Thanh tra nhà máy 12.000 tỷ “sống dở chết dở” tại Ninh Bình

Tâm An |

“Thanh tra Nhà máy đạm Ninh Bình là một vấn đề nóng và liên quan đến tình hình sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Hoá chất Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết.

Thông tin tại buổi họp giao ban trực tuyến do Bộ Công Thương tổ chức ngày 6/6, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, việc thanh tra nhà máy đạm Ninh Bình sẽ được thực hiện trong tháng 6 này.

Nhà máy hiện đang hoạt động rất khó khăn về công nghệ sản xuất đạm từ than cũng như tiêu thụ sản phẩm.

Bộ trưởng cũng đề nghị Cục hoá chất phối hợp với Tập đoàn Hoá chất Việt Nam đánh giá lại hiệu quả của 2 nhà máy đạm Ninh Bình và đạm Hà Bắc để tính toán và dự báo kế hoạch sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới.

Bộ trưởng nhấn mạnh rằng, thanh tra Bộ cần nhanh chóng triển khai với Tập đoàn Hoá chất kiểm tra nhà máy đạm Ninh Bình để sớm có kết luận và đưa ra định hướng.

“Qua đó Bộ sẽ chỉ đạo phương hướng và giải quyết dứt điểm khâu đầu tư vào dự án cũng như phát triển các nhà máy đạm”, Bộ trưởng nói.

Nhà máy đạm Ninh Bình thuộc Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) được đầu tư xây dựng 12.000 tỷ đồng, đóng tại khu công nghiệp Khánh Phú (Ninh Bình) với công suất 560.000 tấn/năm.

Mặc dù đã đi vào hoạt động từ năm 2012 tuy nhiên, tình trạng thua lỗ diễn ra liên tục, lượng thành phẩm tồn kho của nhà máy lên đến 50.000 tấn, càng tiếp tục sản xuất càng gặp khó khăn.

Thông tin với báo chí, một lãnh đạo nhà máy đạm Ninh Bình cho biết, trong hơn 3 năm hoạt động năm nào nhà máy cũng lỗ nặng.

Cụ thể, năm đầu sản xuất nhà máy lỗ 75 tỷ đồng, năm 2013 lỗ hơn 759 tỷ đồng; năm 2014 lỗ khoảng trên 500 tỷ đồng; năm 2015 lỗ trên 370 tỷ đồng.

Được biết, ngoài việc thua lỗ do giá u-rê trên thị trường liên tục giảm, các bộ phận của nhà máy đạm Ninh Bình cũng thường xuyên hỏng hóc, những bộ phận này chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc do đó phải thường xuyên tu sửa với nguồn kinh phí lớn.

Bên cạnh đó, việc mua vật tư, thiết bị dự phòng cũng phụ thuộc nhà thầu Trung Quốc nên dây chuyền sản xuất tiêu hao nguyên vật liệu cũng cao.

Sau mỗi lần dừng rồi khởi động lại nhà máy cũng tốn số tiền không nhỏ, từ 2-5 tỷ đồng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại