiếu cho sự sinh tồn của cá thể và chủng loài nhưng nếu không biết kiềm chế và điều khiển chúng, chính nguồn năng lượng ấy lại trở thành nỗi bất hạnh cho con người, là những độc tố hủy hoại tâm hồn chúng ta.

Tháo chạy khỏi hổ dữ, lữ khách chết vì vài giọt mật: Lời cảnh tỉnh đến hầu hết chúng ta! - Ảnh 3.

Con người phải tự rèn luyện bản thân trước những cám dỗ của dục vọng. Hình minh họa.

Do vậy, điều quan trọng là tránh xa những dục vọng xấu xa. Không thể triệt tiêu hoàn toàn "tam độc" thì cũng phải nỗ lực kiềm chế, kiểm soát  được chúng.

Không có con đường nào dễ dàng trong nỗ lực làm chủ dục vọng. Chỉ có cách là tích lũy dần dần những trải nghiệm và rèn luyện ý chí trong quá trình tu dưỡng bản thân như tôi đã đề cập ở đầu cuốn sách: thành thật, biết ơn, tự phán xét mỗi ngày. 

Chúng ta phải buộc mình tập thói quen luôn nhận định sự việc bằng lý trí sáng suốt.

Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta phải đưa ra phán đoán, quyết định về muôn vàn sự việc. Những lúc đó, nếu chúng ta hấp tấp ra quyết định tức thời cũng đồng nghĩa với việc những quyết định ấy xuất phát từ bản năng (tức là xuất phát từ dục vọng). 

Nếu trước khi đáp ứng với sự việc, chúng ta tạm thời giữ lại nhận xét ban đầu, hít thở sâu một lúc và tự chất vấn "Nhận xét đó có bị dục vọng chi phối không? Có bị tà tâm xen vào không?". 

Khả năng tự vấn là rất quan trọng. Với cách thức như vậy, dừng lại một chút để suy nghĩ trước khi đưa ra kết luận, chúng ta có thể tiến gần tới việc nhận xét và quyết định dựa trên lý trí sáng suốt chứ không phải dựa trên dục vọng.

Tôi nghĩ rằng, việc tạo lập thói quen tư duy sáng suốt như vậy trong đời sống hàng ngày là việc rất quan trọng để chúng ta có thể tránh xa những cám dỗ và kiềm chế dục vọng. Kiềm chế dục vọng, trừ bỏ tà tâm là một bước tiến tới lòng vị tha. 

Tháo chạy khỏi hổ dữ, lữ khách chết vì vài giọt mật: Lời cảnh tỉnh đến hầu hết chúng ta! - Ảnh 4.

Tấm lòng nhân ái dành cho người khác trước khi nghĩ đến bản thân mình là điều cao cả nhất, là đức tính đáng trọng nhất trong tính cách con người.

Quên mình vì người. Sống vì người khác trước khi vì mình. Khi phát khởi lòng vị tha như vậy, chúng ta có thể thanh thản và hạnh phúc, mọi ứng xử sẽ không bị dục vọng chi phối. 

Suy nghĩ vị tha sẽ đẩy lùi tam độc, tật xấu sẽ được giải trừ, tâm hồn không bị dục vọng làm vẩn đục sẽ trở nên trong sáng và cao cả, chúng ta có thể vẽ lên tương lai tươi sáng đẹp đẽ cho bản thân.

Bài viết trên được trích từ cuốn sách "Cách sống" của tác giả Inamori Kazuo. Cuốn sách là một chuỗi các câu chuyện được tác giả chia sẻ và gửi gắm những thông điệp sâu sắc về cách sống, cách vượt lên chính mình, nỗ lực không ngừng để vươn tới thành công.

Sách do ThaiHaBooks mua bản quyền và hiện đã được phát hành trên toàn quốc. Hãy đón đọc "Cách sống" để thay đổi bản thân và trở nên "phi thường".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại