Thế nhưng, di tích thành cổ này đang có nguy cơ chìm vào lãng quên.
Giai thoại về ngọn núi lịch sử
Lam Thành là ngọn núi đứng bên tả ngạn sông Lam (thuộc xã Hưng Thành, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An). Nơi đây có cảnh sắc hùng vĩ, sơn thủy hữu tình, từ lâu đã trở thành một danh thắng nổi tiếng ở xứ Nghệ.
Với địa thế “tựa sơn, vọng thủy”, làng mạc trù phú nên suốt thời kỳ dựng nước và giữ nước, Lam Thành luôn giữ vị trí chiến lược quan trọng, ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử của dân tộc.
Theo sử sách, thành Rum trên đỉnh Lam Thành được xây dựng vào thời cuối triều Trần. Khi nắm binh quyền trong tay, Hồ Quý Ly (1336 - 1407) rất chăm lo việc quân lương, đề phòng quân Minh xâm lược. Ông đặc biệt quan tâm đến vùng từ Thanh - Nghệ vào Nam, cử người thân tín giữ các lộ, xây đắp nhiều thành luỹ, trong đó có thành Rum.
Năm 1406, sau khi nhà Minh đưa quân sang xâm lược nước ta, núi Lam Thành bị giặc chiếm đóng. Quân Minh đã xây dựng trên núi này một hệ thống thành lũy kiên cố làm nơi đóng quân, phong tỏa cả vùng đồng bằng rộng lớn của Nghệ An, Hà Tĩnh.
Cũng chính nơi đây đã ghi dấu sự kiện quan Ngự sử Nguyễn Biểu (1350 - 1413) được vua Trần Trùng Quang cử làm sứ thần cầu hòa, gặp Quan tổng binh nhà Minh là Trương Phụ để thương thuyết nhưng không thành.
Ngự sử Nguyễn Biểu bị giặc trói dưới cầu Yên Quốc (bắc qua một nhánh của sông Lam) cho thủy triều dìm chết. Tương truyền, trước khi mất, ông dùng móng tay rạch vào cột cầu 8 chữ: “Thất nguyệt, thập nhất nhật Nguyễn Biểu tử” (dịch Nguyễn Biểu tử tiết ngày 11/7).
Sự hi sinh anh dũng đầy khí phách của ông là biểu tượng cho tinh thần kiên cường, bất khuất của dân tộc. Để ghi nhớ công lao, người dân địa phương đã lập đền thờ trên núi Lam Thành, gọi là đền An Quốc (Yên Quốc) và đền Nguyễn Biểu dưới chân núi.
Trong cuộc kháng chiến chống quân Minh, Nghệ An được chọn làm nơi đóng quân của nghĩa quân Lam Sơn. Núi Lam Thành tiếp tục là địa điểm quân sự quan trọng mà cả hai phe đều nêu cao quyết tâm đánh và giữ cho bằng được.
Khi lực lượng nghĩa quân Lam Sơn ngày càng lớn mạnh, tháng 2/1427, Nguyễn Trãi gửi thư chiêu hàng tướng nhà Minh là Thái Phúc lúc này đang chiếm giữ thành Nghệ An (đổi tên từ thành Rum). Thái Phúc chấp thuận và đi theo nghĩa quân, đóng góp nhiều kế sách cho vua Lê Lợi.
Hơn 2 năm xây dựng lực lượng, núi Lam Thành trở thành hậu phương vững chắc. Lê Lợi đã chiêu mộ, luyện tập nghĩa binh tạo thành đại quân hùng hậu đủ sức mạnh vây hãm, tiêu diệt quân Minh ở Nghệ An và tiến quân ra Bắc, giải phóng hoàn toàn đất nước.
Đến cuối thế kỷ XVIII, thành Nghệ An trên núi Lam Thành lại là nơi vua Quang Trung - Nguyễn Huệ (năm 1753 - 1792) hội kiến với La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp (năm 1723 - 1804) bàn bạc các sách lược đánh quân Thanh. Trước lúc kéo quân ra Bắc, vua Quang Trung đã tổ chức một cuộc đại duyệt binh tại núi Lam Thành.
Trong suốt hơn 370 năm, từ đầu thời Hậu Lê (năm 1428) cho đến cuối thời Tây Sơn (năm 1801), Lam Thành là trấn lỵ của vùng Nghệ An.
Số phận tòa thành cổ bị lãng quên
Ngoài di tích thành cổ, còn có hàng chục đền, chùa được xây dựng xung quanh Lam Thành như: Đền thờ Nguyễn Biểu, đền thờ Tuyên Nghĩa Hầu, đền Thanh Liệt, đền Vua Lê, chùa (đền) An Quốc, chùa Ông, chùa Mụ... từ xưa đã gắn bó với sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân địa phương.
Với những giá trị lịch sử đó, núi Lam Thành được Nhà nước xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia vào năm 1962. Tuy nhiên, từ đó cho đến nay, di tích này dường như bị các cơ quan chức năng “lãng quên”. Những công trình kiến trúc của thành cổ ngày xưa như: Cột cờ, ụ súng, hồ voi, hồ ngựa… bây giờ chỉ còn sót lại một vài dấu tích.
Chỉ tay lên phía đỉnh Lam Thành, ông Hồ Sỹ Đóa (SN 1954, trú tại xóm Phú Hưng, xã Hưng Thành) cho biết, vào thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, xung quanh khu vực này có nhiều đơn vị bộ đội đóng quân. Chính vì thế, từ năm 1964 - 1972, nơi đây trở thành túi hứng bom, liên tục bị máy bay Mỹ bắn phá.
Khi hòa bình lập lại, khu vực dưới chân núi Lam Thành lại trở thành công trường khai thác quặng. Trải qua thời gian và dưới sự tác động vô ý thức của con người, di tích lịch sử - văn hóa quốc gia Lam Thành dần bị tàn phá, ngày nay chỉ còn sót lại một số tàn tích.
“Tôi sinh ra và lớn lên ở dưới chân núi Lam Thành. Chứng kiến di tích này bị bom đạn, con người tàn phá tôi thấy rất đau lòng. Rất mong chính quyền các cấp có phương án để bảo tồn và phát huy những giá trị của tòa thành cổ, cũng như các di tích khác ở xung quanh núi”, ông Đóa bày tỏ tâm tư.
Ông Nguyễn Văn Đàn - Chánh Văn phòng UBND huyện Hưng Nguyên cho biết, để bảo tồn và quảng bá hình ảnh văn hóa, lịch sử của địa phương, chính quyền đã đưa di tích núi Lam Thành vào Đề án Phát triển du lịch huyện Hưng Nguyên giai đoạn 2022 - 2025.
Tuy nhiên, theo ông Đàn, ở di tích này UBND tỉnh Nghệ An mới chỉ dừng lại ở khâu đo đạc, cắm mốc ranh giới, mà chưa có dự án trùng tu hay khôi phục cụ thể nào. Trong khi đó, huyện Hưng Nguyên không có đủ nguồn lực và kinh phí để thực hiện được việc này.
Mặc dù có nhiều tiềm năng về du lịch, tuy nhiên, lãnh đạo huyện Hưng Nguyên thừa nhận rằng việc đầu tư xây dựng, trùng tu tôn tạo hệ thống di tích còn nhiều hạn chế, chưa xứng tầm. Ngoài ra, địa phương cũng chưa khai thác được nhiều yếu tố linh thiêng của từng di tích, do đó chưa đủ sức hấp dẫn để thu hút du khách đến tham quan và nghiên cứu.
Huyện Hưng Nguyên hiện có 126 di tích, trong đó có 12 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 25 di tích cấp tỉnh. Tiêu biểu như: Khu di tích Xô Viết Nghệ Tĩnh 12/9, Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, Đền Ông Hoàng Mười, núi Lam Thành…