Giới buôn ngọc ở Myanmar kẹt trong khủng hoảng

Thu Hằng |

Giới buôn bán ngọc ở Myanmar, nguồn cung cấp ngọc bích lớn nhất thế giới, đang mắc kẹt trong xung đột và bất ổn.

Trang sức ngọc bích trong một cửa hàng ở Sagaing, Myanmar ngày 10/10/2021. Ảnh: AFP

Trang sức ngọc bích trong một cửa hàng ở Sagaing, Myanmar ngày 10/10/2021. Ảnh: AFP

Giới kinh doanh ngọc bích Myanmar đang vừa phải né quân đội chính phủ, vừa tránh các cuộc tấn công của lực lượng đối lập để bán được số đá quý ngày càng cạn kiệt, khi ngành công nghiệp hàng tỉ USD của nước này mất đi vẻ rực rỡ sau vụ chính biến.

Quốc gia Đông Nam Á rơi vào vòng xoáy bất ổn mới kể từ khi khủng hoảng chính trị nổ ra hồi tháng 2 năm nay, các cuộc biểu tình lan rộng và nền kinh tế rơi vào khủng hoảng.

Các cuộc giao tranh xung quanh mỏ ngọc bích Hpakant ở phía bắc bang Kachin – mỏ ngọc lớn nhất thế giới – đã làm trì trệ hoạt động khai thác vốn đã bị cản trở bởi đại dịch, cắt giảm mạnh nguồn cung của một trong những mặt hàng xuất khẩu quý giá nhất với Myanmar.

Myanmar là nơi cung cấp ngọc bích lớn nhất của thế giới. Ngành công nghiệp này tại đây chủ yếu được thúc đẩy bởi nhu cầu chưa bao giờ thỏa mãn với đá quý từ nước láng giềng Trung Quốc.

Hầu hết ngọc bích được chuyển qua thành phố lớn thứ hai của Myanmar là Mandalay, nơi có ngôi chùa Kyauksein cao 23 mét, được xây dựng bằng hàng nghìn kilogram đá quý.

Thời gian này, khu vực chùa ngọc bích chìm trong tĩnh lặng, chỉ một số ít Phật tử lui đến cầu nguyện dưới mái vòm màu xanh ngọc và đỏ lấp lánh.

“Việc làm ăn không tốt chút nào”, một tay buôn ngọc cho biết. Suốt vài tháng qua, người này tìm cách bán ngọc bên lề đường Mandalay khi đại dịch và những bất ổn đã khiến chợ ngọc chính của thành phố phải đóng cửa.

“Thỉnh thoảng mọi người lại hoảng sợ khi quân lính đi tuần tới, và họ bỏ chạy… Chỉ cần một người nào đó chạy, là những người khác cũng chạy theo. Rồi binh lính bắn cảnh cáo để kiểm soát tình hình”, người bán ngọc cho biết. Vài ngày sau đó khu chợ ngọc bích mở cửa trở lại, nhà chức trách bắt đầu thu phí.

Theo tổ chức giám sát Nhân chứng Toàn cầu (Global Witness), người ta “gần như không thể” mua được ngọc bích Myanmar nếu họ không nộp thêm một khoản phí nào đó. Trước làn sóng bạo lực lan rộng, hoạt động làm ăn với những viên đá quý đang đối mặt với mối nguy hiểm mới.

“Nếu bạn tiếp tục việc buôn bán của mình, chúng tôi cảnh báo mạnh mẽ rằng tính mạng của các bạn đang gặp nguy hiểm”, một tờ thông báo của nhóm vũ trang đối lập địa phương có tên Generation Z Power (Sức mạnh Thế hệ Z) ghi rõ, vài ngày trước khi chợ ngọc mở lại.

Giới buôn ngọc ở Myanmar kẹt trong khủng hoảng - Ảnh 1.

Bức ảnh chụp ngày 10/10/2021 cảnh chợ ngọc bichs đóng cửa tại vùng Sagaing, Myanmar. Ảnh: AFP

Một quả bom đã phát nổ ngay gần chợ một tuần sau khi những người buôn bán quay trở lại và mặc dù sự vụ không gây thương vong, nhóm đánh bom tuyên bố sẽ tiếp tục tấn công nếu mọi người vẫn tới đây buôn bán.

Nhưng bất chấp mối đe dọa đó, chợ ngọc bích ở Sagaing vẫn hoạt động trở lại, dù không nhộn nhịp như trước.

Ngồi bên chiếc bàn nhỏ, dùng đèn pin soi xét một tảng đá to bằng nắm tay, một người đàn ông nói chuyện với khách hàng qua điện thoại thông minh bằng tiếng Trung Quốc.

Bắc Kinh đã đóng cửa biên giới với Myanmar vì đại dịch và giao tranh lẻ tẻ dọc biên giới, nhưng nhu cầu ngọc bích vẫn rất lớn. Khách mua Trung Quốc đang lợi dụng tình trạng bất ổn để ép giá người bán ngọc Myanmar.

“Vì dịch COVID và bất ổn chính trị, họ đang ép giá rất thấp” - một nhà buôn ngọc 62 tuổi giấu tên cho biết - “Nhưng chúng tôi không có lựa chọn nào khác. Chúng tôi cần họ. Nếu họ không mua hoặc chúng tôi không bán, chúng tôi chẳng còn nơi nào để mà làm ăn”.

"Giá đang giảm", Myo Min Zaw, người đã đi lại hàng tháng qua các khách sạn mà khách Trung Quốc thường lui tới để tìm cách bán ngọc, cho hay. "Một viên đá trị giá 10 vạn kyat (550 USD) nay chỉ bán được khoảng 5 vạn."

Giới buôn ngọc ở Myanmar kẹt trong khủng hoảng - Ảnh 3.

Nhóm phụ nữ làm việc trong một xưởng ngọc bích ở Sagaing, Myanmar. Ảnh: AFP

Theo Global Witness, trước cuộc chính biến, có từ 70-90% tổng số ngọc bích khai thác ở Hpakant được buôn lậu sang Trung Quốc và không bao giờ được đưa vào hệ thống chính thức ở Myanmar. Hanna Hindstrom, nhà vận động cấp cao cho Myanmar tại Global Witness cho biết, kể từ khi xảy ra đụng độ và giao tranh bùng phát quanh các mỏ đá quý, những số liệu ngầm của ngành này thậm chí còn ít được hé lộ hơn.

Bà Hindstrom nói: “Chúng tôi nghe nói rằng giá ngọc ở Trung Quốc đã tăng do nhu cầu cao và nguồn cung giảm” do đụng độ gia tăng giữa các nhóm nổi dậy và lực lượng lực lượng dân quân liên kết với quân đội chính phủ, vốn là những người tích trữ ngọc bích chất lượng cao.

Đối với Thandar, người điều hành xưởng sản xuất ngọc bích hạt nhỏ ở Mandaylay, việc bán những món đồ trang sức khiêm tốn của mình cho khách hàng địa phương ngày càng trở nên nguy hiểm.

“Chúng tôi rất lo lắng nếu phải ra chợ”, bà nói với AFP. "Tất cả chúng tôi đều sợ bị đánh bom. Nhưng chúng tôi không thể không đến vì phải mưu sinh”.

Truyền thông địa phương đưa tin, một vụ nổ thứ hai đã xảy ra ở chợ ngọc bích vào hôm 30/10, giết chết một cảnh sát và khiến thương nhân đá quý bỏ chạy tán loạn.

Cùng ngày, nhà chức trách thông báo bất kỳ cửa hàng nào trong khu chợ ngọc không mở cửa trở lại trước ngày 5/11 sẽ bị "tạm giữ".

"Chúng tôi đang bị mắc kẹt ở giữa", một người bán ngọc lấy tên giả là Aung Aung, nói, "Chợ thì tuyên bố sẽ thu hàng nếu chủ hiệu không mở. Lực lượng Phòng vệ Nhân dân thì yêu cầu chúng tôi ngừng kinh doanh ở chợ”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại