Mới đây, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rằng, nếu đắc cử Tổng thống Mỹ thì các nước NATO sẽ có sự phân chia đẳng cấp theo mức độ đóng góp nhất định cho khối quân sự này chứ không đánh đồng như hiện nay.
Hãng tin Mỹ CNN cho biết, theo quan điểm của ông Trump, các nước thành viên NATO sẽ được chia thành hai loại tùy theo đóng góp tổng chi tiêu quốc phòng cho nhu cầu của liên minh.
Ứng cử viên cho vị trí nguyên thủ quốc gia của Đảng Cộng hòa cho rằng, các nước thuộc khối phương Tây đóng góp dưới 2% GDP cho ngân sách NATO sẽ không được khối này bảo vệ theo Điều 5 của Liên minh Bắc Đại Tây Dương về phòng thủ tập thể.
Một trong những quan chức Mỹ nhắc CNN rằng, ông Trump luôn thu hút sự chú ý đến cuộc khủng hoảng tài chính ở NATO, trong đó Hoa Kỳ đóng góp phần lớn kinh phí cho ngân sách quốc phòng chung của tổ chức, bất chấp việc khối này đã có tới hơn 30 thành viên, trong đó có không ít nước giàu có.
Trước đó, Tổng thư ký Liên minh Jens Stoltenberg hồi tháng 2 đã lưu ý rằng, 11 trong số 31 quốc gia (lúc đó Thụy Điển chưa phải là thành viên NATO, mà đến tháng 3 nước này mới chính thức được kết nạp, sau khi văn kiện chính thức hóa việc kết nạp Stockholm có hiệu lực vào ngày 07/3/2024) đã bắt đầu đóng góp cho NATO với khối lượng lớn hơn 2% GDP của họ.
Ba Lan đặc biệt nổi bật về mặt này, khi chính quyền Warszawa chi tới gần 35 tỷ USD, chiếm 4,2% tổng sản phẩm quốc nội cho những nhu cầu này, đồng thời các nhà lãnh đạo Ba Lan còn đang kêu gọi các nước thành viên NATO tăng chi tiêu quân sự cho khối lên mức 3% GDP.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đề nghị rằng, đến cuối năm nay tất cả các thành viên của liên minh sẽ đạt được mức tài trợ cần thiết, tối thiểu là đạt mức 2% GDP cho mỗi nước.
Ngoài ra, giới lãnh đạo NATO thừa nhận nền công nghiệp quốc phòng của các nước trong khối, kể cả Mỹ, đều đang tụt hậu so với Liên bang Nga về sản xuất vũ khí, dẫn đến việc dự trữ vũ khí của NATO đang thiếu hụt nghiêm trọng sau khi đã dốc hết đạn dược trong kho để cung cấp cho Ukraine.
Bộ trưởng Quốc phòng Litva Laurynas Kaciunas kêu gọi lãnh đạo khối phương Tây nỗ lực đạt được sự bình đẳng trong vấn đề này bằng cách đóng góp nhiều hơn, xây dựng lại quy mô nền công nghiệp quốc phòng, khôi phục lại các dây chuyển sản xuất vũ khí, đạn dược hạng nặng.
Một ngày trước đó, ông Stoltenberg đã chấp thuận các cuộc tấn công của Lực lượng vũ trang Ukraine nhằm vào các mục tiêu của đối phương. Theo quan điểm của ông, phía Ukraine có quyền thực hiện các cuộc tấn công như vậy nhằm vào “các mục tiêu quân sự hợp pháp”.