Thành viên "đại gia" người bỏ đi, kẻ nợ tiền, gánh nặng tài chính đè trên vai tân TGĐ UNESCO

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Bữa tiệc mừng thắng lợi của bà Azoulay chưa tàn thì được tin Mỹ đột ngột tuyên bố rút khỏi UNESCO do tổ chức này "thiên vị chống" Israel.

Trụ sở của Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hoá của Liên hợp quốc UNESCO được tọa lạc trên một trong những con phố đẹp nhất thuộc trung tâm thủ đô Paris. Từ bên ngoài nhìn vào, toà nhà đồ sộ này hiện lên như một tuyệt tác kiến trúc hiện đại, hoành tráng, nhưng ít ai biết bên trong của nó đang ẩn chứa nhiều vấn đề vô cùng phức tạp.

Nhiều câu hỏi đang được đặt ra về tương lai của tổ chức được thành lập năm 1945 trên sự đổ nát của cuộc chiến tranh thế giới thứ hai nhằm bảo tồn các di sản văn hoá của nhân loại.

Mâu thuẫn từ bên trong

Thành viên đại gia người bỏ đi, kẻ nợ tiền, gánh nặng tài chính đè trên vai tân TGĐ UNESCO - Ảnh 1.

Tòa nhà UNESCO tọa lạc ở trung tâm Paris, Pháp

UNESCO vừa bầu chọn cựu Bộ trưởng Văn hoá Pháp Audrey Azoulay làm Tổng giám đốc. Đây là thắng lợi của bà Azoulay và của nước Pháp qua 5 vòng bầu cử căng thẳng. Bữa tiệc mừng thắng lợi chưa tàn thì được tin Mỹ đột ngột tuyên bố rút khỏi UNESCO do tổ chức này "thiên vị chống" Israel.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cũng cho biết, Israel đang có kế hoạch rút khỏi tổ chức. Điều này có nghĩa là Tổng giám đốc mới sẽ thừa kế một tổ chức với rất nhiều vấn đề nan giải, trước mắt là những khó khăn về tài chính. Một câu hỏi lớn được đặt ra, ai sẽ là người cung cấp tài chính và nhiệm vụ của tổ chức này trong tương lai?

Phần lớn các hoạt động của UNESCO không có gì gây tranh cãi. Tuy nhiên, khi vấn đề liên quan đến các nghị quyết về phương thức quản lý các khu vực tôn giáo ở Jerusalem thì cần phải cất nhắc từng từ một thật chính xác để tránh bị tố cáo là thiên vị bên này hay bên kia.

UNESCO bị khủng hoảng tài chính từ năm 2011 khi tổ chức này kết nạp Palestine là thành viên chính thức làm cho Washington bực bội và ngừng đóng góp tài chính hàng năm là 80 triệu USD.

Canada và một số quốc gia khác cũng quyết định không đóng góp tài chính cho tổ chức này nữa. Như vậy, ngân sách dự kiến một năm của UNESCO sẽ thiếu hụt khoảng 22 - 25%.

Mỹ và Israel nằm trong số 14 nước đã phản đối tư cách thành viên chính thức của Palestine tại tổ chức UNESCO. Mỹ nói rằng họ không chống lại việc thành lập một nhà nước Palestine độc lập, nhưng nhà nước này phải được ra đời do kết quả của các cuộc đàm phán và việc kết nạp Palestine vào các tổ chức quốc tế trước khi thành lập chính thức sẽ làm tổn hại tới tiến trình hoà bình.

Từ đó, Israel đã luôn luôn tìm cách khiếu nại về các nghị quyết liên quan đến các địa danh văn hoá thuộc Bờ Tây và Jerusalem. Israel tức giận vì trong các nghị quyết mới đây, UNESCO đã thừa nhận các khu vực của người Do Thái cổ là di sản Palestine.

Việc này đã làm giảm đi mối liên hệ lịch sử của Israel với vùng Đất Thánh như đã được nhắc tới trong kinh thánh Torah của người Do Thái. Israel cho rằng việc thông qua các nghị quyết như vậy là tước đoạt tính hợp pháp của nhà nước Do Thái.

Thành viên đại gia người bỏ đi, kẻ nợ tiền, gánh nặng tài chính đè trên vai tân TGĐ UNESCO - Ảnh 2.

Tổng thống Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi UNESCO đã khiến tổ chức này gặp khó khăn. Ảnh: AP

Việc Mỹ và một số nước ngừng đóng góp ngân sách khiến UNESCO với gần hai ngàn cán bộ nhân viên đang làm việc trên khắp thế giới sẽ buộc phải thu hẹp chương trình hoạt động của mình và tạm thời không tuyển dụng thêm biên chế. Ngân sách của UNESCO năm 2017 khoảng 326 triệu USD, tức là chỉ bằng một nửa ngân sách của nó năm 2012.

Trong tình hình tài chính khó khăn như vậy, UNESCO phải tính toán tổ chức tiến hành các công việc ít hơn và với số tiền chi phí ít hơn. Trước đây, tổ chức này đã đưa ra nhiều kế hoạch tham vọng nhằm cải thiện hình ảnh của mình, nhưng việc thực hiện hết sức khó khăn do thiếu tiền.

Theo các con số được đăng tải trên trang mạng điện tử của UNESCO thì đến nay các khoản tiền chậm đóng góp cho tổ chức này lên tới 650 triệu USD, trong đó có 54 triệu USD là của Mỹ. Hiện nay các quan chức UNESCO rất lo ngại không biết liệu Mỹ có đóng góp nốt số tiền trên trước khi rời tổ chức này vào ngày 31/12/2018 hay không?

Các nước đóng góp chủ yếu cho ngân sách UNESCO gồm Nhật Bản, Anh và Brasil đến nay vẫn chưa đóng nghĩa vụ tài chính năm 2017 của mình do không tán thành một số chính sách của tổ chức này.

Tổ chức UNESCO hoạt động về cơ bản là nhằm tăng cường đoàn kết và tạo không khí hoà bình giữa các quốc gia, nhưng hiện nay có một số nước lại sử dụng việc đóng góp tài chính để gây sức ép đối với chương trình hành động của tổ chức.

Ví dụ, Nhật Bản đe dọa không đóng góp tài chính do UNESCO đưa vụ thảm sát Nam Kinh vào chương trình "ký ức thế giới" ( Memory of the World) của mình. Mâu thuẫn giữa Nga và Ukraine xung quang bán đảo Crimea cũng hết sức gay gắt khi Kiev tố cáo Moscow đang tìm cách thông qua UNESCO để hợp pháp hoá việc sáp nhập Crimea.

Bài toán khó giải đáp

Tổng giám đốc mới Audrey Azoulay phải giải quyết những vấn đề này. Đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn để có thể vừa giữ được tôn chỉ mục đích của UNESCO, vừa dung hoà được quan điểm của các nước thành viên.

Thành viên đại gia người bỏ đi, kẻ nợ tiền, gánh nặng tài chính đè trên vai tân TGĐ UNESCO - Ảnh 3.

Khác với Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, ở đó 5 nước thành viên thường trực có quyền phủ quyết, UNESCO thông qua quyết định dựa trên đa số phiếu hoặc là tại Đại hội đồng bao gồm tất cả 195 nước thành viên hoặc Hội đồng chấp hành gồm 58 nước.

Israel cho rằng cơ chế này luôn luôn tạo ra một đa số trên thực tế chống lại Israel. Còn Mỹ và các nước đóng góp tài chính nhiều thì nói rằng những lá phiếu của họ không có giá trị tương xứng với số tiền đóng góp.

Tại cuộc họp báo sau khi thắng cử, bà Audrey Azoulay khẳng định ưu tiên hàng đầu của bà là tập trung tiến hành cải cách tận gốc UNESCO, khôi phục lại uy tín của tổ chức này, lấy lại niềm tin cho các thành viên.

Bà cũng hứa sẽ làm việc hết sức mình để khắc phục sự chia rẽ trong nội bộ tổ chức, tập trung thực hiện chương trình hành động đến năm 2030 và ngăn ngừa các cuộc xung đột và đưa Mỹ trở lại UNESCO.

Theo kế hoạch, đại hội tổ chức UNESCO họp phiên thứ 39 vào ngày 10/11 tới với sự tham gia của tất cả 195 nước thành viên sẽ bầu ra Hội đồng chấp hành để Tổng giám đốc mới có thể bắt đầu công việc của mình từ 15/11 thay cho bà Irina Bukova, quốc tịch Bulgaria, người phụ nữ đầu tiên giữ chức vụ Tổng giám đốc của tổ chức này hai nhiệm kỳ liền.

Cựu Bộ trưởng Văn hóa Pháp đắc cử Tổng giám đốc UNESCO

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại