“Thần cước” làng võ Việt có sức mạnh kinh hồn, từng khiến Công tử Bạc Liêu phải “bẽ mặt”

Tiểu Mã (ghi) |

Sau động thái “vuốt râu hùm”, Sáu Nhỏ tung một cú phang ống vào cánh tay của thầy Ngư. Đối thủ bị té văng ra, nằm sõng soài trên mặt đất, giãy đành đạch…

Giới võ miền Nam có câu "cặp chân Sáu Nhỏ, cặp chỏ Chà Và Hương". Sáu Nhỏ là một huyền thoại của làng võ miền Nam trước năm 1975. Sinh thời, dù sở hữu vóc dáng nhỏ bé nhưng ông từng bao lần làm đối thủ khiếp sợ nhờ vào tuyệt kỹ "phang ống" sấm sét của mình.

Ngọn cước huyền thoại từng khiến Công tử Bạc Liêu "bẽ mặt".

Sáu Nhỏ (hay Sáu Cường) tên thật là Nguyên Phước Cường, sinh khoảng đầu thế kỷ 20 tại huyện Tiểu Cần tỉnh Trà Vinh. Mới 10 tuổi, ông đã mồ côi cha mẹ, phải đi ở đợ cho người chú để sống qua ngày.

Từ khoảng 14 tuổi, Cường đi gánh nước mướn, chèo đò mướn từ Cầu Quan qua sông cái sang Đại Ngãi để mưu sinh, cuộc sống đầy cơ cực. Lớn lên một chút, quan lại ở làng xã luôn hiếp đáp vì Cường thường xuyên thiếu tiền thuế thân. Hết bị chủ đò, rồi bao nhiêu người có thế lực chèn ép, Cường âm thầm đi học võ.

Sáu Cường được đồn là học võ với ông Hai Ngàn - một tay giỏi võ trong băng anh chị giang hồ ở Trà Vinh trước 1945. Có người nói thêm, ông Hai Ngàn còn giới thiệu cho Sáu Cường học võ tiếp một võ sư ở miệt Bến Tre... Song, tất cả đều chỉ là chuyện kể, không có đầu đuôi, manh mối, cho nên chuyện Sáu Cường học võ với ai mà giỏi như vậy, đến ngày nay vẫn còn là ẩn số.

“Thần cước” làng võ Việt có sức mạnh kinh hồn, từng khiến Công tử Bạc Liêu phải “bẽ mặt” - Ảnh 1.

Chân dung võ sĩ huyền thoại Sáu Nhỏ (Sáu Cường).

Chỉ có một việc mà ai ở Tiểu Cần cũng đều nhắc tới, đó là hằng ngày, sau giờ lao động mưu sinh, Sáu Cường thường xuống bãi chuối hột để tập đá. Sáu Cường tập hết hai chân, chân này đá rồi tới chân kia. Cả bãi chuối ấy, hầu hết thân cây đều bị bầm vập. Sau một thời gian, nhiều cây chuối hột thân to, đường kính khoảng hơn 30 phân cũng gãy ngang do hứng chịu vài đòn đá phang ống của Sáu Cường.

Sau khi đá gãy nhiều cây chuối, Sáu Cường bị người ta chửi mắng nên đã quay ra đá những bù nhìn bằng rơm, tức thân cây bện rơm xung quanh rồi dựng ngoài ruộng đuổi chim. Sáu Cường  bó thêm rơm vào những thân cây gỗ rừng để luyện cặp chân đá vừa mạnh, vừa dạn dĩ, cứng cáp hơn.

Người ta còn nói thêm về đôi bàn chân của Sáu Cường. Đó là một đôi chân to hơn người khác rất nhiều, đến nỗi không có giày dép nào vừa. Sáu Cường đã phải tự tay đẽo guốc để đi hoặc phải đặt các tiệm bán giày đóng theo kích cỡ bàn chân của mình. Đôi bàn chân to ấy đã cho Sáu Cường một uy lực khủng khiếp khi tung ra những cú đá bạt sơn, hay đá phang ống. Nhiều người bảo chắc tại có bàn chân kỳ dị như vậy nên cú đá Sáu Cường mới khác người.

Với người lớn tuổi hơn thì người ta gọi Sáu Cường là Sáu Nhỏ, vừa ám chỉ anh này ít tuổi hơn họ, nhưng đồng thời qua đó để thấy một đặc điểm là Sáu Cường có thân hình thấp bé, chỉ cao khoảng 1,6 mét.

Những năm 1940, nhiều địa chủ ở đồng bằng sông Cửu Long có phong trào nuôi võ sĩ trong nhà để giữ nhà. Ở Trà Vinh cũng vậy. Bảy Thoại là một hào phú, giàu nức tiếng Trà Vinh, từng rước thầy võ người Hoa ở Chợ Lớn tên là Lai Quý về dạy võ cho gia nhân và giữ nhà cửa, ruộng vườn (Lai Quý là thầy của võ sư Lê Văn Kiển, chủ tịch Tổng Hội Võ Học ở Sài Gòn từ 1969 đến 1975). Bảy Thoại cũng đón cả Sáu Cường về làm gia nhân.

Thời đó, quan huyện Tiểu Cần có một gia nhân là thầy Ngư, vốn là một anh chị trong giới giang hồ ở đất Trà Vinh. Quan huyện nhã ý cho thầy Ngư và Lai Quý giao đấu với nhau để xem cao thấp.

Khi giao đấu, Lai Quý nhanh chóng bị thầy Ngư hạ đo ván trong nháy mắt. Sáu Cường trong đám gia nhân của Bảy Thoại thấy Lai Quý bị hạ rồi, mà thái độ của thầy Ngư quá ư hống hách nên đã nhảy ra nhận đấu tiếp. Nhiều người can ngăn, vì chưa bao giờ thấy Sáu Cường đánh lộn với ai cho nên sợ rằng Sáu Cường sẽ chung số phận với Lai Quý.

Bị can ngăn, Sáu Cường vẫn quyết đấu. Thầy Ngư hất mặt hỏi Sáu Cường là ai mà dám vuốt râu hùm, bởi đất Trà Vinh này ai mà không biết đến thầy Ngư. Sáu Cường chỉ trả lời muốn thử sức với thầy Ngư.

Thế rồi, trận đấu diễn ra nhanh hơn sự mong đợi. Vừa mới nhập trận, Sáu Cường đã tung một ngọn phang ống vào cánh tay của thầy Ngư thì thầy Ngư đã bị té văng ra, nằm sõng soài trên mặt đất, giãy đành đạch.

“Thần cước” làng võ Việt có sức mạnh kinh hồn, từng khiến Công tử Bạc Liêu phải “bẽ mặt” - Ảnh 2.

(Ảnh minh họa).

Sau trận đấu đó, nhiều người đã xúi Sáu Cường lên đấu võ đài, vừa có tiếng, vừa có tiền. Thắng thua gì cũng có tiền cả. Mọi người đều bảo Sáu Cường có cú đá lợi hại thế, dễ gì thua!

Thời đó, giống với nhiều địa chủ ở miền Tây thì Công tử Bạc Liêu là Trần Trinh Huy cũng nuôi võ sĩ làm gia nhân. Công tử Bạc Liêu (cậu Ba Huy) đã qua Xiêm (Thái Lan ngày nay) mời võ sĩ lai Ấn nổi danh Đông Nam Á thời bấy giờ là Kid Chocolate qua Bạc Liêu dạy võ cho người em trai thứ tám của mình và đám gia nhân trong nhà.

Lúc bấy giờ là khoảng những năm 1940, Sáu Cường cũng đã thượng đài năm sáu trận toàn thắng và cũng bắt đầu nổi danh là "thần cước". Công tử Bạc Liêu muốn chơi nổi, liền tổ chức võ đài ở Bạc Liêu, cho mời Sáu Cường đấu với Kid Chocolate mà cậu Ba Huy tin rằng Kid Chocolate sẽ dạy cho Sáu Cường một bài học, đồng thời củng cố vị thế của "Hắc công tử" ở miền Tây Nam Bộ.

Sáu Cường hay Sáu Nhỏ, tất nhiên thấp bé hơn Kid Chocolate, nhưng khi nhập cuộc, Sáu Nhỏ đã áp đảo đối phương ngay bằng cặp chân đá phang ống. Hiệp 1 mới được hơn 1 phút, Sáu Nhỏ đã dồn đối phương vào góc đài và hạ thủ knock out ngay giữa hiệp 1.

Tất nhiên, việc Sáu Nhỏ hạ Kid Chocolate khiến Công Tử Bạc Liêu bẽ mặt. Sau khi trận đấu khép lại, Sáu Nhỏ vừa bước xuống đài liền bị đám gia nhân của "Hắc công tử" bao vậy kiếm chuyện. Tuy nhiên, nhờ sự can thiệp của chính quyền địa phương nên Sáu Nhỏ mới ra khỏi vòng vây ở Bạc Liêu để trở về Tiểu Cần, Trà Vinh.

Cao thủ đầu đội trời, chân đạp đất và đoạn kết bi tráng

Sau lần hạ đo ván quân của Công tử Bạc Liêu, Sáu Nhỏ đấu nhiều trận lắm, cả với võ sĩ Việt, Ấn, Miên (Myanmar), Campuchia, Lào, Thái Lan, Philippines… Trận nào Sáu Nhỏ cũng đá đối phương té tới té lui, có trận đá trúng mặt, trúng bụng knock-out, có trận đá trúng chân làm cho đối thủ bị đo ván. Danh tiếng Sáu Nhỏ nổi như cồn.

Ở Cần Thơ, Sáu Nhỏ thắng knock-out hiệp 2 trước một võ sĩ Pháp lai Ấn, người sử dụng võ Ấn phối hợp quyền Anh để giao đấu. Tại Sài Gòn, sau trận ở Cần Thơ 3 tháng, Sáu Nhỏ lại thắng knock-out võ sĩ Thái Lan là Anthuong Chay – người từng thắng liên tục 30 trận trước đó.

Tiếp đó là trận đấu với Hồng Sơn, một hảo thủ trong đội bảo vệ của hào phú Trương Văn Bền - chủ hãng xà bông Việt Nam giàu có nhất nhì xứ Đông Dương. Trận đấu này diễn ra ở Chợ Lớn. Sáu Nhỏ lại thắng knock-out. Lúc này, cái tên Sáu Nhỏ thực sự trở thành nỗi khiếp sợ với giới võ sĩ đánh đài.

Sau những trận đấu này, Sáu Cường được đưa vào mạng lưới bảo kê ở bến xe An Đông. Một thời gian sau, ông bị bắt đi tù vì tội đánh lộn. Vài năm sau đến 1939, Sáu Nhỏ ra tù trở về Tiểu Cần, Trà Vinh.

Trở về, Sáu Nhỏ tiếp tục đấu võ đài bởi ông không biết làm nghề gì để kiếm sống. Tuy nghèo, kiếm sống bằng nghề đánh võ đài, nhưng Sáu Nhỏ nổi tiếng là người hào hiệp, hay giúp đỡ người nghèo khó, thất cơ lỡ vận như mình.

Sáu Nhỏ từng đấu với Thái Lập Kỳ ở Rạch Giá (Kiên Giang) và Lưu Hữu Vĩnh ở Long Xuyên (nay thuộc An Giang). Không một đối thủ nào chịu nổi những cú đá như trời giáng của ông.

“Thần cước” làng võ Việt có sức mạnh kinh hồn, từng khiến Công tử Bạc Liêu phải “bẽ mặt” - Ảnh 3.

(Ảnh minh họa về một trận đấu của Sáu Nhỏ)

Năm 1943, Sáu Cường đấu với võ sĩ rất nổi tiếng là Bạch Hổ và lại thắng knock-out cũng bằng cú đá. Trước đó, Bạch Hổ nghe danh của Sáu Nhỏ nên đã đáp tàu từ Hà Nội vào để đấu cho bằng được. Ngay sau đó, có võ sĩ Hắc Hổ vốn là bạn của Bạch Hổ cũng xin đấu với Sáu Nhỏ một trận để kiếm tiền cho cả hai mua vé tàu trở về Hà Nội. 

Nếu chỉ lấy tiền thua độ thì cả Bạch Hồ và Hắc Hổ đều không đủ tiền mua vé xe lửa mà phải thắng, tiền độ cao hơn thì mới đủ. Thế nên trận đó, Sáu Nhỏ cố tình để cho Hắc Hổ thắng trận.

Sau đó, Sáu Nhỏ lận đận ở nhiều nơi. Ông tham gia chống giặc ngoại xâm và cuối cùng bị chúng xử tử. Tuy mất đã lâu, nhưng hình ảnh một Sáu Nhỏ thấp bé từng đá ngã biết bao nhiêu đối thủ đã khiến ông trở thành một huyền thoại.

Về sau, dân võ Nam Bộ mới có câu "Cặp chân Sáu Nhỏ" là để ca ngợi đôi chân có sức mạnh kinh hồn, độc nhất vô nhị của hảo thủ người Trà Vinh.

(Bài viết được ghi theo lời kể và quá trình tổng hợp tư liệu từ võ sư, nhà nghiên cứu võ thuật Hồ Tường, Chưởng môn phái Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại