Xe cộ và nhà cửa ngập trong dòng nước lũ. Người đi đường lội qua những đoạn ngập đến ngang đầu gối. Trong những ngôi nhà, người dân đau đầu trước những bài toán mang tên thiệt hại về vật chất mà thiên tai đã gây ra.
Đó là những gì xảy ra ở Lagos, vào những mùa mưa.
Lagos là thành phố lớn nhất của Nigeria, cũng là nơi đông cư dân nhất đất nước với 24 triệu người sinh sống. Người dân nơi đây vốn đã quen với những trận lũ thường niên nhấn chìm phân nửa thành phố gần như suốt cả năm - từ tháng 3 đến tháng 11. Nhưng giữa tháng 7 mới là thời điểm người dân Lagos phải hứng chịu những trận lũ kinh khủng nhất, đặc biệt là trong vài năm gần đây.
Người dân Lagos trong trận lũ tháng 6 năm 2020
"Nó (lũ lụt) rất tệ, tệ một cách bất thường," - Eselebor Oseluonamhen, cư dân Lagos 32 tuổi, chủ một doanh nghiệp truyền thông tại Lagos chia sẻ.
"Tôi lái xe ra khỏi nhà mà không nhận ra trời đã mưa to đến thế. Đường tắc nghẽn chỉ vì lụt lội. Càng đi, nước càng ngập dữ hơn. Nước ngày càng dâng cao hơn, tràn cả vào trong xe," - Oseluonamhen nói thêm.
Mạng xã hội lan truyền hình ảnh và video cho thấy hàng chục chiếc xe ngập chìm trong nước dưới trận mưa xối xả. Nước lũ đã khiến nền kinh tế bị tê liệt, gây thiệt hại ước tính 4 tỉ đô mỗi năm.
Lũ lụt trên đường phố Lagos được đăng tải khắp mạng xã hội
Theo các chuyên gia dự báo, thành phố 24 triệu dân này sẽ sớm trở thành nơi không thể sinh sống vào cuối thế kỷ này. Và đó là hậu quả từ một hiện tượng có lẽ đã quá quen tai: biến đổi khí hậu. Vấn đề còn trở nên trầm trọng hơn nữa do "sự mất cân đối giữa hệ thống thoát nước và đô thị hóa không ngừng" của thành phố, theo như nghiên cứu do Viện Nghiên cứu Phát triển Nigeria thực hiện.
Còn theo Cơ quan Dịch vụ Thủy văn Nigeria NIHSA dự đoán, những trận lũ thảm họa sẽ còn tới nhiều hơn trong tháng 9 tới đây - vốn là thời điểm mùa mưa đạt đỉnh.
Đất ngày càng ít dần
Lagos là một thành phố khá hỗn hợp. Một phần nó được xây dựng trên đất liền, phần còn lại là một chuỗi các hòn đảo.
Nhìn chung thì đây là một thành phố ven biển, và bởi vậy việc các bờ biển bị xói mòn đã khiến cả thành phố thường xuyên đứng dưới nguy cơ hứng chịu lũ lụt. Seyifunmi Adebote, nhà môi trường học người Nigeria cho rằng nguyên nhân là do hiện tượng Trái đất nóng lên và những hành động gây hại của con người trong thời gian dài. Đặc biệt, khai thác cát để xây dựng là một trong những lý do lớn nhất khiến các bãi biển của Lagos ngày càng thu hẹp.
Xe cộ ngập nước tại Nigeria
Manzo Ezekiel, người phát ngôn của cơ quan môi trường NEMA cho biết các bờ sông tại đảo Victoria của Lagos gần như đã bị thổi bay. "Nước dâng lên đang ăn mòn cả hòn đảo," - Ezekiel bổ sung.
Trên đảo Victoria, một thành phố ven biển giàu có mang tên "Eko Atlantic" đang được xây dựng, với mục đích bảo vệ hòn đảo khỏi nước biển dâng cao hàng năm bằng một bức tường dài 8km bằng bê tông. Nhưng dù dự án tham vọng này nhằm mục đích giảm đi nguy cơ thiếu nhà ở, Ezekiel vẫn sợ rằng việc "lấy lại đất của biển cả sẽ làm tăng áp lực cho các thành phố ven biển khác nữa."
Xây dựng thành phố Eko Atlantic
Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng những khu vực lân cận không được bức tường bảo vệ sẽ dễ bị triều cường tấn công hơn.
Những thành phố bị nhấn chìm
Theo một nghiên cứu do Climate Central thực hiện, nhiều thành phố ven biển trên thế giới có khả năng bị nhấn chìm vĩnh viễn vào năm 2100, nếu mực nước biển tiếp tục dâng cao như hiện nay.
"Do hậu quả từ việc nhiệt lượng bị giữ lại do các hoạt động của con người, mực nước biển trong vòng 3 thập kỷ tới có thể dâng lên cao hơn so với các vùng đất con người đang sinh sống - ước tính ảnh hưởng đến 300 triệu người," - nghiên cứu cho hay. "Đến năm 2100, ít nhất 200 triệu người sẽ mất nhà cửa do đất bị nhấn chìm vĩnh viễn xuống biển."
Lagos nhìn từ trên cao
Các chuyên gia dự đoán, nước biển sẽ dâng cao khoảng 2m vào cuối thế kỷ này. Và trong tình cảnh ấy, Lagos - vốn đang chỉ cao hơn mực nước biển dưới 2m - sẽ rơi vào tình trạng bất ổn định. Thậm chí theo một nghiên cứu vào năm 2012 của ĐH Plymouth (Anh Quốc), mực nước biển có thể dâng tới 3m, qua đó "tạo ra thảm họa đối với con người" - đặc biệt là với những thành phố ven biển của Nigeria.
Theo Adebote, số phận của Lagos còn tùy thuộc vào sự ưu tiên của chúng ta vào các dự đoán của khoa học, cũng như các hành động tương ứng với nó. "Chỉ là vấn đề thời gian trước khi thiên nhiên phản đòn và khiến con người chìm trong thảm họa."
Lụt lội chết người
Những trận lũ tại vùng ven biển Nigeria không chỉ gây ra thiệt hại về kinh tế, mà còn cướp đi tính mạng của nhiều người. Theo số liệu của NEMA, đã có 2 triệu người bị ảnh hưởng trực tiếp bởi lũ lụt vào năm 2020, với ít nhất 69 người đã chết. Năm 2019, con số lần lượt là hơn 200.000 người và 158 trường hợp thiệt mạng.
Lụt lội tại Lagos năm 2012
"Năm nào chúng tôi cũng thấy Nigeria có lũ. Đó là vấn đề mà biến đổi khí hậu mang tới và chúng ta phải sống chung với nó," - Ezekiel cho hay.
Lagos, bên cạnh việc hứng chịu rủi ro từ biến đổi khí hậu, còn phải đối mặt với nhiều vấn đề khác nữa. Hệ thống thoát nước nghèo nàn, cùng rãnh cống bị tắc nghẽn giữa thành phố đã khiến câu chuyện lũ lụt thêm phần nghiêm trọng.
"Biến đổi khí hậu khiến nước biển dâng cao, nhưng vấn đề lớn hơn còn nằm ở hệ thống thoát nước," - một người dùng trên mạng xã hội đã viết như vậy dưới một video lũ lụt tại Lagos.
Theo Adebote, để giữ Lagos "nổi" trên mặt biển trong tương lai, thành phố cần một sự cải tạo toàn diện, nhằm thích nghi với biến đổi khí hậu.
"Chúng ta cần xem lại cơ sở vật chất - gồm hệ thống thoát nước, cơ sở xử lý chất thải, kết cấu nhà cửa... Những hạ tầng ấy bền vững và thích nghi như thế nào trước áp lực của môi trường cùng tốc độ đô thị hóa nhanh như hiện nay?"
Chính quyền thành phố Lagos đã bắt đầu khởi động chiến dịch dọn sạch các kênh thoát nước, nhằm giảm thiểu thiệt hại của lũ lụt. Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari đồng thời cho biết đất nước đang sẵn lòng hợp tác với thế giới để chống lại biến đổi khí hậu. Dẫu vậy, Adebote cho rằng phản ứng của chính phủ Nigeria trong vấn đề này là khá chậm chạp.
Olumide Idowu - nhà hoạt động môi trường đã lên tiếng thúc giục nhà chức trách hợp tác với các công ty tư nhân để đẩy nhanh gây quỹ, nhằm đối phó với áp lực từ môi trường.
Sở dĩ có lời đề nghị như vậy là vì nền kinh tế của Nigeria vốn không có gì khởi sắc trong những năm gần đây, dẫn đến việc thu hẹp tài chính dành cho biến đổi khí hậu và các vấn đề liên quan, bất chấp cam kết sẽ đẩy mạnh các hoạt động vì môi trường của chính phủ.
Tháng 7/2021, Bộ Môi trường Nigeria thông báo về sự chấp thuận của Tổng thống đối với các chính sách về môi trường, nhắm đến hầu hết những thách thức từ biến đổi khí hậu với đất nước này.