Việc sử dụng đồng nhân dân tệ trong thanh toán thương mại sẽ được thí điểm trong thương mại biên giới ở giai đoạn đầu, tập trung vào các giao dịch hàng hóa nhỏ và nhu yếu phẩm hằng ngày, Global Times đưa tin ngày 15/12.
Một nguồn tin giấu tên nói: “Trong tương lai, thỏa thuận nhân dân tệ sẽ mở rộng để áp dụng với thương mại chính ngạch, hàng hóa khối lượng lớn vận chuyển bằng container, bao gồm hải sản, máy móc, thiết bị…”.
Một buổi lễ chính thức về việc sử dụng đồng nhân dân tệ trong thanh toán biên mậu dự kiến được tổ chức vào ngày 1/1/2022 với sự tham dự của các quan chức Ngân hàng Trung ương Myanmar và Đại sứ quán Trung Quốc tại Myanmar.
Nhiều nguồn tin và nhà phân tích Trung Quốc nói với Global Times rằng, động thái của Myanmar nhằm giải quyết tình trạng khủng hoảng đồng đô la Mỹ và các ngoại tệ khác mà Myanmar đang phải đối mặt, sau khi nước này sa lầy vào cuộc suy thoái kinh tế trong bối cảnh tình hình chính trị bất ổn sau cuộc chính biến hồi đầu năm.
Theo họ, sự bùng nổ thương mại Myanmar-Trung Quốc sẽ cung cấp một nguồn ổn định cho các ngân hàng Myanmar tiếp cận đồng nhân dân tệ, giúp giảm bớt khó khăn tài chính của nước này.
Vác gạo tại một cầu cảng ở thành phố Yangon của Myanmar. Ảnh: Xinhua.
Trung Quốc muốn quốc tế hóa đồng nhân dân tệ
Nhiều nhà phân tích Trung Quốc cho rằng, việc Myanmar sử dụng đồng nhân dân tệ đánh dấu một bước quan trọng trong nỗ lực chung của Trung Quốc và các nước láng giềng trong việc thúc đẩy quốc tế hóa đồng nhân dân tệ và chống lại sự thống trị của đồng đô la Mỹ. Theo họ, đồng đô la Mỹ đã hỗ trợ phần lớn các hành vi bắt nạt của Mỹ nhằm áp đặt các lệnh trừng phạt đơn phương đối với nước khác.
Ông Zhou Rong, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Học viện Tài chính Trùng Dương thuộc Trường Đại học Nhân dân (Trung Quốc), nói: “Đây là sự giúp đỡ ngay lập tức cho người dân Myanmar, những người đang phải hứng chịu lạm phát gia tăng, mất việc làm và nền kinh tế đình trệ. Nó ít nhất cũng đảm bảo phần nào sinh kế của họ”.
Đồng nhân dân tệ đã được đưa vào danh sách đồng tiền thanh toán chính thức của Myanmar vào tháng 1/2019. Nhưng những người trong ngành cho biết, động thái này vào thời điểm đó mang tính biểu tượng hơn, vì tất cả các hợp đồng và thương mại vẫn được thanh toán bằng đô la Mỹ hoặc đồng kyat của Myanmar.
Ông Zhou cho rằng, về dài hạn, động thái mới của Myanmar sẽ giúp giải quyết tình trạng độc quyền của đồng đô la Mỹ trong dự trữ ngoại hối của Myanmar.
Hồi tháng 10, ngân hàng trung ương Myanmar thông báo, họ sẽ cho phép chuyển đổi đồng nhân dân tệ tại các ngân hàng địa phương có giấy phép hoạt động kinh doanh liên quan đến thanh toán và chuyển đổi ngoại tệ cũng như tại các tổ chức thu đổi ngoại tệ phi ngân hàng.
Theo SWIFT, nhân dân tệ là đồng tiền được sử dụng nhiều thứ 5 trong các khoản thanh toán toàn cầu dựa trên giá trị trong tháng 5/2021, chiếm 1,9%. Năm ngoái, các nhà phân tích của Morgan Stanley dự báo, đồng nhân dân tệ sẽ chiếm 5-10% dự trữ ngoại hối toàn cầu vào năm 2030, đồng nghĩa với việc trong tương lai, tỷ lệ dự trữ của đồng nhân dân tệ có thể chỉ đứng sau đồng đô la Mỹ và đồng Euro.