Trải rộng trên diện tích 250.000 m2, "thành phố gỗ" mang tên "Stockholm Wood City" sẽ có 7.000 văn phòng và 2.000 ngôi nhà, tọa lạc ở Sickla, khu dân cư thuộc phía Đông Nam thủ đô.
Nhà phát triển cam kết đây là một đô thị tiện nghi với nơi làm việc, cơ sở giải trí và các tiện ích khác gói gọn trong vòng 5 phút đi bộ.
Gỗ được coi là giải pháp thay thế bền vững cho bê-tông và thép. Mặc dù một số chuyên gia bày tỏ lo ngại về hỏa hoạn nhưng những người ủng hộ cho rằng gỗ đã qua xử lý cháy với tốc độ tương đối chậm và có thể tính toán được, nhờ đó an toàn hơn nhiều kết cấu thép thông thường.
Ảnh đồ họa mô tả Stockholm Wood City Ảnh: ATRIUM LJUNGBERG
Nhà gỗ cũng giúp lưu trữ một phần CO2, giúp chất lượng không khí trong nhà tốt hơn. Một nghiên cứu công bố năm 2022 trên tạp chí Nature ước tính việc xây dựng các tòa nhà cao tầng bằng gỗ đủ cho 90% cư dân đô thị sinh sống từ nay đến năm 2100 sẽ giúp giảm 106 tỉ tấn khí thải CO2 (trái đất hiện thải ra khoảng 40 tỉ tấn CO2/năm).
Điều này đòi hỏi việc khai thác gỗ bền vững để tránh nạn phá rừng, là điều Thụy Điển đã làm được và hiện có 70% diện tích toàn quốc được bao phủ bởi rừng.
Theo công ty tư vấn đa quốc gia McKinsey, lĩnh vực bất động sản đang thải ra gần 40% lượng khí thải toàn cầu và Công ty Atrium Ljungberg hy vọng đang xây dựng một mô hình mới tạo ra sự khác biệt tích cực.
Những tòa nhà đầu tiên ở Stockholm Wood City dự kiến hoàn thành vào năm 2027. Trong những năm gần đây, các dự án tương tự bao gồm những tòa nhà chọc trời bằng gỗ đã được triển khai ở Na Uy, Thụy Điển, Úc...
Singapore đang sở hữu tòa nhà gỗ lớn nhất châu Á, được khánh thành hồi tháng 5 vừa qua trong khuôn viên Trường ĐH Công nghệ Nanyang.